Tình hình cháy, nổ, tai nạn, sự cố tại Sơn La giảm rõ rệt
VOV.VN - Với phương châm phòng là chính, công tác phòng cháy chữa cháy được các cơ quan, tổ chức và người dân ở Sơn La quan tâm, vào cuộc quyết liệt... Nhờ vậy, tình hình cháy, nổ, tai nạn, sự cố trên địa bàn tỉnh Sơn La đã được kiềm chế, số vụ cháy giảm so với giai đoạn trước.
Đó là kết quả nổi bật được thông tin Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy” và các Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La, diễn ra ngày 28/5.

Với sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của các cấp ủy, tổ chức đảng, sự vào cuộc của chính quyền các cấp tại Sơn La, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) của các cơ quan, tổ chức và người dân đã từng bước được nâng cao. Tình hình cháy, nổ, tai nạn, sự cố ở địa phương đã được kiềm chế. Trong giai đoạn 2015 - 2025, toàn tỉnh Sơn La xảy ra 283 vụ cháy, giảm 75 vụ so với giai đoạn 2005-2015.
Phong trào toàn dân PCCC theo phương châm "4 tại chỗ" được quan tâm; 100% tổ, bản, tiểu khu thành lập đội dân phòng, với tổng số đội viên hơn 2.100 người. Trên 84% hộ gia đình trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy; 100% các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC bảo đảm đầy đủ các điều kiện an toàn và chuẩn bị phương tiện cần thiết...

Ông Hà Trung Chiến, Bí thư Thành uỷ Sơn La cho biết: Qua những vụ việc thực tiễn đã xảy ra ở các Thành phố lớn có điều kiện tương tự như Thành phố Sơn La, chúng tôi hiểu rằng làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy không chỉ là đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân, mà còn là trình độ văn minh của đô thị. 139 tổ bản trên địa bàn của chúng tôi hiện nay đều có các tổ liên gia an toàn, thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ tuyên truyền các hộ gia đình thực hiện nghiêm các quy định về PCCC.

Bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC của địa phương miền núi này vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Tình hình cháy, nổ vẫn còn diễn biến phức tạp, thiệt hại về người và tài sản có xu hướng gia tăng. So với giai đoạn 2005-2015, thiệt hại về tài sản tăng khoảng 42 tỷ đồng; số người chết tăng 6 người; số người bị thương tăng 4 người. Ý thức chấp hành các quy định về PCCC và CNCH của một số bộ phận và người dân chưa cao... Từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã xảy ra 12 vụ cháy, thiệt hại trên 11 tỷ đồng.
Chia sẻ về một số khó khăn trong công tác PCCC, trong đó có việc bảo vệ và phòng cháy tài nguyên rừng, ông Trần Dũng Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La cho biết, rừng phân bổ trên phạm vi rộng, tập trung nhiều ở các vùng có điều kiện tự nhiên cũng như kinh tế - xã hội khó khăn, là địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống chủ yếu dựa vào rừng...

"Khó khăn trong công tác phòng cháy rừng còn do chế độ, chính sách đối với lực lượng làm công tác PCCC rừng chưa đáp ứng được yêu cầu; kinh phí chi trả cho người tham gia chữa cháy rừng còn rất thấp, nên chưa động viên, khuyến khích, huy động người dân tích cực tham gia. Phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng còn hạn chế, dụng cụ thô sơ, trong việc dập lửa, khoanh vùng... chưa đáp ứng được yêu cầu."- ông Tiến cho hay.
Theo ông Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Sơn La, thời gian tới, Sơn La sẽ đẩy mạnh và đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng về PCCC và CNCH; Thường xuyên rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về PCCC và CNCH, phù hợp với thực tiễn, khả thi, hiệu quả. Đồng thời, triển khai hiệu quả quy hoạch hạ tầng PCCC phù hợp, thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tỉnh và các quy hoạch hạ tầng khác có liên quan...

Lãnh đạo Tỉnh uỷ Sơn La cũng cho biết, địa phương sẽ quan tâm xây dựng, kiện toàn và nâng cao năng lực, chất lượng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cách mạng, chính quy, tinh nhuệ hiện đại, tinh thông về pháp luật, nghiệp vụ. Đồng thời kiện toàn, củng cố lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành tại các địa bàn, cơ sở; quan tâm các chế độ, chính sách phù hợp, theo quy định để phát huy vai trò của lực lượng này trong PCCC và CNCH tại chỗ...