Dù khó khăn đến mấy, Mỹ vẫn là thị trường trọng điểm của ngành dệt may Việt Nam
VOV.VN - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang cho rằng, dù khó khăn đến mấy thì Mỹ vẫn là thị trường trọng điểm của ngành dệt may. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã bắt đầu sản xuất các đơn hàng lớn, giá trị cao vào thị trường Trung Quốc.
Thực tế này xuất phát từ bối cảnh ngành dệt may Việt Nam đang gặp phải áp lực rất lớn về chuyển dịch lao động. Trong khi đó, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, nhiều nhãn hàng trên thế giới đã đặt vấn đề với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, về việc mở rộng đầu tư tại các quốc gia của họ, từ đó cùng nhau đi chung trên con đường toàn cầu.
“Hiệp hội đã bắt đầu định hình các thị trường để DN có hướng đầu tư, cụ thể như Bangladesh, Ấn Độ hay Myanmar hoặc Pakistan…Sắp tới Vitas sẽ có cuộc họp với các DN để đưa ra định hướng giúp DN tự tin hơn trong vấn đề này. Một tập đoàn lớn hay một tổng công ty lớn phải là các DN toàn cầu, mỗi khi 1 thị trường khó khăn DN sẽ vẫn có thị trường khác kịp thời bù đắp vào chiến lược phát triển ngành dệt may”, ông Giang chia sẻ.

Chiến lược mới của dệt may Việt Nam
Thông tin từ Chủ tịch Vitas cho thấy, hiện đã có DN dệt may đầu tư sang Mexico và Myanmar, bắt đầu triển khai các dự án đầu tư sang Ấn Độ, Ai Cập. Trong bối cảnh thế giới xoay chuyển và đang có những chuyển dịch, dệt may Việt Nam cũng phải thay đổi để thích ứng. “Các DN phải đi nhiều chân để phát triển, ngay như ở trong nước bằng việc đầu tư sâu vào nhà máy, đầu tư vào công nghệ tự động hóa, về AI và robot,…giờ đã đến lúc phải tính đến đầu tư mở rộng ra bên ngoài”, ông Giang cho hay.
Hướng tăng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới, Chủ tịch Vitas cho biết, Hiệp hội đã đặt ra mục tiêu rất rõ cho các DN bằng 3 chiến lược rất rõ ràng. Chiến lược thứ nhất là thúc đẩy khả năng liên kết chuỗi để đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa khách hàng và đa dạng hóa mặt hàng.
Chiến lược thứ hai là thúc đẩy các DN thành lập các Chi hội thời trang, nằm trong Vitas để thúc đẩy khả năng phát triển ngành công nghiệp thời trang, lấy công nghệ AI để phát triển mẫu hàng, giúp DN đi lên bằng chính tư duy và cái chất xám.
Chiến lược thứ ba là thúc đẩy khả năng phát triển, từ việc chủ động hơn nữa nguồn nguyên phụ liệu trong nước, thúc đẩy khả năng thích ứng với các Điều khoản trong các FTA, liên quan đến thuế quan liên quan cũng như xuất xứ, khuyến khích DN sử dụng càng nhiều sản phẩm trong nước trở thành lợi thế phát triển.
“Ngay tại thị trường nội địa, ngành hải quan cũng kiểm soát rất chặt đầu vào, tính toán định mức nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hay gia công xuất khẩu sản phẩm ra thị trường toàn cầu. Các DN sẽ từng bước chủ động và cần nhất là chọn thời điểm để thúc đẩy khả năng của mình, qua từng năm sẽ có bước đột phá trong bối cảnh hội nhập trong thời gian tới”, ông Giang nói.

Trung Quốc sẽ trở thành thị trường trọng điểm
Đề cập đến tình hình thị trường dệt may năm nay, ông Vũ Đức Giang chia sẻ, trong bối cảnh hiện tại, Hiệp hội luôn luôn khuyến khích các DN tiếp tục được mở rộng thị trường, trong đó cần xác định thị trường Mỹ dù khó khăn đến mấy vẫn là thị trường trọng điểm của ngành dệt may. Bên cạnh đó, một số DN đã bắt đầu sản xuất các đơn hàng lớn vào thị trường Trung Quốc nhưng là các sản phẩm dệt may có giá trị cao.
“Trung Quốc trước đây chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam các sản phẩm sợi, nhưng giờ họ bắt đầu nhập khẩu từ Việt Nam quần áo có giá trị rất cao. Dù mang vẫn mang thương hiệu Trung Quốc nhưng giá trị cao hơn cả sản phẩm của các thương hiệu lớn trên thế giới. Do đó, hy vọng sắp tới Trung Quốc cũng sẽ là thị trường trọng điểm của dệt may Việt Nam. Hay như thị trường Hàn Quốc, thị trường Nhật Bản là các thị trường trọng tâm, Liên bang Nga và các nước SNG cũng đã bắt đầu quay trở lại với Việt Nam với những đơn hàng lớn. Ngoài ra, thị trường trong khối ASIAN năm 2024 cũng tăng trưởng trên 20%”, ông Giang cho hay.
Lo ngại trước căng thẳng leo thang tại khu vực biển Đỏ đang đẩy giá dầu tăng cao, nguy cơ tăng cước phí vận tải, ông Giang cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đầu tiên đến tâm lý của những nhà sản xuất, những nhà mua hàng và của những nhà vận chuyển logistics. Cùng với đó, khả năng chi phí vận chuyển tăng là điều không thể tránh khỏi, sẽ ảnh hưởng đến đến chi phí chung.

Điều quan ngại nhất của dệt may Việt Nam theo ông Giang là những biến cố chính trị, xung đột khu vực sẽ tác động đến mục tiêu sản xuất, xuất khẩu trong những tháng cuối năm và cả năm 2026. Nếu các cuộc xung đột diễn ra ngắn tác động sẽ nhẹ hơn, nhưng nếu xung đột kéo dài sẽ là thách thức rất lớn. Điều đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các đơn hàng của của Việt Nam vào thị trường Trung Đông, làm đứt gãy chuỗi cung ứng.
“Vitas cùng các DN đang theo sát các diễn biến địa chính trị trên thế giới để đưa ra cảnh báo cho các DN, tư vấn cho DN thích ứng với những điều kiện thực tế và phải tìm cách cởi nút thắt, tránh rơi vào cái bẫy của bất ổn chính trị ở một số nước hay chiến tranh tại các cái khu vực để cùng xử lý thông tin kịp thời, tránh những rủi ro đáng tiếc”, ông Vũ Đức Giang khẳng định.