Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 7/5
VOV.VN - Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 7/5/2025.
Mỹ đang thay đổi chính sách đối ngoại khi rút ra khỏi hòa đàm Nga-Ukraine: Sau nhiều tháng nỗ lực ngoại giao không mang lại kết quả đột phá, Mỹ đã công bố một sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận của mình đối với cuộc xung đột Nga – Ukraine vốn đã bước sang năm thứ tư.

Cụ thể, Washington cho biết sẽ không còn đóng vai trò trung gian tích cực, "bay vòng quanh thế giới" để thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.
Phía Mỹ nhấn mạnh vẫn tiếp tục theo đuổi các nỗ lực hòa bình ở Ukraine nhưng bây giờ là thời điểm để hai bên có những ý tưởng cụ thể về cách chấm dứt cuộc xung đột. Thông báo của Mỹ cho thấy sự thất vọng ngày càng tăng của chính quyền Tổng thống Donald Trump trước tình hình bế tắc hiện tại.
Nga đánh chặn hơn 100 UAV trong đêm: Rạng sáng 6/5, hơn 100 máy bay không người lái (UAV) đã tấn công các khu vực khác nhau trên lãnh thổ Nga, bao gồm cả thủ đô Moscow và các vùng ngoại ô. Theo Bộ Quốc phòng Nga, tổng cộng 105 UAV đã bị lực lượng phòng không Nga bắn hạ trong đợt tấn công lớn nhất trong thời gian gần đây.
Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất gồm Bryansk (32 UAV bị bắn rơi), Voronezh (22 UAV), vùng Moscow (19 UAV), Penza (10 UAV). Ngoài ra là các vùng Kaluga, Belgorod cũng là hai trong nhiều mục tiêu khác trong cuộc tấn công lần này.
Nga triển khai bom lượn "giá rẻ" tấn công Ukraine ở Kharkov: Một loạt video mới xuất hiện trên mạng xã hội cuối tuần qua cho thấy Nga tiếp tục sử dụng bom lượn tấn công các vị trí của quân đội Ukraine ở Kharkov.
Từ đầu năm 2023, quân đội Nga đã tích cực ứng dụng các bộ Mô-đun Hiệu chỉnh và Dẫn đường Phổ quát (UMPK) cho bom FAB, biến những quả bom truyền thống như FAB-250 hay FAB-500 thành bom dẫn đường tầm xa. Sau đó, loại mô-đun này tiếp tục được gắn vào các bom lớn hơn như FAB-1500 và FAB-3000, thậm chí mở rộng sang các loại bom đặc biệt như ODAB-1500 nhiệt áp và bom chùm RBK-500.
Châu Âu xem xét lệnh cấm hoàn toàn khí đốt của Nga: Ủy ban châu Âu (EC) đang xem xét đề xuất kế hoạch chấm dứt mọi hoạt động nhập khẩu nhằm loại bỏ toàn bộ đường ống dẫn và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga vào cuối năm 2027.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine leo thang vào năm 2022, EU đã cắt đứt nhập khẩu khí đốt từ nhà cung cấp lớn nhất trước đây của mình. Mặc dù khối lượng giảm đáng kể nhưng Nga vẫn là nguồn cung cấp lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn cho châu Âu qua đường ống dẫn khí TurkStream - tuyến đường ống dẫn khí từ Nga qua Biển Đen tới Thổ Nhĩ Kỳ.