Tự hào thanh niên "thế hệ Bác Hồ"
VOV.VN - Những ngày tháng Năm lịch sử, trong không khí kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 114 năm ngày Người ra đi tìm đường cứu nước, Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời bác Toàn quốc lần thứ VIII - năm 2025, đã diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 16 - 18/5/2025.
Tham gia đại hội, với các hoạt động sôi nổi, các đại biểu có thêm trải nghiệm, gặp gỡ những thanh niên tiêu biểu ở nhiều lĩnh vực khác nhau trên khắp cả nước. Qua đó nhân lên niềm tin và hun đúc những khát vọng cống hiến của tuổi trẻ "thế hệ Bác Hồ".
Dạt dào cảm hứng nghị lực tuổi trẻ
Đại hội Thanh niên tiên tiến toàn quốc lần thứ VIII - năm 2025 tập hợp 444 đại biểu Thanh niên tiên tiến tiêu biểu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, ở các trường học, cơ quan, đơn vị trên khắp cả nước. Mỗi đại biểu là một tấm gương điển hình, một câu chuyện khác nhau nhưng cùng một điểm chung đó là khát vọng cống hiến và nghị lực vươn lên để đóng góp sức trẻ, cùng xây dựng và phát triển đất nước.

Một trong những gương mặt ấn tượng được trò chuyện giao lưu tại lễ tuyên dương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần này, đó là anh Chương Đình Phúc (sinh năm 2005), sinh viên năm thứ 2, Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Tây Nguyên. Vẻ ngoài nhỏ nhắn chỉ ngang học sinh tiểu học nhưng chàng sinh viên này đem đến cho người đối diện cảm giác được truyền động lực bởi những năng lượng tích cực toát ra từ tính cách và sự năng động. Chương Đình Phúc lấy đi không ít nước mắt của những người có mặt trong hội trường bởi câu chuyện xúc động về hành trình theo đuổi ước mơ và trở thành một cán bộ đoàn hội trong trường đại học. Cơ thể khiếm khuyết với đôi tay bị co rút bẩm sinh, sức khỏe yếu, và một tâm hồn trẻ thơ từng bị tổn thương sâu sắc khi gia đình không trọn vẹn, cha mẹ ly hôn từ khi Phúc còn nhỏ.
Vượt qua những khó khăn và khiếm khuyết, chàng trai giàu nghị lực dần lấy lại thăng bằng trong cuộc sống và quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình, đó là học tập thật tốt và tự trau dồi, rèn luyện bản thân để có thể trở thành một người dẫn chương trình chuyên nghiệp và là một người thầy giáo có thể truyền cảm hứng cho học sinh. "Để có được hành trình như ngày hôm nay đối với em bắt nguồn từ một lần bước vào thư viện và được đọc một cuốn sách về Bác Hồ. Em ấn tượng câu nói của Bác, đó là "học để phụng sự tổ quốc, học để phụng sự nhân dân". Lời dạy ấy đã tiếp động lực để em dần dần thay đổi bản thân mình, em chủ động tự học hỏi tự trau dồi như lời dạy của Bác". – Chương Đình Phúc chia sẻ.

Một cá nhân khác cũng để lại ấn tượng với các đại biểu tham dự đại hội, đó là chị Vũ Nhật Hương (sinh năm 1986), công tác tại phòng Hợp tác quốc tế, Cục Gìn giữ Hòa Bình Việt Nam. Là nữ chuyên viên truyền thông đầu tiên của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp Quốc, chị Vũ Nhật Hương đã có 1 năm công tác tại cộng hòa Trung Phi với vai trò sĩ quan truyền thông. Suốt 379 ngày làm nhiệm vụ trên lãnh thổ nước bạn, mang trên mình trọng trách đại diện hình ảnh của quốc gia, Vũ Nhật Hương nỗ lực tham gia các chuyến công tác, không quản ngại khó khăn hiểm nguy, tuân thủ và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, để lại ấn tượng tốt đẹp về hình ảnh người sĩ quan quân đội Việt Nam trong lòng bè bạn quốc tế.

