Thảm họa cận kề và cuộc phản công của Liên Xô thay đổi cục diện năm 1942
VOV.VN - Chiến thắng ở Moscow cuối năm 1941 từng khiến giới lãnh đạo Liên Xô kỳ vọng vào một cuộc phản công tổng lực, kết thúc chiến tranh trong năm 1942. Nhưng những sai lầm chiến lược, tổn thất nặng nề và cuộc tấn công bất ngờ của phát xít Đức về phía Nam đã đẩy Liên Xô đến bờ vực thảm họa khi toàn bộ vùng dầu mỏ chiến lược ở Caucasus bị đe dọa.
<< Liên Xô chặn đứng cuộc tấn công chớp nhoáng của Đức năm 1941
Lạc quan sớm - thất bại lớn
Sau chiến dịch phòng thủ thành công tại Moscow, quân đội Liên Xô đã giải phóng Rostov-on-Don ở phía Nam và giáng đòn mạnh vào quân Đức gần Leningrad qua chiến dịch Tikhvin. Những thành tựu đầu tiên khiến nhà lãnh đạo Stalin tin rằng thời cơ để “đánh bại hoàn toàn quân đội của Hitler trong năm 1942” đã đến.
Cuối năm 1941, Hồng quân đổ bộ lên bán đảo Kerch trong bối cảnh phần lớn quân Đức đang vây hãm Sevastopol. Trong điều kiện băng giá và bão tuyết, các chiến sĩ Liên Xô đã táo bạo vượt biển để giành lại bán đảo này vào ngày 2/1/1942.

Tuy nhiên, tại mặt trận Leningrad, Chiến dịch Lyuban nhằm phá vỡ vòng vây đã thất bại. Thành phố tiếp tục rơi vào nạn đói thảm khốc. Đến mùa xuân, cuộc sống mới dần trở lại ở Leningrad. Tại vùng ngoại ô không bị chiếm đóng, người dân đã bắt đầu trồng rau. Tuy nhiên, Liên Xô vẫn chưa thể phá vỡ vòng vây Leningrad vào năm 1942.
Tình hình có vẻ khả quan hơn một chút ở phía nam. Ở Demyansk, Hồng quân bao vây hơn 95.000 quân Đức nhưng không thể tiêu diệt lực lượng địch.
“Kẻ địch đã chặn mọi con đường và mọi lối tiến quân trong cuộc tấn công của chúng tôi. Những cánh đồng yên tĩnh phủ đầy tuyết trắng phía trước các ngôi làng có thể biến thành địa ngục tối tăm chỉ trong khoảnh khắc, ngay khi chúng ta mở cuộc tấn công. Mỗi mét không gian đều bị bắn xuyên qua vô số đạn súng máy và vũ khí ẩn giấu trong các ngôi làng”, Trung tướng Pavel Kurochkin của Liên Xô nhớ lại.
Trong khi đó, Không quân Đức tiếp tế hiệu quả bằng đường không, và đến tháng 4, quân Đức phá vỡ được vòng vây.
Thảm họa Kharkov và bước ngoặt phía Nam
Trên hướng Rzhev gần Moscow, Hồng quân cố gắng loại bỏ chốt của địch ăn sâu vào phòng tuyến Liên Xô nhưng không thành.
Cùng lúc, tại mặt trận Ukraine, một chiến dịch chủ động khác cũng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn.
Ngày 12/5, Hồng quân mở chiến dịch tấn công từ Barvenkovsky nhằm tái chiếm Kharkov. Tuy nhiên, quân Đức phản công mạnh, bao vây hơn 200.000 lính Liên Xô, chỉ khoảng 22.000 người thoát ra được.
Thất bại kép ở Kharkov và bán đảo Kerch trong tháng 5/1942 tạo điều kiện cho phát xít Đức bắt đầu thực hiện Kế hoạch Blau – chiến dịch đánh chiếm vùng dầu mỏ Caucasus (chiếm hơn 70% sản lượng dầu toàn Liên Xô). Nếu mất khu vực này, Hồng quân có nguy cơ bị tê liệt hoàn toàn về hậu cần, nền kinh tế sẽ bị suy yếu và thậm chí Liên Xô có thể mất khả năng kháng cự.
Trong khi các chỉ hủy Liên Xô còn tập trung dự đoán một đợt tấn công mới vào Moscow, thì ngày 3/7, Đức đã đánh chiếm Voronezh, ngày 4/7 Sevastopol thất thủ sau 250 ngày phòng ngự, và ngày 24/7 Rostov-on-Don cũng rơi vào tay quân địch.
Mệnh lệnh 227 và trận chiến sống còn tại Stalingrad
Trước đà tiến của phát xít, ngày 28/7, nhà lãnh đạo Liên Xô Stalin ban hành Mệnh lệnh số 227: “Không được lùi một bước!” - thiết lập các đội trừng phạt và đơn vị chắn hậu để ngăn chặn quân lính rút lui vô tổ chức.
