Những nhà văn gốc Việt kể chuyện ký ức và xa xứ tại Hà Nội
VOV.VN - Với sự hiện diện của những nhà văn gốc Việt nổi bật và sự tham gia của nhiều chuyên gia văn hóa, Những ngày Văn học Châu Âu 2025 hứa hẹn sẽ mang đến một không gian văn chương giàu cảm xúc, khơi gợi nhiều suy tư và kết nối mạnh mẽ giữa truyền thống và hiện đại, giữa quê hương và thế giới.
Từ ngày 8 đến 12/5, chuỗi sự kiện thường niên Những ngày Văn học Châu Âu chính thức quay trở lại với độc giả yêu văn chương tại Hà Nội. Năm nay, chương trình mang chủ đề “Từ đâu và đến đâu: Những tiếng nói văn học di dân Châu Âu”, tập trung khai thác những sáng tác của các nhà văn gốc Việt đang sinh sống và làm việc tại châu lục này. Đây là dịp để độc giả Việt Nam tiếp cận những góc nhìn văn chương mới mẻ, đậm tính liên văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Được tổ chức lần đầu vào năm 2011, Những ngày Văn học Châu Âu đã trở thành điểm hẹn quen thuộc cho những ai yêu văn học và đối thoại văn hóa giữa Việt Nam và các quốc gia châu Âu. Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt khi đánh dấu nhiều mốc quan hệ quan trọng như 35 năm thiết lập quan hệ Việt Nam – Liên minh Châu Âu, 75 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Cộng hòa Czech và 50 năm Việt Nam – Đức. Sự kiện năm nay không chỉ là một hoạt động văn hóa, mà còn là cầu nối góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và châu Âu trong lĩnh vực văn học – nghệ thuật.

Theo ông Oliver Brandt, Giám đốc Viện Goethe Hà Nội, chủ đề văn học di dân năm nay mở ra các cuộc đối thoại sâu sắc về căn tính, ký ức, và sự sáng tạo trong bối cảnh đa văn hóa. Văn học di dân nói chung và văn chương của những nhà văn Châu Âu gốc Việt đang ngày càng được chú ý nhiều hơn ở cả Việt Nam lẫn Châu Âu. Ở đó, những câu chuyện đa dạng về những trăn trở của cá nhân trong bối cảnh toàn cầu hóa, về những hành trình đạt đến sự công nhận, góp phần làm nên một nền văn chương Châu Âu đa dạng và đa thanh. Và không chỉ đem đến những tự sự và những góc nhìn mới, những nhà văn di dân gốc Việt còn góp phần mở rộng phạm vi của văn chương. Theo đó, văn chương không chỉ là tiểu thuyết và thơ ca, mà thông qua những thực hành của họ, ta còn thấy cả những điểm giao với sân khấu, trình diễn, điện ảnh, báo chí, podcast,...


Những Ngày Văn học Châu Âu 2025 – “Từ đâu và đến đâu: Những tiếng nói văn học di dân Châu Âu” - sẽ mang đến cho khán giả yêu văn chương tại Việt Nam những câu chuyện và góc nhìn của các cây viết gốc Việt nổi bật của văn chương Châu Âu đương đại. Những cây viết gốc Việt như Cecile Pin, Khuê Phạm, Vanessa Vũ, Anna Mọi, Maik Cây... sẽ góp mặt trong các buổi tọa đàm, workshop nhằm chia sẻ hành trình sáng tác, đồng thời phản ánh những trăn trở hiện sinh của người viết giữa hai bối cảnh văn hóa.
Điểm nổi bật của chương trình là chuỗi tọa đàm như “Âm vang kiên cường” (8/5) thảo luận về thực hành viết lách của các nữ nhà văn gốc tại châu Âu, khám phá những cuộc đấu tranh căn tính, sự giằng co giữa truyền thống và hiện đại, tìm hiểu cách họ định vị trong thế giới văn chương với tư cách là tiếng nói Á Đông và nữ tính. Tọa đàm “Cội nguồn cảm hứng” (10/5) và “Căn tính di dân và sang chấn thế hệ” (11/5), trong đó các tác giả cùng phân tích hành trình tìm kiếm bản sắc và vai trò của ký ức trong sáng tác. Song song, các buổi workshop chuyên đề về viết tiểu thuyết, kịch bản phim, graphic novel hay podcast giúp người tham gia – đặc biệt là cây viết trẻ – có cơ hội rèn luyện kỹ năng và giao lưu nghề nghiệp trong môi trường đa chiều.
Chương trình do EUNIC Vietnam – liên minh các Viện văn hóa và Đại sứ quán thuộc Liên minh châu Âu – tổ chức, phối hợp với các đơn vị như Goethe-Institut, British Council, Viện Pháp, và Đại sứ quán các nước Czech, Tây Ban Nha, Ý… Sự kiện một lần nữa khẳng định vai trò của văn học như một phương tiện thúc đẩy đối thoại liên văn hóa, đồng thời khơi dậy các giá trị nhân văn từ trải nghiệm di cư, xa xứ và hội nhập của cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Với sự hiện diện của những nhà văn gốc Việt nổi bật và sự tham gia của nhiều chuyên gia văn hóa, Những ngày Văn học Châu Âu 2025 hứa hẹn sẽ mang đến một không gian văn chương giàu cảm xúc, khơi gợi nhiều suy tư và kết nối mạnh mẽ giữa truyền thống và hiện đại, giữa quê hương và thế giới.