Bên cạnh đó, những tấm gương nghệ sĩ trẻ tiêu biểu như ca sĩ Hòa Minzy, Phương Mỹ Chi, Hoa hậu Thanh Thủy,…cũng đem đến đại hội những câu chuyện truyền cảm hứng trong việc học và làm theo Bác. Thông qua những sản phẩm âm nhạc và hành trình theo đuổi nghệ thuật để nâng tầm các văn hóa phẩm mang thương hiệu Việt Nam vươn ra thế giới, những gương mặt tiêu biểu ấy đã và đang tiếp bước lời dạy của Bác “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Hành trình địa chỉ đỏ thắp sáng lý tưởng “học và làm theo Bác”
Trong khuôn khổ các hoạt động tại Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VIII, các đại biểu đã có những hành trình thăm và tìm hiểu các khu du tích lịch sử tại thành phố mang tên Bác. Từ những địa điểm quanh trung tâm thành phố như Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Nhà thiếu nhi thành phố, bảo tàng chứng tích chiến tranh, bảo tàng Hồ Chí Minh đến những địa danh lịch sử như Di tích Láng Le – Bàu Cò, Khu truyền thống cách mạng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 (huyện Bình Chánh), Nghĩa trang liệt sĩ rừng Sác (huyện Cần Giờ).
Chị Huỳnh Thị Huyền Trân, sinh viên năm 4 ngành Y Đa khoa, trường Đại học Tây Nguyên bày tỏ ấn tượng khi đến thăm Khu truyền thống cách mạng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh. Bức phù điêu lớn ngay trung tâm khuôn viên với hình ảnh những chiến sĩ quả cảm, những người mẹ, người dân tay không đứng lên vì Tổ quốc hiện lên đầy xúc động, khắc họa sinh động khí thế hào hùng của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đây không chỉ là một tác phẩm điêu khắc, mà còn là bản hùng ca bất tử được kể bằng hình ảnh.
“Khi đứng giữa không gian ấy, em như được tách khỏi nhịp sống hiện đại để thả mình vào dòng ký ức lịch sử – nơi lòng tự hào dân tộc được khơi dậy sâu sắc. Chuyến đi không chỉ mang lại kiến thức lịch sử sống động mà còn thức tỉnh trong em ý thức trách nhiệm: phải sống xứng đáng với quá khứ vẻ vang của dân tộc, phải rèn luyện, học tập và cống hiến thật tốt để góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển”.- Huỳnh Thị Huyền Trân chia sẻ cảm xúc.

Còn với anh Trần Thành Thái (sinh năm 1992), công tác tại Viện Khoa học sự sống, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hành trình dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Rừng Sác, huyện Cần Giờ là dấu ấn khó quên trong những ngày tham gia đại hội. “Tôi vô cùng xúc động khi biết nơi đây là nơi yên nghỉ của hơn 1.200 anh hùng liệt sĩ, trong đó có 540 liệt sĩ thuộc Trung đoàn 10 Rừng Sác anh hùng. Các anh đã không quản ngại gian khổ, hy sinh để vượt qua mọi hiểm nguy của thiên nhiên, bom đạn, hi sinh cả tuổi thanh xuân để gìn giữ từng tấc đất quê hương, bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc. Thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay nguyện luôn ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ, tiếp nối và sống xứng đáng với những gì cha anh đã để lại”, anh Trần Thành Thái chia sẻ.

Cùng với hành trình đến các địa chỉ đỏ, với mỗi đại biểu tham dự đại hội, được đeo trên ngực chiếc huy hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” chính là niềm vinh dự và ý nghĩa lớn lao, niềm tự hào sâu sắc của những thanh niên ưu tú được tiếp nối ngọn lửa truyền thống của thế hệ cha anh. Anh Trần Minh Trí (sinh năm 1998), Phó Chủ nhiệm Thường trực Câu lạc bộ Lý luận trẻ tỉnh Bến Tre bộc bạch, anh vinh dự 2 lần được nhận và đeo huy hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”.
"Cách đây 2 năm, trong buổi gặp gỡ của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo Bác, tôi thấm thía lời căn dặn của cố Tổng Bí thư “phải xem việc học và làm theo Bác là nhu cầu văn hóa tự thân”. Mỗi lần được đeo lên ngực chiếc huy hiệu mang biểu tượng của Bác, trong tôi lại dâng trào một niềm xúc động khó tả - đó không chỉ là vinh dự cá nhân, mà còn là sự nhắc nhở thiêng liêng về lý tưởng sống, về trách nhiệm với cộng đồng và đất nước", anh Trần Minh Trí kể.

Không riêng cá nhân nào, với các đại biểu thanh niên tiên tiến được tuyên dương nói riêng, thế hệ trẻ Việt Nam nói chung, lời căn dặn ấy đã trở thành phương châm của hành trình trưởng thành, hun đúc trong mỗi cá nhân niềm tự hào, lòng biết ơn sâu sắc và khát vọng được tiếp nối, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với một niềm tự hào mãnh liệt của những thanh niên “thế hệ Bác Hồ”.