Chuyển đổi số - đòn bẩy hiệu quả cho du lịch vùng cao Lào Cai
VOV.VN - Tỉnh Lào Cai (mới) được kỳ vọng là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam, với chiến lược kết hợp chuyển đổi số và phát triển du lịch xanh. Nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình, hợp tác xã làm du lịch đã chủ động thay đổi mô hình vận hành cùng chính quyền hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững.
Từ những bản làng cheo leo bên triền núi đến những thửa ruộng bậc thang bồng bềnh trong mây, du lịch vùng cao luôn có sức hút riêng biệt bởi vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ và bản sắc văn hóa độc đáo. Những năm gần đây, cùng với chủ trương phát triển du lịch miền núi, các địa phương đã bắt đầu tận dụng chuyển đổi số như một "cú hích" thúc đẩy ngành du lịch.
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh – hai cụm từ tưởng như rất “xa xôi”, nay đã trở nên gần gũi, quen thuộc với bà con các bản vùng cao ở Lào Cai, và đang trở thành “đòn bẩy” giúp ngành du lịch phát triển bền vững, hài hòa giữa hiện đại hóa và gìn giữ bản sắc.

Tại xã vùng cao Y Tý, tỉnh Lào Cai – nơi nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ và văn hóa truyền thống của đồng bào Hà Nhì – người dân giờ đây không chỉ chờ đợi khách đến, mà còn chủ động sử dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội để quảng bá hình ảnh quê hương đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Anh Ly Xá Xuy – chủ cơ sở Homestay Y Tý Cloud chia sẻ: "Ở trên Y Tý thì sẽ có mùa săn mây, mùa lúa chín, mùa nước đổ... Bên cạnh đó còn có lễ hội của đồng bào Hà Nhì. Trước kia chưa tận dụng Facebook, Zalo thì lượng khách đến với Y Tý cũng như homestay rất ít. Từ lúc dùng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok để lan tỏa hình ảnh, những điều muốn quảng cáo thì lượng khách đến Y Tý đã nhiều hơn".

Từ phương thức thu hút khách truyền thống dựa vào lợi thế cảnh quan, bản sắc và mạng lưới lữ hành, nhiều cơ sở du lịch nay đã chuyển mình mạnh mẽ nhờ công nghệ. Không chỉ đặt phòng trực tuyến, quảng bá sản phẩm qua mạng xã hội, nhiều đơn vị còn xây dựng hệ thống dữ liệu khách hàng, tích hợp mã QR tại điểm đến, số hóa quy trình thanh toán, tiếp nhận phản hồi... Những giải pháp này không chỉ giúp tiết kiệm nguồn lực mà còn nâng cao tính chuyên nghiệp, mở rộng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Ông Vương Anh Tiến – Chủ tịch HĐQT khu nghỉ dưỡng Eco Garden Trạm Tấu cho biết: "Áp dụng công nghệ số thì du khách sẽ cảm thấy yên tâm hơn. Qua các trang đánh giá thì khách hàng sẽ biết được đơn vị làm có tốt hay không. Bên cạnh đó, vào các trang hướng dẫn là người ta biết được đơn vị còn phòng hay không, không cần gọi trực tiếp nữa".

Tỉnh Lào Cai hiện có 35 khu, điểm du lịch được công nhận, trong đó có những điểm đến nổi bật cấp quốc gia như Sa Pa, ruộng bậc thang Mù Cang Chải, hồ Thác Bà... Toàn tỉnh có trên 2.100 cơ sở lưu trú với khoảng 20.600 phòng, trong đó có nhiều khách sạn 4 - 5 sao và hơn 700 homestay phục vụ du khách.
Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường các giải pháp tiếp thị, 6 tháng đầu năm 2025, Lào Cai đã đón 7,3 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt hơn 21.000 tỷ đồng. Các điểm đến như Sa Pa, Bắc Hà, Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, Mù Cang Chải... tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Tuy nhiên, du lịch Lào Cai vẫn phải đối mặt với một số thách thức như: nhận thức về hội nhập quốc tế chưa đồng đều, hoạt động quảng bá ra thị trường nước ngoài còn hạn chế; hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chất lượng dịch vụ và nhân lực còn yếu, khi hơn một nửa lao động trong ngành chưa qua đào tạo bài bản; tài nguyên thiên nhiên và văn hóa cũng đang chịu áp lực lớn, nhiều khu bảo tồn, di tích bị suy thoái, xâm lấn...

Theo ông Vũ Đại Dương – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Lào Cai, chủ chuỗi nhà hàng Le Gecko Sa Pa, phát triển xanh và bền vững cần được xác định là nguyên tắc cốt lõi trong định hướng du lịch của Lào Cai. Chuyển đổi số là tất yếu, nhưng không phải cứ số hóa là thu hút được nhiều du khách. Điều quan trọng là phải gìn giữ được bản sắc và bảo vệ môi trường.
"Vấn đề mà mọi người đang rất quan tâm và lo lắng hiện nay chính là môi trường. Bởi vì lượng khách du lịch ngày càng tăng, trong khi cơ sở hạ tầng được xây dựng từ lâu đã không còn đáp ứng được nhu cầu, dẫn đến tình trạng ô nhiễm. Quá trình xây dựng, phát triển cũng khiến hệ thống cây xanh bị triệt phá và không được tái tạo kịp thời. Do đó, vấn đề môi trường ngày càng trở nên cấp thiết và cần được chú trọng hơn.

Thứ hai là vấn đề kết nối giao thông. Hiện nay, tuyến đường từ Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải đi vòng ra Sa Pa vẫn còn rất khó khăn. Chúng tôi hy vọng chính quyền địa phương sẽ sớm nâng cấp hạ tầng kết nối giữa các điểm du lịch này. Bên cạnh đó, việc duy trì và bảo tồn bản sắc văn hóa của các dân tộc cũng là một vấn đề vô cùng quan trọng, cần được quan tâm đúng mức trong quá trình phát triển du lịch", ông Vũ Đại Dương cho biết.
Trước những thời cơ đan xen thách thức, Lào Cai đã và đang đưa ra cho mình những mục tiêu, giải pháp để tập trung bứt phá ngành du lịch như: kiện toàn bộ máy quản lý; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy chuyển đổi số, bảo vệ môi trường; xây dựng sản phẩm du lịch bản sắc và đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Trong đó, khu du lịch quốc gia Sa Pa được định hướng trở thành trung tâm nghỉ dưỡng sinh thái, hiện đại, đạt chuẩn quốc tế... Với mục tiêu là trở thành điểm đến hấp dẫn nhất miền núi phía Bắc, đến năm 2030, đón 15 triệu lượt khách, doanh thu trên 71 nghìn tỷ đồng, tạo ra khoảng 65 nghìn việc làm... Đây không chỉ là thách thức, mà còn là động lực để Lào Cai khẳng định mình, vươn lên thành biểu tượng du lịch xanh, thông minh và bền vững của vùng Tây Bắc và cả nước.