Làm đường kiểu “chạy tiến độ” ở Bình Dương cũ, người dân lo khi thi công nham nhở
VOV.VN - Tại xã Phước Hòa, TP.HCM (trước đây thuộc huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương), người dân phản ánh về việc nhiều tuyến đường được thi công một cách tạm bợ, dang dở, nghi vấn nhằm kịp giải ngân vốn trước thời điểm sáp nhập.
Đường thi công nham nhở không chỉ gây lãng phí nguồn lực công mà còn ảnh hưởng đến hạ tầng và mỹ quan của "siêu đô thị" mới. Trước thực trạng này, lãnh đạo xã Phước Hòa đang khẩn trương kiểm tra và xử lý.
Nhiều tuyến đường còn nham nhở, dang dở
Theo ghi nhận của phóng viên tại xã Phước Hòa, TP.HCM (trước đây thuộc huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương), tình trạng thi công dang dở, nham nhở diễn ra ở một số tuyến đường như phản ánh của người dân.
Cụ thể, tại đường Ba Góp có chiều dài khoảng 700m, rộng 5m, công trình vẫn trong tình trạng ngổn ngang. Có đoạn đã làm cống ở giữa, đoạn đổ nhựa sơ sài, nhưng cũng có đoạn mới chỉ đổ đá xanh.

Ông Quang, một người dân cho biết, đoạn đường này đã được làm trước thời điểm sáp nhập xã (tức là trước ngày 1/7), thế nhưng đã ngưng lại hơn nửa tháng nay. Bề mặt đường nham nhở làm mất mỹ quan đô thị.
“Trước đây con đường đất nên người dân đóng góp mua nhựa đường lu lại để đi. Nay làm đường nên mừng nhưng nếu đường đẹp thì bộ mặt nông thôn càng đẹp hơn, chứ xấu vậy thì cũng kỳ lắm”.

Tương tự, tại đường Đập 3 có chiều dài khoảng 500m, rộng 4m, cũng trong tình trạng thi công nham nhở và mới chỉ đổ đá xanh. Do chưa hoàn thiện, con đường này thường xuyên đọng nước sau mưa, gây bất tiện cho người dân. Để khắc phục tạm thời, người dân và đơn vị thi công đã phải đục bỏ bó vỉa hè để thoát nước. Nghiêm trọng hơn, ở phía trước con đường còn có đoạn xây cao, chắn nước, gây cản trở và khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Bà Võ Thị Thúy Hà, người dân bên đường Đập 3 cho biết, công trình này đã dừng trước ngày 1/7 đến nay: “Nhà tôi có hàng bông râm bụt khi làm đường, mình chặt bỏ hết để làm đường cho đẹp, mà chờ hoài không thấy rải nhựa. Làm cái gờ không cho nước vô, người dân ra vô cũng cực khổ, xe máy chạy ra vào khó. Bà con rất mong chờ đường cán nhựa”
Người dân mong mỏi chính quyền vào cuộc
Theo ghi nhận của phóng viên, vẫn còn một số con đường cũng trong tình trạng thi công dang dở. Người dân địa phương cho rằng, việc này xuất phát từ áp lực "chạy tiến độ" để kịp giải ngân các khoản vốn đầu tư trước thời điểm sáp nhập, hợp nhất địa giới hành chính.
Người dân mong muốn chính quyền khẩn trương kiểm tra lại, yêu cầu đơn vị thi công tiếp tục hoàn thiện để con đường khang trang, sạch đẹp.

Theo người dân, việc xây dựng đường giao thông cần được kiểm tra chặt chẽ và phải tuân thủ đúng các quy chuẩn kỹ thuật để đảm bảo chất lượng và tuổi thọ công trình. Không thể để tình trạng làm đường “tạm bợ” vì sẽ nhanh chóng xuống cấp, đòi hỏi chi phí sửa chữa, bảo trì trong tương lai, tạo thêm gánh nặng cho ngân sách.
Trước thực trạng này, phóng viên đã trao đổi với lãnh đạo xã Phước Hòa, TP.HCM. Bà Huỳnh Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hòa cho biết, xã Phước Hòa hình thành từ việc hợp nhất xã Phước Hòa, xã Vĩnh Hòa, 2 ấp của xã Tam Lập. Do xã mới tái lập, lãnh đạo mới nên chưa thể nắm rõ toàn bộ tình hình. Đơn vị sẽ yêu cầu kiểm tra ngay lập tức để có hướng xử lý.
Bà Ánh cho biết, các xã cũ trước khi sáp nhập đã đầu tư khoảng 30 tuyến đường giao thông nông thôn. Hiện nay, xã đang cho rà soát lại để lên kế hoạch bổ sung, đầu tư các tuyến đường mới.
“Những tháng còn lại của năm 2025 thực hiện đầu tư công theo giai đoạn cũ, sẽ cho rà soát lại để sắp xếp thứ tự ưu tiên. Nếu đường nào quá xuống cấp sẽ cho sửa chữa, nâng cấp trước. Nếu nguồn vốn lớn, hoặc đường dài không đủ kinh phí thực hiện thì căn cứ theo phân cấp của thành phố, đưa vào sắp xếp thực hiện theo thứ tự ưu tiên theo giai đoạn 2026-2030”.

Theo tìm hiểu, trước thời điểm các xã, phường thuộc Bình Dương cũ sáp nhập và hợp nhất vào TP.HCM, nhiều tuyến đường trên địa bàn đã được khẩn trương chỉnh trang, cải tạo nhằm thay đổi diện mạo địa phương. Người dân phấn khởi với những con đường mới nhưng việc triển khai thi công "thần tốc" đã khiến họ không khỏi lo lắng về chất lượng thực sự của các công trình này. Bởi lẽ, nếu có vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng, việc truy cứu trách nhiệm sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều do chủ đầu tư và lãnh đạo các xã đã có sự thay đổi.