111111
Ngày thế giới phòng chống tự tử (10/9):

Sức khỏe tinh thần chưa được coi trọng

Bên cạnh sức khỏe về mặt thể chất, mỗi người cần phải có cả sức khỏe về tinh thần, phải có một ý chí khỏe mạnh để có thể đứng vững trước những khó khăn trong cuộc sống

Trong rất nhiều cuộc gọi đến Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) để được chia sẻ, tư vấn, ngoài các cuộc gọi liên quan đến tình yêu, tình bạn, giáo dục con cái, tâm sinh lý, còn có rất nhiều cuộc gọi của các bạn thanh, thiếu niên để chia sẻ về ý định tự tử, về giải pháp cuối cùng giải quyết mọi bế tắc. Cũng có những cuộc gọi của các bạn thanh, thiếu niên đã từng tự tử nhưng không thành và đặc biệt là của những ông bố, bà mẹ có con đã và từng có ý định tự tử. Các bậc phụ huynh có mặc cảm tội lỗi như chính họ đã dồn con mình đến bước đường cuối cùng bởi sự kém quan tâm đến tâm tư, tình cảm của con cái. Nỗi đau có con chết vì tự tử lớn hơn rất nhiều nỗi đau có con chết vì bệnh tật hay tai nạn.  

Tư vấn chỉ là giải pháp tình thế

Chị Trần Hồng Điệp, Giám đốc điều hành Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý (PCP) cho biết, khi có trường hợp muốn tìm đến cái chết, các cán bộ tư vấn chỉ có thể giúp người đó tạm thời thoát khỏi ý định tự tử. Nhưng về lâu dài, để họ không tìm đến với cái chết một lần nữa, họ vẫn cần được chia sẻ, tư vấn và đặc biệt là sự quan tâm của gia đình, người thân, bạn bè…

Chị Điệp chia sẻ: “Nếu chỉ trông chờ vào các cuộc tư vấn, không thể cứu được người có ý định tự tử. Không phải ai trước khi tự tử cũng đều gọi điện cho cán bộ tư vấn, con số đó rất ít. Nếu may mắn mới có sự gặp nhau của cả hai bên vào đúng thời điểm. Còn lại đa phần các trường hợp, đặc biệt là các bạn trẻ, thường thể hiện hành động một cách bột phát, không có thời gian nghĩ tới bất kỳ sự tư vấn nào”.

Trong những năm qua, hàng loạt vụ tự tử được báo chí đưa tin, đặc biệt tập trung ở lứa tuổi thanh niên và có gia đình. Trong 113 ca tự tử được cấp cứu ở Bệnh viện Đà Nẵng, chủ yếu tập trung ở lứa tuổi 15 đến 24. Phân tích về thực trạng này, chị Trần Hồng Điệp cho rằng, đó là hiện tượng cho thấy giới trẻ đang cảm thấy áp lực từ những thay đổi, và tự tử là cách họ phản ứng lại những áp lực.

Giới trẻ hiện nay bị ràng buộc với tế bào gia đình, họ bị ràng buộc phải trở thành một công dân tốt, và họ cảm thấy áp lực phải đạt được những mục tiêu này trong một môi trường có tính cạnh tranh cao và đầy tham vọng. Trong khi không hề có một giải pháp dễ dàng nào cho những thử thách mà giới trẻ đang đối mặt.

Chương trình nghiên cứu của UNICEF tại TP.Hải Phòng về thái độ của cộng đồng đối với hiện tượng tự tử của thanh thiếu niên cũng cho thấy, trong 105 người được hỏi, có tới 70% cho rằng áp lực lớn nhất đối với họ là tìm kiếm được việc làm. Với những bạn trẻ trong độ tuổi 10-15, sức ép nặng nề nhất là làm sao để đạt kết quả tốt ở trường.

“Đối với tôi, công việc là điều đáng lo lắng, rất khó để tìm được công việc có thu nhập tốt”; "Tôi lo lắng về kỳ thi lên lớp 10. Điểm số trong năm học của tôi kém. Tôi sợ là về sau, tôi không  thể vào được đại học”; "Tôi lo lắng nên làm thế nào để không đánh nhau, chơi bạc, và uống rượu”; "Tôi không có tiền để đưa mẹ tôi vào điều trị trong bệnh viện”… Đây chỉ là một số ít lo lắng trong vô vàn nỗi lo lắng thường trực của thanh, thiếu niên.

