Châu Âu hợp lực đánh sập “Hạm đội bóng tối”: Đòn quyết định với Nga?
VOV.VN - Liên minh châu Âu và Anh đã áp đặt lệnh trừng phạt mới nhất đối với “hạm đội bóng tối” của Nga, trong nỗ lực cắt đứt nguồn tài trợ cho chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga đang thực hiện tại Ukraine.
Động thái này diễn ra một ngày sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Putin hôm 19/5. Bất chấp nỗ lực ngoại giao con thoi, các bên đạt được rất ít tiến triển trong các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột Nga-Ukraine.

Châu Âu hợp lực đánh sập “Hạm đội bóng tối”
Các lệnh trừng phạt mới của Liên minh châu Âu (EU) nhắm vào gần 200 tàu bị cáo buộc vận chuyển dầu mỏ Nga bất hợp pháp để lách các hạn chế của phương Tây. EU cũng áp đặt lệnh đóng băng tài sản và lệnh cấm đi lại đối với một số quan chức cũng như một số công ty Nga.
Các quan chức Ukraine cho biết khoảng 500 tàu cũ có chủ sở hữu và giấy phép an toàn không rõ ràng đang né tránh lệnh trừng phạt và giúp mang nguồn thu từ dầu mỏ về cho Moscow. Theo các quan chức EU, Anh cũng nhắm vào “hạm đội bóng tối” bằng 100 lệnh trừng phạt mới, nhằm mục đích phá vỡ chuỗi cung ứng vũ khí của Nga. London cam kết sẽ hợp tác với các quốc gia khác để thắt chặt giá dầu của Nga
EU mô tả đây là "gói trừng phát lớn nhất từ trước đến nay nhắm vào “hạm đội bóng tối” của Nga, nhằm gia tăng áp lực buộc Tổng thống Putin phải chấp nhận lệnh ngừng bắn.
"Hành động của Nga và những lực lượng tiếp tay cho Moscow phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng. Nga càng kéo dài cuộc xung đột thì phản ứng của chúng tôi sẽ càng cứng rắn hơn", Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas nêu rõ.
“Hạm đội bóng tối” của Nga có quy mô lớn cỡ nào?
“Hạm đội bóng tối” hay “hạm đội ngầm” là cách gọi của phương Tây dùng để chỉ các tàu vận chuyển những loại hàng hóa bị áp lệnh trừng phạt trên khắp thế giới. Đó thường là những con tàu cũ với hoạt động “thoắt ẩn thoắt hiện” sử dụng "cờ tiện lợi" từ các quốc gia có quy định lỏng lẻo, chẳng hạn như Panama và Liberia. Chi tiết về quyền sở hữu và đăng ký không rõ ràng. Nhiều tàu có nguồn gốc từ các công ty vỏ bọc ở những nơi như Seychelles hoặc Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.
Iran và Triều Tiên từ lâu được cho là cũng sử dụng “hạm đội bóng tối” để vận chuyển hàng hóa chịu lệnh trừng phạt. Nga nhiều khả năng đã tăng cường sử dụng các tàu này sau khi Nhóm G7 áp đặt mức giá trần đối với xuất khẩu dầu mỏ Nga vào tháng 9/2022.
Do hoạt động của “hạm đội bóng tối” rất khó nắm bắt nên việc xác định số lượng tàu tham gia rất khó khăn. Chuyên gia Robin Brooks, thành viên cấp cao về kinh tế và phát triển toàn cầu tại Viện Brookings, cho rằng, “hạm đội bóng tối” của Nga có 343 tàu, nhưng lưu ý quy mô thực sự "có thể lớn hơn nhiều". Eitvydas Bajarunas, nhà ngoại giao người Litva tại Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu suy đoán Nga sử dụng khoảng 1.300 tàu quan trọng để vận chuyển dầu mỏ.
Một báo cáo của Quốc hội Mỹ năm 2024 về thị trường tàu chở dầu ước tính, trong số gần 7.500 tàu chở dầu được sử dụng trên toàn thế giới, có hơn 1.600 tham gia vận chuyển dầu mỏ của các quốc gia chịu lệnh trừng phạt.
Nỗi ám ảnh đối với châu Âu
Châu Âu cho rằng, ngoài việc làm suy yếu các lệnh trừng phạt, “hạm đội bóng tối” của Nga còn có thể thực hiện các hoạt động phá hoại ở Biển Baltic - một vùng biển nông có nhiều tuyến cáp quan trọng kết nối các quốc gia Bắc Âu. Ước tính khoảng 50% hạm đội ngầm của Nga thường xuyên đi qua khu vực này.
Một loạt các sự cố xảy ra vào đầu năm nay đã khiến các quan chức châu Âu lo lắng. Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã lưu ý về thiệt hại đối với các tuyến cáp nối "Litva và Thụy Điển, một tuyến khác nối Đức và Phần Lan và gần đây nhất là một số tuyến cáp nối Estonia với Phần Lan". Ông cho biết, các cuộc điều tra vẫn đang diễn ra.
Nhiều cơ quan tình báo Mỹ và châu Âu tin rằng thiệt hại đối với các tuyến cáp trên có thể là kết quả của những vụ tai nạn hàng hải gây ra, một phần do các thủy thủ đoàn thiếu kinh nghiệm, một phần do các con tàu được bảo dưỡng kém. Tuy nhiên, các quan chức an ninh châu Âu cho rằng những vụ việc này do Nga gây ra nhằm gieo rắc sự chia rẽ ở châu Âu. Moscow đã phủ nhận hoàn toàn cáo buộc đó.
Lệnh trừng phạt ảnh hưởng ra sao đến đàm phán?
Tiến trình đàm phán Nga-Ukraine đã bị đình trệ trong tuần này sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dừng nỗ lực gây sức ép buộc Nga chấp nhận lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Bên cạnh đó, Mỹ vẫn đứng ngoài các lệnh trừng phạt mới của châu Âu.
Nhiều người đã cáo buộc EU hành động chậm chạp, một phần do áp lực từ các nhóm lợi ích của châu Âu, trong đó phải kể đến các “ông trùm” vận tải biển ở Hy Lạp đã bán tàu cho Nga. Tuy nhiên, nhà phân tích Robin Brooks nhận định, gói trừng phạt mới có thể đạt hiệu quả khi nhắm vào mạng lưới này, đặc biệt khi lệnh cấm của Mỹ, EU và Anh đối với Nga chồng chéo lên nhau.
So sánh khối lượng xuất khẩu dầu mỏ từ năm 2024 và đầu năm nay, ông Robin Brooks cho biết, hoạt động của các tàu chịu lệnh trừng phạt của Mỹ giảm 85% và những tàu chịu lệnh trừng phạt chung từ Mỹ, EU và Anh giảm 93%.
Katja Bego, nghiên cứu viên cấp cao tại chương trình an ninh quốc tế của Chatham House nhấn mạnh “hạm đội bóng tối là phao cứu sinh quan trọng đối với Nga trong thời gian bị trừng phạt, tuy vậy, việc vận hành rất rủi ro và tốn kém". “Sẽ tốt hơn cho Nga nếu họ không cần phải phụ thuộc vào mạng lưới này”, Katja Bego lưu ý.