111111
Bài 4:

Thủ tướng Chính phủ: Dự án 600-mô hình cần nhân rộng

VOV.VN - Theo Thủ tướng, đưa trí thức trẻ về các huyện nghèo là việc làm đúng đắn, tạo nguồn cán bộ tốt cho đất nước.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi: “Sau khi kết thúc Dự án, dự định của các bạn là gì?”. Những đội viên trẻ đều khẳng định, tương lai của họ còn rất dài. Điều quan trọng là trên cương vị Phó chủ tịch xã, họ phải luôn nỗ lực phấn đấu hết mình, góp phần xây dựng “quê hương thứ hai”. Các đội viên cũng mong muốn được tạo điều kiện để bản thân được cống hiến và được ghi nhận, đánh giá một cách khách quan khi Dự án hoàn thành.

Lê Thị Hương (quê Nam Định lên làm Phó chủ tịch xã Nậm Ét, huyện Quỳnh Nhai, Sơn La): Bà con còn trêu sẽ mai mối cho em một anh người Thái khỏe mạnh và đẹp trai để giữ chân em ở lại. Chuyện sau 5 năm Dự án đang còn ở phía trước, hiện tại và em phải tự nhủ cố gắng làm hết sức mình.

 Về phía chính quyền địa phương, theo ông Giàng A Tính, Bí thư Huyện ủy huyện Sìn Hồ (Lai Châu), mong muốn Chính phủ, các Bộ, ngành có định hướng, chỉ đạo trong việc bố trí sắp xếp đội viên Dự án sau khi hoàn thành nhiệm vụ; đối với các đội viên hoàn thành xuất sắc, được tuyển dụng và công tác tại huyện; đồng thời hướng dẫn cho cấp huyện quy hoạch, đào tạo, sử dụng, bố trí cán bộ. 

 

 Đội viên Lê Văn Thiện Phó chủ tịch UBND xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa trong một buổi xuống bản tiếp xúc với dân

 "Hạt giống tốt, gieo đâu cũng tốt”

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Giang cho biết, nhiều đội viên ngay từ khi nhận nhiệm vụ cũng rất băn khoăn là sau khi kết thúc Dự án, họ sẽ được bố trí việc làm như thế nào. Về việc này Sở cũng phải căn cứ vào các quyết định của Thủ tướng, trong đó đội viên Dự án là công chức Nhà nước nên họ sẽ được sắp xếp, bố trí quy hoạch. Việc này đang được giao cho cơ sở lên kế hoạch.

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Giang, 19/19 đội viên của tỉnh đã được học bồi dưỡng lớp kết nạp đảng viên mới. Trong đó có 14 đội viên đã được kết nạp Đảng. Trong quá trình phân loại giai đoạn 1 vừa qua, 100% hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có 5 đội viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. “Hàng tháng, hàng quý, hàng năm chúng tôi đều có đánh giá phân loại, nên nếu ai không hoàn thành nhiệm vụ thì tất nhiên theo quy luật cũng sẽ bị đào thải. Đến thời điểm này, tôi có thể khẳng định ở Bắc Giang sẽ không có trường hợp nào không hoàn thành nhiệm vụ” – ông Nghĩa nói.
 

 Ông Lê Văn Phích, Chủ tịch UBND xã Giao Thiện, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa: “Tất nhiên, bà con ai cũng muốn Chiến gắn bó lâu dài với xã rồi, với lại thế hệ chúng tôi làm chủ yếu theo kinh nghiệm, học hành chắp nối, nên rất cần những trí thức được đào tạo bài bản như Vũ Thị Chiến”.

Theo ông Nghĩa, Sở Nội vụ Bắc Giang đã báo cáo với Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, Trưởng Ban chỉ đạo Dự án về 2 trường hợp xuất sắc ở Bắc Giang. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã có đề nghị và dự kiến sẽ bố trí 2 đội viên này về các phòng, ban của huyện công tác ngay từ khi chưa kết thúc Dự án.“Tôi cũng vẫn xác định cho các đội viên là họ phải cố gắng phấn đấu, nếu cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ thì không ai bỏ rơi họ cả” – ông Nghĩa bộc bạch.

Ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, Thanh Hóa cũng khẳng định, nếu các đội viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có uy tín, tín nhiệm với tổ chức, tập thể và đặc biệt là khẳng định được mình trong tập thể lãnh đạo của từng xã, thì các đội viên ở lại địa phương rất là dễ, còn nếu không sẽ rất khó. Đối với Thường Xuân, 100% đội viên là người địa phương,do đó các đội viên có thể có nhu cầu công tác ở xã. Nếu đội viên có nguyện vọng được tham gia vào các cơ quan chuyên môn của huyện, lãnh đạo huyện sẵn sàng bố trí công việc với điều kiện các đội viên luôn luôn phải khẳng định được mình là một cán bộ có uy tín, có năng lực chuyên môn và thực sự là người có bản lĩnh và phẩm chất tốt. Theo đánh giá của ông Xuân thì trong số 7 đội viên của huyện, 5 trong số này có năng lực rất tốt và nhiều triển vọng.

Ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong số 60 đội viên của tỉnh này, đến cuối năm 2013 đã có 5 người được kết nạp đảng và 15 người thuộc đối tượng sắp kết nạp, 15 người được quy hoạch tạo nguồn làm cán bộ chủ chốt của xã.

Theo ông Việt: “Hạt giống tốt thì gieo đâu cũng tốt. Những em nào tốt mà phát huy được, đưa vào nguồn được thì chúng tôi sẵn sàng, không chỉ nguồn của xã, mà còn nguồn của huyện, thậm chí là của tỉnh. Còn các em chưa phát huy được thì quay về địa phương và cố gắng rèn luyện để đáp ứng được công việc ở địa phương sao cho tốt nhất”.

Nói về hiệu quả của Dự án, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh khẳng định: “Sau 2 năm thực hiện Dự án, chúng tôi đánh giá là các trí thức trẻ rất quyết tâm trụ lại. Với các điều kiện cơ sở vật chất như hiện nay, nếu tất cả đội viên đều có quyết tâm ở lại vùng cao, vùng sâu, vùng xa của các tỉnh miền núi là rất đáng biểu dương”.

Thứ trưởng cho biết thêm, các đội viên Dự án đều được xem xét, đánh giá hàng năm. Qua đó sẽ xem xét luân chuyển cho phù hợp, có thể lên huyện; những đội viên xuất sắc sẽ được cất nhắc bổ sung quy hoạch trong nhiệm vụ của huyện, tỉnh trong thời gian tới. Đối với các đội viên của Dự án, trong 5 năm, nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 3 năm thì có thể xem xét điều chuyển vào nhiệm vụ cao hơn trong từng xã, huyện, tỉnh thuộc phạm vi thực hiện đề án. Nếu hoàn thành nhiệm vụ thì xem xét thực hiện nhiệm vụtrong từng huyện, tỉnh; đội viên có yêu cầu về tỉnh khác, thì Bộ cũng như các cơ quan chức năng sẽ xem xét.

Tại Hội nghị sơ kết Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 63 huyện nghèo được tổ chức ngày 26/6/2013 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của Bộ Nội vụ trong quá trình tổ chức triển khai Dự án, biểu dương tinh thần nhiệt huyết của 580 đội viên Dự án đã tình nguyện về làm Phó Chủ tịch các xã nghèo trong cả nước.

 
 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị sơ kết Dự án 600 Phó Chủ tịch xã

Thủ tướng nhấn mạnh, hầu hết trong số 580 đội viên đều thích nghi với nhiệm vụ mới, nắm bắt nhiệm vụ; tự tin, mạnh dạn đề xuất thực hiện nhiệm vụ được giao; gắn bó với cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân nơi mình công tác. Trong 1 năm đã có 49 đội viên được kết nạp vào Đảng, 65 đội viên đang học cảm tình Đảng, bổ sung cho đội ngũ của Đảng những trí thức trẻ, đầy năng lực, nhiệt huyết. Thủ tướng đề nghị cần hết sức quan tâm phát triển Đảng cho đội ngũ cán bộ trẻ này.

Thủ tướng cũng bày tỏ sự quan tâm, chia sẻ với những khó khăn của 580 đội viên trong quá trình làm Phó Chủ tịch ở các xã nghèo. Thủ tướng đề nghị các đội viên về làm Phó Chủ tịch xã phải nắm sâu, nắm chắc nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương; nghiên cứu chủ trương chính sách của Đảng ở những địa bàn được phân công để từ đó đề cao trách nhiệm và đề xuất, tham gia hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thủ tướng cũng lưu ý các đội viên hết sức khiêm tốn, gắn bó với tập thể, Đảng ủy, chính quyền, nhân dân ở địa bàn công tác. Phấn đấu vượt qua khó khăn, hoàn thành từ những việc nhỏ để có uy tín, lòng tin với dân.

