Tòa soạn thông minh là động lực cho quá trình chuyển đổi số báo chí
VOV.VN - Tòa soạn thông minh là bước tiến tiếp theo của tòa soạn hội tụ - nơi trí tuệ nhân tạo trở thành “trợ lý đắc lực” trong mọi khâu sản xuất báo chí: từ gợi ý đề tài, từ khóa xu hướng, sáng tạo hình ảnh, tổng hợp dữ liệu...
Chuyển đổi số báo chí trở thành xu thế tất yếu
Chia sẻ tại Hội thảo “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn thông minh” tổ chức sáng nay (15/5) tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị khẳng định, chuyển đổi số báo chí trở thành xu thế tất yếu ở tất cả các cơ quan báo chí. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thông tin cạnh tranh hiện nay, nội dung hay vẫn chưa đủ, mà cần phải tạo ra những trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua các ứng dụng công nghệ số.

Chuyển đổi số báo chí là sự tích hợp dữ liệu và công nghệ số vào tất cả các lĩnh vực hoạt động của một cơ quan báo chí. Do đó, việc sử dụng công nghệ số để thay đổi mô hình từ quản lý đến tác nghiệp, sản xuất, xuất bản, phân phối nội dung và kinh doanh..., tạo ra những sản phẩm, cơ hội, doanh thu và các giá trị mới, đó là mục tiêu mà các cơ quan báo chí luôn phải hướng tới.
Theo PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, hiện nay, đối với các cơ quan báo chí tại Việt Nam nói chung và Báo Kinh tế và Đô thị nói riêng, đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trong quá trình phát triển như: nguy cơ bị tấn công mạng với quy mô lớn; ảnh hưởng đến thông tin từ mạng xã hội, thậm chí bị tác động bởi tin tức giả mạo, thiếu kiểm chứng; xu hướng cá nhân hóa trong tiếp nhận thông tin ngày càng cao... Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của báo chí đa phương tiện, các loại hình truyền thông xã hội như trang thông tin điện tử, mạng xã hội (facebook, zalo, twitter, youtube…) đã tạo ra sự cạnh tranh gay gắt cho hoạt động báo chí.
Xu hướng hình thành các cơ quan truyền thông đa phương tiện ngày càng trở nên phổ biến cũng đặt ra những thách thức cần sự chuyển đổi số tại các cơ quan chí, chuyển đổi từ tập trung cho báo in sang tập trung cho báo điện tử. Đặc biệt, yêu cầu cập nhật thông tin nhanh nhạy, chính xác của bạn đọc. Vì vậy, đòi hỏi báo chí phải có sự đổi mới về công nghệ, tổ chức bộ máy để theo kịp xu thế đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về yêu cầu nhiệm vụ chính trị.
“Để bắt kịp xu hướng tác nghiệp báo chí trong thời đại số, Báo Kinh tế và Đô thị đã chủ động cụ thể hóa Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và bám sát Bộ chỉ số chuyển đổi số báo chí, các văn bản chỉ đạo của thành phố về chuyển đổi số. Hiện nay, báo đã hoàn thiện và vận hành thành công tòa soạn hội tụ, mở rộng kênh tương tác với bạn đọc”, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho hay.
Giới thiệu về hệ sinh thái Báo Kinh tế & Đô thị, Tổng Biên tập Nguyễn Thành Lợi cho biết, Báo đang vận hành 2 tờ báo in, 1 báo điện tử và 6 chuyên trang trực thuộc. Do vậy, việc thay đổi cách thức làm việc, sản xuất nội dung thông tin, hệ thống quản trị kỹ thuật có thể đáp ứng giúp Ban Biên tập, lãnh đạo các ban chuyên môn kịp thời nắm bắt chỉ đạo, điều hành thường xuyên, kịp thời là việc cấp thiết.

Cơ quan báo chí nên thí điểm công nghệ mới, trong đó có trí tuệ nhân tạo
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, tòa soạn không còn là một không gian vật lý cố định, mà trở thành nền tảng số linh hoạt, nơi mọi khâu trong quy trình làm báo - từ thu thập, xử lý, sản xuất đến phân phối nội dung - đều được số hóa, tự động hóa và tối ưu hóa nhờ các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), chuỗi khối (Blockchain)....
Tòa soạn thông minh là bước tiến tiếp theo của tòa soạn hội tụ - nơi trí tuệ nhân tạo trở thành “trợ lý đắc lực” trong mọi khâu sản xuất báo chí: Hệ thống trí tuệ nhân tạo tự động gợi ý đề tài, gợi ý từ khóa xu hướng, tóm tắt văn bản tự động, chuyển văn bản thành giọng nói, sáng tạo hình ảnh, sáng tạo nội dung hay trợ lý ảo trí tuệ nhân tạo tổng hợp dữ liệu nhanh chóng. Trong khi đó Chatbot hỗ trợ biên tập viên truy xuất tài liệu, trả lời bạn đọc; Phân tích xu hướng người dùng, tối ưu hóa nội dung theo hành vi truy cập...
“Trí tuệ nhân tạo không thay thế con người, mà hỗ trợ nhà báo làm việc nhanh hơn, chính xác hơn, sâu sắc hơn và gần gũi hơn với độc giả. Do đó khuyến khích các cơ quan báo chí mạnh dạn thí điểm các công nghệ mới trong hoạt động nghiệp vụ, trong đó có trí tuệ nhân tạo”, ông Nguyễn Đức Lợi nêu ý kiến.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cũng nhấn mạnh: “Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ, chúng ta cũng cần quan tâm đến đạo đức nghề nghiệp trong thời đại số. Công nghệ là công cụ, nhưng chính con người mới là chủ thể quyết định cách thức vận hành, kiểm soát và định hướng trí tuệ nhân tạo phục vụ lợi ích xã hội và cộng đồng”.
Quyết định số 348/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước). 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.