111111
Tuyển 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch UBND xã

Tạo điều kiện để trí thức trẻ trải nghiệm

600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ Đại học được tuyển chọn về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo

Ngày 26/1/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt Dự án thí điểm “Tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ Đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo”. Dự án nhằm tăng cường nguồn nhân lực có trình độ để giúp cấp uỷ, chính quyền xã thuộc các huyện nghèo tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo trong cả nước; đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, giúp nhân dân địa phương phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Ông Nguyễn Đăng Minh

Sáng 15/4, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Nội vụ giới thiệu về dự án này. Liên quan đến vấn đề này, VOVNews phỏng vấn ông Nguyễn Đăng Minh, Quyền vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ.

PV: Dự án bắt đầu được khởi động từ ngày 25/4 với khâu nhận hồ sơ tuyển chọn. Ông đánh giá như thế nào về sự quan tâm của xã hội, nhất là trí thức trẻ đối với dự án này?

Ông Nguyễn Đăng Minh: Chúng tôi hết sức vui mừng về công tác chuẩn bị khởi động dự án. Dự án đã nhận được quan tâm ủng hộ của dư luận ở trong nước cũng như ngoài nước. Chúng tôi đã nhận được hàng trăm email của các trí thức trẻ ở trong nước, các nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Hàng ngày, chúng tôi cũng tiếp đón từ 3-5 trí thức trẻ ở khắp mọi miền đất nước trực tiếp đến Bộ Nội vụ hỏi thủ tục đăng ký.

Cùng với đó, dự án nhận được sự quan tâm rất lớn của các cơ quan thông tấn báo chí, kể cả khi dự án chưa được các cấp thẩm quyền phê duyệt. Còn sau ngày 15/4/2011- thời điểm dự án chính thức được công bố, tôi tin chắc rằng sự quan tâm của xã hội, của các trí thức trẻ sẽ còn lớn hơn gấp nhiều lần.

PV: Thưa ông, sau khâu tuyển chọn, việc bồi dưỡng trí thức trẻ sẽ được thực hiện như thế nào trước khi đưa họ về làm Phó Chủ tịch UBND xã ở các huyện nghèo trong cả nước?

Ông Nguyễn Đăng Minh: Sau khi xét tuyển xong, các trí thức trẻ sẽ được bồi dưỡng lý thuyết trong 2 tháng và bồi dưỡng thực tiễn ở cơ sở khoảng 1 tháng. Tuy vậy, trong quá trình triển khai khởi động dự án, chúng tôi thấy nhu cầu ở các địa phương hiện nay rất bức thiết, họ yêu cầu phải đưa ngay trí thức trẻ về địa phương.

Trước khi công bố dự án, chúng tôi cũng đã tổ chức các cuộc thảo luận với sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia về lĩnh vực đào tạo. Họ cho rằng, chương trình bồi dưỡng lý thuyết chỉ nên là 1 tháng, còn lại 1 tháng để sau khi đưa trí thức trẻ về làm việc, nếu họ thấy có vấn đề phát sinh, chúng tôi lại tiếp tục bồi dưỡng cho họ. Như vậy, các bạn sẽ được bồi dưỡng kiến thức trước, sau và trong quá trình làm việc để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của mình.

PV: Ông có thể cho biết quy trình tuyển chọn như thế nào để hạn chế được tối đa việc “gửi gắm” hoặc tuyển không đúng người, đúng việc?

Ông Nguyễn Đăng Minh: Bộ Nội vụ đã có quy trình tuyển chọn khá nghiêm ngặt. Bộ sẽ cùng với các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là UBND các tỉnh, Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan của tỉnh tổ chức việc tuyển chọn. Ở cấp tỉnh thì Giám đốc Sở Nội vụ làm Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn, các Ban chuyên môn như Ban Tổ chức tỉnh ủy, Thường vụ tỉnh Đoàn… sẽ giúp việc cho UBND tỉnh.

Sau khi UBND tỉnh tuyển chọn xong sẽ lập danh sách và gửi lên Bộ Nội vụ. Bộ sẽ có trách nhiệm lập Hội đồng thẩm tra danh sách từ các tỉnh gửi lên. Việc thẩm định này nhằm mục đích chọn được những người có đủ năng lực làm việc, phù hợp với thực tế ở từng địa phương. Đồng thời hạn chế được các tiêu cực xảy ra trong quá trình tuyển chọn, trong đó có việc “gửi gắm” người thân…

PV: Ông có cho rằng việc chỉ trao cho trí thức trẻ quyền là cấp Phó sẽ hạn chế họ phát huy năng lực quản lý của mình?

Ông Nguyễn Đăng Minh: Bộ Nội vụ đã có lộ trình, bước đi từ cấp thấp đến cấp cao. Trao cho trí thức trẻ quyền Phó Chủ tịch UBND xã để bước đầu họ được trải nghiệm công tác quản lý. Việc dự án bổ nhiệm ngay từ đầu chức vụ này cho các trí thức trẻ về xã nghèo làm việc đã là một bước đột phá. Vì theo quy trình đều phải đi từ chuyên viên, lên phó phòng rồi mới lên cấp trưởng được, chứ chưa có chuyện được bổ nhiệm ngay chức Phó Chủ tịch UBND xã.

PV: Sau khi hoàn thành nhiệm vụ 5 năm làm Phó Chủ tịch xã, các trí thức trẻ này sẽ được bố trí công việc tiếp theo như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Đăng Minh: Sau khi trí thức trẻ hoàn thành nhiệm vụ, nếu họ có nhu cầu làm việc trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị ở Trung ương và địa phương, thì họ sẽ được cơ quan có thẩm quyền quy hoạch, đào tạo và bố trí công việc theo các phương án: Được cấp ủy và chính quyền xã tiếp tục quy hoạch và vị trí lãnh đạo, quản lý của xã. Họ sẽ được UBND tỉnh nơi họ tình nguyện đến làm việc xem xét chuyển thành công chức nếu thấy đủ điều kiện quy định trong Luật Công chức.

Trường hợp cấp ủy, chính quyền ở địa phương nơi công tác không bố trí được việc làm cho các trí thức trẻ này thì UBND tỉnh nơi đây phải báo cáo về Bộ Nội vụ để các cơ quan quản lý công chức tổ chức xét tuyển theo quy định.

Còn trường hợp nếu sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trí thức trẻ không có nhu cầu làm việc ở các cơ quan thuộc hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương thì họ được giải quyết chế độ thôi việc theo quy định của pháp luật.

PV: Có thể là còn quá sớm để nói đến hiệu quả dự án, nhưng ông có thể cho biết  kỳ vọng của mình ?

Ông Nguyễn Đăng Minh: Chúng tôi có một niềm tin sắt đá vào năng lực, bản lĩnh của thanh niên Việt Nam. Chúng tôi luôn tin các bạn trẻ càng qua những nơi khó khăn gian khổ, càng trưởng thành, càng đóng góp tối đa trí tuệ của mình để xây dựng đất nước. Tôi tin rằng, 600 trí thức trẻ sau thời gian trải nghiệm sẽ là những cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
90ph tv 90 tv mitom link bong da tv soi kèo hôm nay Đại lý bóng đá mitom keo ma cao