Thủ tướng đề nghị các Bộ, Trung ương Đoàn, các địa phương, chính quyền các cấptập trung tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, công chức, đảng viên và người dân về mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của Dự án; cùng nhau thống nhất đây là Dự án nhằm tăng cường nguồn nhân lực để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp cũng như nhân dân có trách nhiệm tạo môi trường, điều kiện để cán bộ trẻ được khẳng định, được cống hiến, được trưởng thành từ thực tiễn. Đây là nơi đào tạo cán bộ cho Đảng, cho hệ thống chính trị.

 

Phó Chủ tịch huyện Mù Căng Chải Lê Trọng Khang: Ở các xã có đội viên về, chất lượng chuyên môn của các xã đều tăng lên; tác phong, lề lối làm việc của công chức xã cũng thay đổi hoàn toàn, từ việc đi sớm về muộn, có biểu mẫu chấm công đàng hoàng; đặc biệt rất nhiều công chức xã giờ đã có thể sử dụng được máy vi tính - trước đây được trang bị máy tính nhưng không ai biết sử dụng. Có thể nói các em đội viên Dự án là những hạt nhân hướng dẫn cho các cán bộ công chức khác, đặc biệt hỗ trợ các phòng ban, đoàn thể phụ nữ, thanh niên, mặt trận…

“Phải nhận thực rõ yêu cầu này để có sự quan tâm, chỉ đạo đúng mức. Trong đó, phải hết sức tạo điều kiện cho các đội viên hoàn thành nhiệm vụ, không chỉ là nơi ăn chốn ở, điều kiện sinh hoạt mà còn hướng dẫn, giúp đỡ, giao việc để các đội viên của Dự án hoàn thành nhiệm vụ được giao, đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế- xã hội chung của địa phương”- Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan chức năng của Chính phủ, cũng như Ban Tổ chức Trung ương, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung chế độ, chính sách đối với các đội viên Dự án. Bộ cũng quan tâm đến việc bồi dưỡng kiến thức, chẳng hạn về xóa đói giảm nghèo, cải cách hành chính… để các đội viên có thêm kiến thức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Thủ tướng cũng khẳng định, không nhất thiết phải chờ hết nhiệm kỳ 5 năm, những Phó chủ tịch xã trong Dự án 600 trí thức trẻ có cơ hội thăng tiến. Thủ tướng nói: “Các trí thức trẻ là đã cán bộ công chức rồi, bên cạnh đó nhiều đồng chí là đảng viên thì không phải chờ đến hết nhiệm kỳ mới điều động, đề bạt, chuyển làm nhiệm vụ khác. Các đồng chí Phó chủ tịch là đảng viên ưu tú thì có thể đề bạt lên làm Chủ tịch xã, làm cán bộ phòng cấp huyện, điều này tuỳ theo từng con người cụ thể”.

Chúng tôi xin được khép lại loạt bài bằng đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: Đưa trí thức trẻ về các huyện nghèo là việc làm đúng đắn, bởi vì đó không chỉ là trường đời đầu tiên thử sức cho thanh niên, mà còn tạo dựng được nguồn cán bộ tốt cho đất nước. Dự án mới đạt được kết quả mới bước đầu, nhưng có ý nghĩa về cả chính trị, kinh tế - xã hội. Các địa phương quan tâm nhân rộng mô hình này để ngày càng có nhiều tri thức trẻ tình nguyện về các vùng khó khăn công tác, qua đó đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước./. 

Theo Bộ Bội vụ, năm 2013 có 577/580 đội viên Dự án được cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ như sau:

 

- Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ có 148/579 đội viên, chiếm 25,56%

- Hoàn thành tốt nhiệm vụ có 340/579 đội viên, chiếm 58,72%

- Hoàn thành nhiệm vụ ở mức khá có 66/579 đội viên, chiếm 11,39%

- Hoàn thành nhiệm vụ có 23/579 đội viên, chiếm 3,97%

Có 02 đội viên là Mông Thế Dũng (Phó chủ tịch xã Khổng Lào, huyện Than Uyên, Lào Cai) và Võ Tấn Hùng (Phó chủ tịch xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông, Kon Tum) đang nghỉ chữa bệnh nên địa phương không tổ chức đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2013. Có 01 đội viên là Lê Văn Tuấn, Phó chủ tịch xã Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông, Điện Biên mất do căn bệnh ung thư vào tháng 9/2013.

 

 

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
90ph tv 90 tv mitom link bong da tv soi kèo hôm nay Đại lý bóng đá mitom keo ma cao