Phát huy sức mạnh “4 tại chỗ” - Lá chắn vững chắc trong thiên tai
VOV.VN - Trước những diễn biến ngày càng cực đoan, bất thường của thời tiết, phương châm “4 tại chỗ” tiếp tục cho thấy hiệu quả thực tiễn trong công tác phòng chống thiên tai. Đặc biệt ở miền núi, nơi địa hình bị chia cắt và thường xuất hiện lũ ống, lũ quét, sạt lở… lực lượng tại chỗ luôn có vai trò quan trọng.
Mưa lớn giữa tháng 5 đã gây ra trận lũ quét nghiêm trọng tại thôn Tẩn Lượt, xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Nước và bùn đất tràn từ núi xuống vùi lấp nhiều căn nhà, cuốn trôi người và tài sản. Lực lượng xung kích tại xã gồm cán bộ, dân quân, công an, đoàn viên thanh niên... với lợi thế quen thuộc địa hình, địa bàn đã lập tức sơ tán dân, cứu người bị nạn và tìm kiếm người mất tích. Từ sự chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ và phương tiện có sẵn, công tác sơ tán người dân đến nơi an toàn được khẩn trương triển khai tìm và kiếm nạn nhân, bố trí nơi ở tạm an toàn, cung cấp lương thực, nước uống, áo ấm cho bà con.

Ông Hoàng Văn Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể cho biết: xã Đồng Phúc ở xa trung tâm huyện, lại bị chia cắt do nước suối dâng cao nên lực lượng cứu hộ từ huyện, tỉnh không thể tiếp cận ngay, chính vì vậy, lực lượng xung kích tại chỗ góp phần quan trọng để ổn định tình hình ban đầu tại thôn Tẩn Lượt.
“Phải nói là về công tác huy động lực lượng 4 tại chỗ, khi xảy ra thiên tai thì đã phát huy được tác dụng, hiệu quả. Bà con nhân dân và các lực lượng đã cùng nhau đoàn kết, giúp nhau trong những lúc khó khăn. Do vậy công tác mà tập huấn, tuyên truyền cho các tổ đội, bà con nhân dân, lực lượng các thôn, bản, các lực lượng khác cùng phối hợp với dân quân để ứng phó thiên tại là cực kỳ quan trọng”, ông Quỳnh cho biết.
Tháng 9/2024, khi bão số 3 gây mưa lớn tại Cao Bằng, bản Lũng Súng, xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình cũng xảy ra sạt lở trong đêm khiến 11 người chết, 9 người bị thương. Khu vực này bị cô lập hoàn toàn, không liên lạc được ra ngoài. Lực lượng xung kích tại xã đã tổ chức tìm kiếm thi thể người tử vong, sơ cứu người bị thương và khênh cáng đưa người bị thương nặng vượt hơn 10km để cấp cứu kịp thời.
Ông Hoàng Chàn Mình, Chủ tịch UBND xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình cho biết: "Xã đã huy động các lực lượng là công an, quân sự, người dân tại chỗ để đi cứu người đang bị thương, mắc kẹt trong vùng sạt lở. Trong quá trình đi tìm kiếm đã cứu được 11 người, đến hôm sau đã vừa tìm kiếm người mất tích, vừa huy động lực lượng đưa người bị thương đến ngay các cơ sở y tế để sơ cứu và điều trị. Xã đã bố trí lương thực, nấu ăn tại ngay trụ sở xã cho những gia đình bị gặp nạn, các hộ dân phải di dời khẩn cấp và các lực lượng cứu hộ...".
Những câu chuyện từ Tẩn Lượt và Lũng Súng không chỉ là minh chứng cho hiệu quả của phương châm “4 tại chỗ”. Bắc Kạn, Cao Bằng hiện đã thành lập các đội xung kích ở toàn bộ xã, phường, thị trấn. Chỉ tính riêng Bắc Kạn đã có 108 đội với hơn 7.000 thành viên, được trang bị vật dụng cơ bản và tập huấn thường xuyên. Các địa phương cũng chủ động rà soát điểm xung yếu, xây dựng phương án ứng phó theo từng hộ gia đình, từng bản.
Ông Hà Kim Oanh, Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn cho biết: "Với điều kiện về mặt tự nhiên sông suối dốc, lòng hẹp, nếu xảy ra lượng mưa lớn trong thời gian ngắn thì chắc chắn sẽ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Từ điều kiện tự nhiên cũng như các yếu tố ngoại cảnh đem lại, vì vậy thực hiện phương châm "4 tại chỗ" thì hiện nay các vùng, các khu vực nguy cơ cao, đặc biệt là các thôn, bản chủ động xây dựng phương án phòng, tránh cụ thể cho từng hộ dân, đồng thời có phương án đảm bảo về nhu yếu phẩm cần thiết để không để người dân bị đói, rét, không có nhà ở...”.
Các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng hiện có hàng trăm vị trí sạt lở và có nguy cơ sạt lở, có thể ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ gia đình và nhiều thôn, xã có thể bị chia cắt, cô lập... Do đó, lực lượng tại chỗ đóng vai trò quyết định trong “giờ vàng” khi thiên tai xảy ra. Dù vậy, hiện lực lượng này vẫn chưa được đầu tư trang thiết bị hiện đại cần thiết. Mặt khác, với những địa phương có nguy cơ chia cắt dài ngày, việc chuẩn bị nhu yếu phẩm, phương án giữ thông tin liên lạc cũng cần được quan tâm hơn nữa.

Phát huy lực lượng tại chỗ, đặc biệt là xung kích thôn xã, là giải pháp quan trọng để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Đầu tư cho lực lượng này về con người, kỹ năng, phương tiện là bước đi chiến lược để xây dựng cộng đồng an toàn, chủ động và bền vững từ gốc.
