Vận hành ổn định chính quyền 2 cấp ở các xã miền núi Đà Nẵng
VOV.VN - Sau 1 tuần đi vào hoạt động, bộ máy chính quyền 2 cấp ở các xã miền núi của thành phố Đà Nẵng đang từng bước vận hành ổn định, hướng tới nâng cao hiệu quả, phục vụ đồng bào vùng cao ngày một tốt hơn.
Thái độ nhã nhặn, ân cần, giải thích, tư vấn cặn kẽ của cán bộ Trung tâm phục vụ hành chính công xã Sông Vàng (mới) khi xử lý hồ sơ đã giúp chị Nguyễn Thị Thanh ở thôn Ban Mai, xã Sông Vàng gạt bỏ được những âu lo mỗi khi đến cơ quan công quyền để giải quyết thủ tục hành chính.

Trước đây, muốn làm thủ tục, giấy tờ chị Thanh và bà con trong thôn phải đi hơn 70 cây số lên tận trung tâm huyện Đông Giang cũ, đôi khi không được việc, phải đi tới, đi lui nhiều lần. Giờ đây, với mô hình chính quyền 2 cấp, mọi hồ sơ, thủ tục được giải quyết ngay tại xã nên rất thuận lợi cho bà con.
Chị Thanh nhận xét: “Từ khi chính quyền mới đi vào hoạt động, đây là lần đầu tiên tôi đến làm giấy ủy quyền nhận lương cho ông bà. Tôi cảm thấy rất hài lòng với thái độ phục vụ của cán bộ ở đây. Các anh, các chị rất quan tâm, tiếp đón chu đáo, tư vấn tận tình cho người dân. Khi sáng tôi làm giấy bị sai, các chị giúp tôi làm lại. Tôi thấy rất hài lòng”.

Xã Sông Vàng (mới) được thành lập trên cơ sở hợp nhất xã Ba và xã Tư, (huyện Đông Giang cũ) có tổng diện tích trên 183 km2, quy mô dân số hơn 7.000 người, trong đó đồng bào Cơ Tu chiếm hơn 40%. Sau khi sáp nhập và đưa vào hoạt động mô hình chính quyền 2 cấp từ ngày 1/7 khối lượng công việc tăng lên đáng kể. Khoảng 280 thủ tục đã được chuyển từ cấp huyện xuống cấp xã, điều này giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ hành chính, tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại.
Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thị Bình, cán bộ Trung tâm phục vụ hành chính công xã Sông Vàng, việc này cũng gây áp lực rất lớn đối với đội ngũ cán bộ xã do công việc nhiều, lại phải làm việc trong môi trường số, điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, mạng Internet chập chờn, người dân miền núi phần lớn chưa quen làm hồ sơ trực tuyến…

Mấy ngày nay phần mềm vẫn chưa ổn định nên với các thủ tục đơn giản, chúng tôi chủ động hướng dẫn, giải thích và hỗ trợ người dân hoàn tất. Riêng các hồ sơ cần thao tác trên hệ thống, chúng tôi phải lấy số điện thoại của người dân để hẹn lại do yêu cầu bắt buộc công dân phải có VNeID mức độ 2 mới nộp hồ sơ trực tuyến được. Nói chung, nếu hệ thống cho phép thì chúng tôi sẵn sàng làm ngày làm đêm để giải quyết thủ tục cho người dân, vì họ cũng kỳ vọng vào bộ phận mới, cán bộ mới”, chị Nguyễn Thị Bình cho biết.

Ông Ngô Văn Quyết, Phó Giám đốc Trung tâm hành chính công xã Sông Vàng cho hay, Trung tâm chỉ có 7 người, trong đó 1 người vừa về hưu, 1 người đang nghỉ chế độ thai sản, đội ngũ cán bộ ít, trình độ chuyên môn không đồng đều lại chưa thích nghi với quy trình, công nghệ mới…. nên bước đầu không tránh khỏi lúng túng. Để đảm bảo công việc thông suốt, những ngày qua, cán bộ Trung tâm đã nỗ lực làm việc với phương châm làm hết việc, không hết giờ, vừa làm, vừa học, vừa điều chỉnh, đáp ứng tốt nhiệm vụ mới trong tình hình mới.
“Về trang thiết bị, chúng tôi đã đề xuất với lãnh đạo, chính quyền địa phương xem xét nâng cấp để đảm bảo hiệu quả hoạt động. Do khối lượng công việc chuyển về cấp xã ngày càng nhiều, mỗi cán bộ phải kiêm nhiệm thêm nhiều phần việc. Tuy vậy, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức, vừa làm vừa học, sẵn sàng làm ngoài giờ, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật để phục vụ người dân tốt hơn. Trung tâm cũng đã thành lập tổ ứng cứu nhằm hỗ trợ người dân trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính”, ông Ngô Văn Quyết nói.
Theo ông Lê Văn Tư, Chủ tịch UBND xã miền núi Sông Vàng thì khó khăn, thách thức trong thời gian đầu đi vào vận hành chính quyền mới là điều không tránh khỏi. Để đảm bảo vận hành thông suốt, địa phương đã chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất, sắp xếp nhân sự, thử nghiệm các quy trình mới… Đồng thời, yêu cầu đội ngũ cán bộ, nhân viên cộng đồng trách nhiệm, chủ động học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, từng bước tháo gỡ khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện, hướng tới mục tiêu phục vụ người dân tốt nhất.
“Chúng tôi đã tổ chức các cuộc họp liên quan đến công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng quy chế làm việc và chương trình công tác, qua đó tạo đầy đủ cơ sở pháp lý để cán bộ, nhân viên triển khai nhiệm vụ. Bước đầu, mọi hoạt động cơ bản được đảm bảo, đặc biệt là Trung tâm Hành chính công đã vận hành ổn định, xuyên suốt và thông suốt”, ông Lê Văn Tư cho biết.

Liên quan việc khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, có báo cáo đề xuất gửi các sở Tài chính, Nội vụ, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan trước ngày 6/7/2025. Trên cơ sở đề xuất của các địa phương, các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động xử lý ngay các vấn đề thuộc thẩm quyền.
Đề cập đến chất lượng đội ngũ cán bộ vùng cao, ông Lương Nguyễn Minh Triết cho biết đây cũng là một trong những vấn đề khiến thành phố đặc biệt quan tâm.
“Chúng tôi cũng đã có kế hoạch liên tục đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cũng như thực hiện các khâu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Nhưng trước hết chính cán bộ địa phương đó phải tham gia nhiệm vụ của địa phương đó, còn số cán bộ tăng cường ở miền xuôi lên cũng chỉ có mức độ thôi, không thể thay thế toàn diện được”, ông Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.