Lào Cai: Hạ tầng số giữ vai trò then chốt trong chính quyền địa phương 2 cấp
VOV.VN - Ngay trong tuần đầu tiên thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp ở Lào Cai cho thấy, hạ tầng số đóng vai trò quan trọng, không chỉ phục vụ nhân dân được thông suốt mà còn khắc phục được những hạn chế, thiếu thốn về cơ sở vật chất và sự xa cách về không gian.
Anh Trần Hữu Khánh, người dân phường Cầu Thia, tỉnh Lào Cai cho biết: "Trung tâm hành chính xã mới mặc dù đường xa hơn chút nhưng mà hiện nay giao thông phát triển nên việc đi lại cũng không gặp khó khăn, mặc dù chuyển đến địa điểm mới nhưng đã được địa phương thông báo trên nhóm zalo nên rất dễ tìm".
Chị Phùng Thị Lan ở phường Yên Bái, anh Giàng A Xà ở xã Chế Tạo, chị Nguyễn Thị Thu Huyền ở xã Quy Mông cùng chung nhận xét: "Đến giao dịch ở Trung tâm hành chính công thì công việc vẫn trôi chảy, vẫn thuận lợi cho các công dân đến. Cán bộ hướng dẫn rất nhiệt tình, rất thân thiện, cảm thấy rất là nhanh...".

Tại xã Quy Mông, tỉnh Lào Cai (nơi hợp nhất 3 xã Quy Mông, Y Can và Kiên Thành của huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái cũ) dù cơ sở vật chất vẫn đang được hoàn thiện nhưng cán bộ, công chức nơi đây luôn thể hiện tinh thần phục vụ người dân nhiệt tình, trách nhiệm. Ông Trần Đức Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công xã Quy Mông cho biết, Trung tâm được thành lập nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, với mục tiêu đặt người dân lên hàng đầu. Trung tâm đã trang bị đầy đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị, đồng thời các cán bộ công tác tại đây cũng đã được tập huấn kỹ lưỡng. Mỗi ngày đơn vị đón tiếp và giải quyết thủ tục cho khoảng 10 - 20 người dân và người dân được phục vụ một cách nhanh chóng, không để xảy ra vướng mắc trong các thủ tục.

Tại xã Thượng Bằng La, tỉnh Lào Cai (xã được thành lập trên cơ sở sáp nhập xã Thượng Bằng La và thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cũ), quá trình chuẩn bị và triển khai Trung tâm phục vụ hành chính công, xã đã thông tin rộng rãi về địa điểm, thời gian thực hiện nhiệm vụ để người dân và doanh nghiệp biết. Đồng thời ưu tiên trang bị trang thiết bị, máy móc tốt nhất. Về nhân sự, xã ưu tiên bố trí những cán bộ có thâm niên làm công tác giải quyết thủ tục hành chính cho công tác này...

Ông Nguyễn Hữu Điệp, Phó Chủ tịch UBND, Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công xã Thượng Bằng La cho biết, hiện tại các thủ tục đều giải quyết trên môi trường số, khó khăn lớn nhất là trang thiết bị, máy móc do quá trình tháo dỡ, di chuyển gây hư hỏng và thiết bị cũng đã cũ kỹ. Xã đang rà soát nhu cầu, lập kế hoạch thay thế, sửa chữa và mua mới để đáp ứng yêu cầu công việc.
"Xã cũng ưu tiên nhất các trang thiết bị sau khi tiếp nhận tài sản của hai đơn vị, bổ sung vào Trung tâm phục vụ hành chính công. Song song với việc vừa phục vụ thì vừa hoàn thiện để vụ tốt hơn cho người dân. Đến ngày hôm nay thì các hồ sơ, các thủ tục hành chính của người dân đến liên hệ thì xã đều giải quyết để đảm bảo tiến độ, trước thời gian, không có hồ sơ nào bị vướng mắc, chậm trễ gì", ông Điệp cho biết.