Xã hội càng phát triển, áp lực đè lên vai mỗi người ngày càng lớn, cả người lớn lẫn trẻ em, dẫn đến khả năng chống đỡ, sức bền về tâm lý của mỗi cá nhân giảm sút. Nếu không có các hỗ trợ khác sẽ dẫn đến sự khủng hoảng tâm lý, hành vi tự tử sẽ là một lựa chọn. Bên cạnh những vấn đề như tai nạn giao thông, bệnh ung thư, ô nhiễm môi trường… thì tự tử cũng là vấn đề đòi hỏi có sự quan tâm của toàn xã hội.

Một người sau khi tự tử, có thể để lại ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến gia đình, người thân và bạn bè. Trong một nhóm bạn chơi với nhau, khi một người trong nhóm tự tử, sẽ làm cho những người còn lại hoang mang, thậm chí khủng hoảng. Tự tử có thể là giải pháp họ nghĩ đến khi không thể tìm được lối thoát cho những khó khăn của mình.

Có câu nói rằng “Hơn một linh hồn ra đi sau cái chết bằng tự tử”, để thấy hệ quả để lại sau mỗi cái chết bằng tự tử là rất lớn. Hơn nữa, các gia đình hiện nay đều có rất ít con, nếu một đứa tự tử, đứa còn lại có thể sẽ bị tác động cả đời, bóng đen tâm lý có thể phủ kín cả gia đình. Trường hợp tự tử có thể cứu sống cũng sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế gia đình.

Tăng đề kháng cho tinh thần

Theo các chuyên gia của PCP, tự tử là hành vi có tác động lớn, thậm chí dễ “lây lan” trong cộng đồng. Trên thế giới, tự tử hiện là một trong 3 nguyên nhân tử vong hàng đầu ở nhóm tuổi 15-44 thuộc cả hai giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, từ gia đình, đến nhà trường, xã hội, và đặc biệt mỗi cá nhân, vấn đề giáo dục, trang bị kiến thức về sức khỏe tâm lý chưa được coi trọng. Một trong nhiều lý do của tình trạng này là việc thiếu nhận thức về vấn nạn tự tử cũng như những kiêng kị trong xã hội đã ngăn cản việc thảo luận cởi mở về vấn đề này.

Trên thực tế, các nội dung giáo dục về kỹ năng sống đã được đưa vào chương trình giáo dục của Việt Nam, tuy nhiên có thể thấy rằng việc tuyên truyền giáo dục chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Hơn nữa, có thể thấy rằng việc giáo dục nội dung này chưa được coi trọng đúng mức. Việc giảng dạy chỉ mang tính hình thức, kém hấp dẫn, không thu hút được học sinh. Các thầy cô giáo vẫn chỉ tập trung định hướng học sinh của mình học giỏi toán, văn, ngoại ngữ…, cho nên những môn ngoại khóa như thực hành về kỹ năng sống bị coi nhẹ, cả thầy cô và học sinh đều có chung tâm lý “thế nào cũng xong”. Ở môn giáo dục công dân, cũng có những nội dung giáo dục để nâng cao kỹ năng sống cho học sinh, giúp các em giải quyết và vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Tuy nhiên, những nội dung này thường bị coi nhẹ, bài giảng kém hấp dẫn, nặng về lý thuyết, mà chưa tạo điều kiện để các em trao đổi kỹ năng xử lý tình huống.

Một thực tế nữa đó là vấn đề sức khỏe tâm lý, tâm thần chưa được xã hội coi trọng. Chúng ta có sức khỏe về mặt thể chất thôi chưa đủ, mà cần phải có cả sức khỏe về tinh thần, phải có một ý chí khỏe mạnh. Bên cạnh một cơ thể khỏe mạnh, giúp cơ thể có sức đề kháng trước các loại vi khuẩn gây bệnh, về mặt tinh thần, chúng ta cũng cần phải có sức đề kháng để chống đỡ những thất bại, khổ đau. Tuy nhiên, ngay từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội, chúng ta chưa coi trọng việc nâng cao sức đề kháng này.

Để hạn chế những cái chết không đáng có, các chuyên gia của PCP cho rằng công tác truyền thông là vô cùng quan trọng, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng. Bên cạnh đó, việc giáo dục về kỹ năng sống, kỹ năng vượt qua khủng hoảng cần được đặc biệt quan tâm, mỗi cá nhân đều phải được tiếp cận chương trình giáo dục này cả ở gia đình lẫn nhà trường. Việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng vượt qua khủng hoảng có thể được xem như việc tiêm phòng vaccine, cần phải được đề cập thường xuyên tương tự như việc tiêm các mũi nhắc lại, để có được sức đề kháng cần thiết. Nếu chỉ tiêm một lần chúng ta không thể phòng ngừa vĩnh viễn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
90ph tv 90 tv mitom link bong da tv soi kèo hôm nay Đại lý bóng đá mitom keo ma cao