Sơn La tập trung ứng phó với nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất
VOV.VN - Để ứng phó với nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, tỉnh Sơn La và các địa phương Tây Bắc đã và đang chủ động nhiều biện pháp nhằm bảo đảm tính mạng và hạn chế thiệt hài về tài sản của nhà nước, người dân.
Sơn La và các địa phương Tây Bắc đang sắp bước vào cao điểm của mưa lũ năm nay. Để chủ động phòng chống thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhà nước và nhân dân trong bối cảnh hiện nay, các địa phương đang tập trung sắp xếp lại đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã ban hành công điện số về việc tập trung ứng phó nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét trên địa bàn.
Theo đó, yêu cầu Giám đốc các sở, ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao.

Thực hiện khẩn trương, hiệu quả, bám sát tình hình thực tế theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần chủ động, quyết liệt nhất, đảm bảo phù hợp với điều kiện địa phương, ưu tiên cao nhất là bảo vệ an toàn tính mạng của nhân dân; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; đảm bảo không để xảy ra gián đoạn trong chỉ đạo ứng phó thiên tai, đặc biệt trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Tiếp tục chỉ đạo rà soát kỹ các khu dân cư, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ mất an toàn, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, ngập sâu; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện kiên quyết di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, mưa lũ trên địa bàn; đặc biệt lưu ý công tác truyền thông, bảo đảm mọi người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào tộc thiểu số nắm được thông tin về nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét; tổ chức kiểm soát, hướng dẫn giao thông trong thời gian xảy ra mưa lũ, nhất là việc đi lại qua ngầm tràn, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, khu vực nước ngập sâu.
Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, lương thực, nhu yếu phẩm tại các khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra chia cắt khi mưa lũ lớn, sạt lở đất, ngập lụt để kịp thời thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ người dân khi có tình huống thiên tai.
Chủ động huy động phương tiện, lực lượng, ngân sách và các nguồn lực của địa phương để triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả thiên tai; trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của địa phương cần kịp thời báo cáo cơ quan chức năng để được hỗ trợ theo đúng quy định.