Ông Vũ Đức Trung, Bí thư Đảng ủy xã Liên Sơn, tỉnh Lào Cai (đơn vị hợp nhất giữa 3 xã: Nghĩa Phúc, Sơn A của thị xã Nghĩa Lộ và thị trấn Nông trường Liên Sơn huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cũ) cho biết, ngay sau khi có chủ trương sáp nhập, tỉnh đã chỉ đạo sắp xếp, bố trí trụ sở xã mới đảm bảo gần dân, sát dân, thuận lợi nhất để phục vụ người dân. Tỉnh cũng đã ưu tiên đầu tư cho các xã sửa chữa cơ sở vật chất, trang bị thiết bị, máy móc để phục vụ hoạt động hành chính công. Tuy vẫn còn thiếu một số trang thiết bị như máy tính, máy scan, máy photocopy cần được đầu tư bổ sung, nhưng về cơ bản đáp ứng được nhu cầu phục vụ nhân dân.
"Phát triển trong kỷ nguyên số thì chúng tôi thực hiện chỉ đạo thông qua hệ thống điều hành tác nghiệp, hiện nay thì đối với hệ thống điều hành tác nghiệp chúng tôi đã thông suốt toàn tuyến. Ngoài việc chỉ đạo qua hệ thống điều hành tác nghiệp thì chúng tôi cũng có những cái kênh thông tin trao đổi riêng, ví dụ như thành lập các nhóm zalo, facebook để chúng tôi chỉ đạo đảm bảo thông suốt. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện thêm hệ thống mạng cho các phòng, ban để đảm bảo vận hành trơn tru hơn. Về lâu dài thì chúng tôi cũng kiến nghị là hệ thống thiết bị, máy móc, hiện nay thì cũng đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn thiếu một số những thiết bị máy móc hiện đại sẽ phải đầu tư thế để đảm bảo phục vụ cho người dân được tốt hơn", ông Vũ Đức Trung nói.

Ông Trần Trí Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công số 1 tỉnh Lào Cai cho biết, hiện cấp tỉnh đang triển khai trên 500 thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ, cấp xã đang triển khai trên 500 thủ tục hành chính, tập trung nhiều vào các thủ tục như khai sinh, khai tử, xác nhận tình trạng hôn nhân. Mọi hoạt động ở 2 Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh và 99 Trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã ổn định vì cơ sở vật chất được trang bị tương đối đầy đủ, tỉnh cũng đã tổ chức 3 đợt tập huấn cho toàn bộ cán bộ tham gia quy trình giải quyết thủ tục hành chính ở tất cả các xã, phường... Qua một tuần ghi nhận ở tất cả các điểm phục vụ hành chính công cho thấy số lượng hồ sơ không quá biến động. Người dân nộp hồ sơ trực tuyến rất nhiều nên số lượng người đến trực tiếp không tăng cao.
"Đối với cấp xã thì đến nay tỉnh Lào Cai cũng đã trang bị đầy đủ về máy tính, máy scan và máy in để giúp cho cán bộ có thể thao tác xử lý tất cả những hồ sơ cho người dân. Trong thời gian tới thì cũng sẽ phải tham mưu để bổ sung thêm các trang thiết bị mới hơn, hiện đại hơn để trong quá trình người dân tự thao tác nộp hồ sơ trực tuyến sẽ thuận tiện hơn rất nhiều, ví dụ như cái máy tự quét căn cước công dân...", ông Trần Trí Dũng thông tin.

Tính từ ngày vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, toàn bộ các Trung tâm phục vụ hành chính công trên địa tỉnh Lào Cai tiếp nhận, giải quyết 6.285 hồ sơ đảm bảo đúng quy trình, thuận lợi cho người dân. Các thủ tục hành chính chủ yếu được thực hiện gồm: đăng ký thành lập hộ kinh doanh; lĩnh vực đất đai; thủ tục về tư pháp hộ tịch; thủ tục về cấp phép xây dựng… Các hệ thống phần mềm được vận hành thông suốt, không để xảy ra tình trạng gián đoạn dịch vụ công trong quá trình chuyển tiếp.

Có thể nói bước đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp ở tỉnh Lào Cai cho thấy, chuyển đổi số đã góp phần tạo sự hanh thông trong giải quyết các thủ tục hành chính, chính quyền địa phương đã phục vụ nhân dân một cách thuận lợi ngay trong những ngày đầu tiên. Tuy nhiên để hoạt động trơn tru, hiệu quả hơn nữa, hạ tầng số ở các địa phương cấp xã cần được đầu tư, nâng cấp hơn nữa. Bởi hiện nay, tại Trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã, một số trang thiết bị như máy tính, máy scan đã cũ không cài được phần mềm điều hành bản quyền, chất lượng bản scan không đảm bảo để thực hiện số hoá hồ sơ. Một số trung tâm thiếu máy scan, máy đánh giá hài lòng, máy lấy số thứ tự, chưa có ki-ốt phục vụ người dân tra cứu bộ thủ tục hành chính, quy trình thực hiện thủ tục hành chính và quá trình giải quyết thủ tục hành chính; trụ sở chưa đảm bảo không gian để người dân, doanh nghiệp đến giao dịch...