Hải Phòng yêu cầu di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm trước 20h hôm nay
VOV.VN - TP Hải Phòng lên kế hoạch sơ tán trên 19.700 người dân sinh sống tại các khu vực xung yếu, có nguy cơ sạt lở, nguy hiểm khi bão số 3 đổ bộ vào.
Theo báo cáo nhanh của UBND TP Hải Phòng, trên địa bàn thành phố có trên 6.600 hộ dân, với khoảng trên 19.700 người hiện đang sinh sống tại các khu vực có nguy cơ sạt lở, nguy hiểm khi bão vào.
Ngoài ra, đến thời điểm này, tại đặc khu Cát Hải còn gần 280 khách du lịch đang lưu trú trong 10 cơ sở (trong đó có 84 khách nước ngoài); tại khu vực Đồ Sơn đến thời điểm này còn hơn 1.300 người đang lưu trú trong 80 cơ sở, trong đó có 55 khách nước ngoài.

Ông Bùi Hùng Thiện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Phòng cho biết: "Các đặc khu đã chủ động có phương án di dân đến các điểm an toàn như trường học, khách sạn và các trụ sở cơ quan. Các phương án kịch bản đã sẵn sàng thì đề nghị các phường, xã, đặc khu sẽ di dân theo chỉ đạo là đối với những người yếu thế, người già trẻ con là kịp thời di dân về nơi an toàn. Còn những người khỏe mạnh thì có thể là trước thời điểm bão đến 2 tiếng đồng hồ thì phải khẩn trương di dân đi".
Trên địa bàn TP Hải Phòng hiện có 75 vị trí trọng điểm đê, kè, cống xung yếu cần chú ý; các trọng điểm trên đã được các thành phố, xã, phường, đặc khu xây dựng và phê duyệt phương án bảo vệ trọng điểm theo phương châm "bốn tại chỗ". Các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn Thành phố đến thời điểm này đã tháo, hạ thấp nước đệm, chuẩn bị máy móc, thiết bị, các lực lượng thường trực để vận hành theo yêu cầu.
Hệ thống Bắc Hưng Hải, địa bàn xã Kẻ Sặt (TP Hải Phòng) hiện có 03 đoạn sạt lở bờ kênh, dài 85-150m, có đoạn kênh bị lở vào chỉ còn khoảng 1,0 m. Công ty TNHH MTV công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải đã kiểm tra, phối hợp xã Kẻ Sặt để xử lý sự cố.
Ông Lê Ngọc Châu, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng yêu cầu, ưu tiên cao nhất là đảm bảo an toàn tuyệt đối về sức khỏe và tính mạng của người dân, sau đó đến tài sản của nhà nước, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Phương châm hành động xuyên suốt là "bốn tại chỗ": lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ, đặc biệt là ở các khu vực có nguy cơ bị chia cắt, mất điện, mất sóng điện thoại khi bão số 3 đổ bộ.

Ông Lê Ngọc Châu nhấn mạnh, những người già, trẻ em cần được di dời khỏi các khu vực nguy hiểm trước 18 giờ chiều nay (21/7); những người khoẻ mạnh có thể ở lại dọn dẹp, nhưng phải di dời toàn bộ trước 20 giờ cùng ngày; đảm bảo không bỏ sót bất kỳ công dân nào có nguy cơ mất an toàn, kể cả công nhân từ các tỉnh khác đến thuê trọ trong các khu công nghiệp.
"Đề nghị các đồng chí quan tâm đến việc di dời người dân khỏi những khu vực có khả năng bão sẽ tác động, những khu vực trọng yếu. Thứ nhất là 76 chung cư có khả năng mà bị tác động, có khả năng bị sập, bị đổ... ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và 2 vùng, khu vực đê điều nếu vỡ đê thì có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt cuộc sống, tính mạng, sức khỏe của người dân. Các khu vực Chí Linh, khu vực Thanh Hà là những khu vực thiết yếu nhất. Đề nghị các đồng chí quan tâm", ông Lê Ngọc Châu yêu cầu.