Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 1/5
VOV.VN - Dưới đây là một số diễn biến quan trọng liên quan đến tình hình chiến sự ở Ukraine ngày 1/5/2025.
Ngoại trưởng Nga nêu giải pháp duy nhất giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Ngày 29/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, cuộc xung đột ở Ukraine chỉ có thể được giải quyết bằng cách loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của nó. Theo ông, nguyên nhân gốc rễ dẫn đến xung đột ở Ukraine, đó là an ninh của Nga bị đe dọa trực tiếp do NATO liên tục mở rộng về phía Đông, đến tận biên giới Nga, trong đó có việc Ukraine mong muốn gia nhập NATO.
Ngoài ra, nhà ngoại giao Nga cho rằng, đề xuất ngừng bắn của Tổng thống Vladimir Putin là sự khởi đầu của các cuộc đàm phán trực tiếp với Ukraine mà không có điều kiện tiên quyết.

Ngoại trưởng Mỹ tiếp tục cảnh báo rút lui khỏi vai trò trung gian hòa bình Nga – Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio ngày 29/4 cảnh báo đã đến lúc Nga và Ukraine cần đưa ra các đề xuất cụ thể để chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Theo ông, nếu tình hình không có tiến triển, Mỹ sẽ rút lui khỏi vai trò trung gian.
Dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ tại họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Tammy Bruce nhấn mạnh: “Hiện tại đang là thời điểm mà hai bên cần đưa ra các đề xuất cụ thể về cách chấm dứt xung đột này. Nếu không có tiến triển, chúng tôi sẽ buộc phải lùi bước với tư cách là người hòa giải trong quá trình này”.
Nga giữ lập trường cứng rắn về 5 vùng lãnh thổ đã sáp nhập. Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tuần trước nhằm thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine, trong đó đề xuất dừng giao tranh dọc các chiến tuyến hiện tại. Tuy nhiên, theo các nguồn thạo tin, ông Putin vẫn giữ lập trường cứng rắn trong suốt cuộc đối thoại kéo dài.
Các nguồn tin của Bloomberg ngày 29/4 cho biết, ông Putin tái khẳng định lập trường rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình khả thi nào cũng phải bao gồm việc công nhận chính thức 4 vùng lãnh thổ từng thuộc Ukraine đã sáp nhập vào Nga sau các cuộc trưng cầu ý dân năm 2022.
Moscow từ lâu khẳng định sẵn sàng đàm phán, nhưng nhấn mạnh rằng quy chế của Crimea, bán đảo đã sáp nhập vào Nga từ năm 2014, cùng với 4 vùng lãnh thổ khác là vấn đề không thể đem ra thương lượng. Điện Kremlin coi việc công nhận “thực tế trên thực địa” là điều kiện tiên quyết để đạt được hòa bình lâu dài.
Nga tăng tốc tấn công, áp sát ranh giới 3 tỉnh chiến lược ở Ukraine. Người phát ngôn lực lượng phòng vệ miền Nam Ukraine, ông Vladyslav Voloshyn cho hay, trong vòng 24 giờ qua, mặt trận Novopavlivka đã ghi nhận tới 23 cuộc giao tranh. “Tình hình tại đây leo thang đáng kể, chiến sự diễn ra ác liệt. Đối phương đang dồn lực đẩy về phía ranh giới 3 tỉnh Dnipropetrovsk, Zaporizhzhia và Donetsk”, hãng tin Ukrinform dẫn lời ông Voloshyn cho biết.
Mặt trận Orikhiv cũng đang diễn biến căng thẳng, đặc biệt tại khu vực gần các khu định cư Mali Shcherbaky, Lobkove và Stepove. Lực lượng Nga đang nỗ lực xuyên thủng tuyến tiếp xúc nhằm chiếm được bàn đạp chiến lược gần Zaporizhzhia, qua đó mở đường tấn công các tuyến hậu cần từ thành phố này ra khu vực phía Đông, thậm chí đe dọa trực tiếp thành phố và vùng ngoại ô.
Ngoài ra, tình hình ở mặt trận Prydniprovske thuộc tỉnh Kherson cũng có dấu hiệu leo thang trong những ngày gần đây. Các lực lượng Nga thường xuyên tìm cách đổ bộ và giành các đảo trên sông Dnipro. Dù Ukraine đã phá hủy phần lớn phương tiện đường thủy của đối phương, nhưng một số binh sĩ Nga vẫn đổ bộ được lên các đảo này.
Châu Âu khó huy động 25.000 binh sĩ để điều tới Ukraine. Trong một cuộc họp giữa các bộ trưởng quốc phòng và tổng tham mưu trưởng các nước châu Âu diễn ra đầu tháng 4, Đô đốc Tony Radakin, Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Anh, được cho là đã đề xuất các đối tác châu Âu xem xét khả năng huy động một lực lượng lên tới 64.000 quân nhân để triển khai tới Ukraine trong trường hợp đạt được thỏa thuận hòa bình. Anh sẵn sàng đóng góp tới 10.000 binh sĩ cho lực lượng này.
Tuy nhiên, trong các cuộc họp tiếp theo, nhiều bộ trưởng quốc phòng châu Âu đã thẳng thắn cho rằng việc huy động tới 64.000 quân là điều không khả thi. Một số đồng minh thân cận của Anh bày tỏ hoài nghi với Bộ trưởng Quốc phòng John Healey, lưu ý rằng một lực lượng ở quy mô như vậy sẽ đòi hỏi tổng cộng khoảng 256.000 binh sĩ trong vòng hai năm, nếu tính đến nhu cầu luân chuyển quân.
Một nguồn tin tham gia các cuộc thảo luận tại Brussels cho biết: “Ngay cả việc huy động 25.000 người cũng sẽ là một mục tiêu đầy thách thức”. Estonia và Phần Lan lo ngại rằng việc điều động lực lượng tới Ukraine sẽ làm suy yếu năng lực phòng thủ biên giới của chính họ, trong khi Ba Lan, Tây Ban Nha và Italy khẳng định sẽ không đóng góp binh sĩ.