Sơn La phòng chống bệnh dịch cho đàn vật nuôi khi thời tiết giao mùa
VOV.VN - Trên địa bàn tỉnh Sơn La gần đây xuất hiện một số loại bệnh dịch trên đàn gia súc, vật nuôi, gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.
Theo ghi nhận, ngay trong tháng 4 này, tại phường Chiềng Cơi và phường Quyết Tâm, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La đã xuất hiện bệnh dại trong đàn chó nuôi của một số hộ gia đình.

Thời điểm phát hiện dấu hiệu của bệnh, các hộ gia đình đã kịp thời báo cáo các lực lượng chức năng, khẩn trương bắt nhốt và xử lý, nên rất may không có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Tổ trưởng tổ 2, phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La nói: "Vừa rồi trên địa bàn cũng xuất hiện chó dại, chính quyền đã thông báo, tuyên truyền đến toàn thể nhân dân và cả bản thân gia đình chúng tôi nhận thức rõ ràng là phải tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo và các loại vật nuôi của gia đình để phòng, chống dại cho toàn dân, cho các thành viên trong gia đình và cộng đồng xóm làng".

Sơn La hiện đang bước vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh trên đàn gia súc, vật nuôi phát sinh và lây lan nhanh. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đội ngũ cán bộ, nhân viên thú y tỉnh Sơn La đang tích cực đến từng gia đình tuyên truyền, đôn đốc các hộ chăn nuôi chủ động vệ sinh chuồng trại; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ, vật tư, hóa chất phục vụ phòng chống dịch bệnh cho tổng đàn gần 500.000 con trâu, bò; hơn 600.000 con lợn và hàng chục nghìn con gia cầm, vật nuôi...
Chị Lò Thị Tươi, nhân viên thú y phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La cho hay: "Trong thời điểm giao mùa, dịch bệnh gia tăng, chúng tôi đã phối hợp với các tổ, bản để tuyên truyền đến những người chăn nuôi và tiêm phòng để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như cộng đồng của bản, xóm mình".

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Sơn La đã xuất hiện dịch Tả lợn Châu phi, viêm da nổi cục, lở mồm long móng tại huyện Vân Hồ và huyện Yên Châu, buộc phải tiêu hủy gần 80 con, hiện còn hơn 70 con đang được điều trị; gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chăn nuôi của người dân.
Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Sơn La cho biết: Ngay khi phát hiện ổ dịch, Chi cục đã phối hợp với các lực lượng chức năng khoanh vùng, điều tra dịch tễ, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm, khử trùng tiêu độc, xử lý động vật mắc bệnh. Đồng thời cấp hơn 2.000 lít hóa chất, gần 22.000 liều vaccine dại, hơn 41.000 liều vaccine lở mồm long móng cho các huyện, thị xã, thành phố triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh.

"Bên cạnh công tác tiêm phòng, Chi cục cũng phối hợp với các huyện, thành phố, đặc biệt là các xã, thôn bản đến trực tiếp các hộ dân, tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, cũng như tác dụng, lợi ích của việc tiêm phòng để bảo vệ đàn vật nuôi đối với dịch bệnh, đặc biệt là một số dịch bệnh hay xảy ra, như: Lở mồm long móng, viêm da nổi cục trâu bò, bệnh dại động vật...", ông Toàn cho hay.
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, mỗi người cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm chấp hành việc tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn gia súc, vật nuôi, bảo đảm tiêm đúng, tiêm đủ vắc xin theo quy định, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.