Trong khi Tập đoàn quân B của Đức tiến công Stalingrad và sông Volga, Tập đoàn quân A tràn xuống Caucasus, chiếm vùng hạ lưu sông Don, bán đảo Taman, và thậm chí kéo cờ Đức lên đỉnh Elbrus - nóc nhà của châu Âu.
Tuy nhiên, đến mùa thu, sức tấn công Đức bắt đầu suy yếu. Liên Xô cầm cự kiên cường và chặn đứng quân địch ở dãy núi Caucasus. Lực lượng Đức bị phân tán, không thể chuyển quân từ Stalingrad sang hỗ trợ, khiến chiến dịch chiếm vùng dầu mỏ rơi vào thế bế tắc.

Tại Stalingrad, Tập đoàn quân số 6 gồm khoảng 300.000 quân của Đức do tướng Friedrich Paulus chỉ huy bị cuốn vào giao tranh đường phố khốc liệt. Đến tháng 11, Hồng quân bị dồn sát bờ Volga, chỉ còn giữ được vài điểm cầu ven sông.
“Chúng tôi đói khát, rận đầy người. Nhưng lúc đó, chúng tôi không còn sợ. Chúng tôi chiến đấu để giành từng bức tường. Ban đêm, cả hai bên đều bò qua đường hầm để tìm thức ăn và đạn dược”, binh sĩ Milia Rozenberg của Liên Xô nhớ lại.
Cuộc phản công bất ngờ làm thay đổi cục diện tại Stalingrad
Tưởng như chiến thắng đã nằm trong tay, quân Đức bất ngờ bị đánh úp khi Hồng quân Liên Xô phát động Chiến dịch Uranus vào ngày 19/11. Quân đội Xô viết tấn công mãnh liệt vào hai bên sườn của Tập đoàn quân số 6 – những vị trí chủ yếu được bảo vệ bởi các đơn vị Romania yếu kém. Chỉ sau bốn ngày, vòng vây xung quanh Tập đoàn quân số 6 của Tướng Paulus đã khép chặt.
Ngày 25/11, Liên Xô tiếp tục khai màn Chiến dịch Mars tại khu vực Rzhev-Vyazma, với kịch bản dự kiến tương tự Uranus. Tuy nhiên, khác với Stalingrad, Tập đoàn quân số 9 của Đức không bị siết gọng kìm. Các đợt tấn công của Hồng quân đã bị chặn đứng bởi hệ thống phòng ngự kiên cố của đối phương.
Dù thất bại, Chiến dịch Mars vẫn đạt được mục tiêu chiến lược khi buộc quân Đức giữ lại lực lượng dự bị, thay vì điều đến tiếp viện cho Stalingrad.
Trong khi đó, Adolf Hitler ra lệnh cho Tập đoàn quân số 6 của Paulus chờ cuộc phản công từ bên ngoài đến giải vây. Ngày 12/12, Thống chế Erich von Manstein phát động Chiến dịch Bão Mùa Đông nhằm phá vòng vây cứu Tập đoàn quân số 6.
Tinh thần quân Đức lúc này được giữ vững nhờ hy vọng vào lời hứa của Hitler trước dịp Giáng sinh rằng “Manstein đang đến”. Tuy nhiên, hy vọng đó đã không trở thành hiện thực. Sức kháng cự ngoan cường của Hồng quân và sự chi viện của Tập đoàn quân Cận vệ số 2 do Tướng Rodion Malinovsky chỉ huy đã chặn đứng bước tiến của quân Đức ngay cửa ngõ thành phố.
Ngày 12/12, đội quân của Thống chế Erich von Manstein bắt đầu Chiến dịch Bão Mùa Đông nhằm phá vòng vây từ bên trong Stalingrad. Nhưng trước sự kháng cự mãnh liệt của Hồng quân và sự xuất hiện của Tập đoàn quân cận vệ số 2 do Rodion Malinovsky chỉ huy, chiến dịch bị chặn đứng.
Cuối tháng 12, Hồng quân mở tiếp Chiến dịch Little Sarturn, đột phá sâu 340 km vào phòng tuyến Đức, đánh tan 10 sư đoàn Italy và Romania. Từ đây, Manstein buộc phải rút lui.
Thất bại tại Stalingrad khiến Hitler phải ra lệnh rút toàn bộ quân khỏi Caucasus, từ bỏ giấc mộng kiểm soát các mỏ dầu chiến lược tại đây.
Từ ranh giới thất bại đến thế chủ động chiến lược
Cuối năm 1942, Hồng quân chuẩn bị loạt chiến dịch phản công toàn diện cho năm 1943. Lần đầu tiên kể từ đầu cuộc chiến, Liên Xô bắt đầu giành lại thế chủ động chiến lược trước phát xít Đức – mở đầu cho quá trình phản công toàn diện và thắng lợi cuối cùng.