111111
Tuyển sinh lớp 1 ở Hà Nội

Bài 2: Sự biến tướng của dạy thêm, học thêm

Sự lựa chọn và tính toán kỹ của phụ huynh khi tìm giáo viên để gửi gắm con mình trước khi vào lớp 1 cũng dẫn đến tình trạng “chạy” trường, “chạy” lớp.

Việc dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1 là sai quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, vì muốn con hay chữ mà các bậc cha mẹ đã không nghĩ đến những hậu quả về tâm lý, việc học hành của con trẻ sau này. Thêm nữa, việc dạy “tiền lớp 1” một cách tràn lan cũng gây ra nhiều hệ lụy khác trong mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp ở các thành phố lớn.  

GS. Ngô Bảo Châu không hề đi học trước khi vào lớp 1

Việc cho con đi học trước khi vào lớp 1, xuất phát từ tâm lý quá lo lắng của phụ huynh, sợ rằng con mình sẽ không theo kịp chương trình trên lớp, con mình sẽ kém bạn kém bè. Cứ người nọ bảo người kia, rồi thấy con người ta đi học mà con mình chưa biết gì thì lo con sẽ học dốt.  

Một số phụ huynh cho biết, do các cô nói chương trình lớp 1 “nặng, cực nhanh”, nên không có nhiều thời gian để cho cô rèn các con. “Nhớ được ba mươi mấy chữ cái đã khó rồi; nếu không cho các con làm quen từ mẫu giáo, các con sẽ rất bỡ ngỡ. Thấy bọn trẻ đua nhau đi học mà không cho con mình đi thì cũng lo”, một phụ huynh chia sẻ.

Tuy nhiên, không phải cứ bắt con biết đọc, biết viết trước khi đi học thì sẽ thành tài. Từ câu chuyện này, chúng tôi đã trao đổi với PGS. TS. Trần Lưu Vân Hiền, mẹ của GS. Ngô Bảo Châu. PGS. Bà Hiền cho biết: GS. Ngô Bảo Châu không hề đi học trước khi vào lớp 1. Hơn nữa, trường thực nghiệm mà GS. Châu học tiểu học cũng yêu cầu chỉ nhận trẻ chưa biết đọc, biết viết.

Cha mẹ, nhà trường tự gây áp lực lên trẻ

Việc dạy trước sẽ gây áp lực lớn cho các cháu, nhất là làm mất khoảng thời gian vui chơi cùng bạn bè ở lớp mầm non. Việc giáo dục phải phù hợp với lứa tuổi, và sau này khi các cháu bước vào tiểu học, cũng đừng nên quá coi trọng bắt trẻ học kiến thức, bởi đây là bậc học có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách.

“Tôi thấy việc để biết đọc, biết chữ thì không khó lắm với trẻ cho nên không cần thiết phải cho trẻ học trước khi vào lớp 1. Thậm chí ngay trong cấp 1 thì học phải như chơi, chơi phải như học. Và việc để cho trẻ biết đọc, biết viết, làm toán không đòi hỏi quá nhiều thời gian, trong khi đó chúng ta đang coi nhẹ đào tạo toàn diện cho trẻ. Tôi nghĩ là ở cấp 1, chúng ta phải tạo cho trẻ một cuộc sống phù hợp với lứa tuổi của trẻ”, bà Hiền chia sẻ.

Theo nghiên cứu của ngành giáo dục, trẻ được học trước chỉ trội vài tháng đầu, sau đó khả năng tiếp thu của các em giảm hẳn. Chưa kể đến việc dạy trước cho trẻ đã vô tình tạo nên một cuộc ganh đua ngay từ trong các tâm hồn còn non nớt. Đó cũng là biểu hiện của căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục mang tên: bệnh thành tích.

Về vấn đề này, GS. Hồ Ngọc Đại, người dành cả cuộc đời gắn bó với việc dạy trẻ lớp 1 phân tích: “Các bậc cha mẹ có tâm lý rất kỳ vọng vào con mình, mong muốn cho con mình đủ mọi chuyện, nhưng họ không hiểu rằng trẻ con rất hồn nhiên; bên cạnh đó, phương pháp giáo dục hiện nay rất bất cập, không phù hợp với trẻ con hiện đại”.

Học là để… làm quen cô giáo?

Vì những lý do đó mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản cấm dạy trước chương trình ở bậc mầm non. Những người đứng đầu ngành giáo dục cũng biết rõ, việc xử lý vi phạm ở những thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh còn nhiều bất cập.

Tại buổi làm việc của đoàn công tác Bộ giáo dục và Đào tạo với UBND thành phố Hà Nội mới đây, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã đề nghị thành phố cần có biện pháp mạnh tay, không để tình trạng hoạt động dạy trước cho trẻ diễn ra “tự do”, mãi vẫn chưa giải quyết được.

Ở một khía cạnh khác, GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề cập: Không ít phụ huynh bắt con đi học trước còn có mục đích khác, đó là tìm cách liên hệ, làm quen với chính cô giáo đang dạy tại một trường tiểu học mà mình muốn xin cho con vào học.

GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: Để vào lớp 1, không có kiến thức gì cần phải thi cả. Những lớp luyện cho trẻ vào lớp 1 là sự biến tướng của việc dạy thêm, học thêm. Có thể nói đây là hiện tượng tiêu cực, cần phải quan tâm để ngăn chặn. Dạy chữ cho trẻ vào lớp 1 là sai với quy định của Bộ, không có lợi cho trẻ em.

GS. Thuyết khuyến nghị: “Các trường phải ngăn giáo viên làm những việc này. Vì phụ huynh muốn cho con vào trường tốt nên đi cầu cạnh tìm giáo viên của trường đó dạy thêm cho con mình. Việc dạy thêm đó chẳng qua là làm quen với giáo viên để mong giáo viên đó giúp đỡ cho con mình”.

Sự lựa chọn và tính toán kỹ của phụ huynh khi tìm giáo viên để gửi gắm con mình cũng dẫn đến tình trạng “chạy” trường, “chạy” lớp - một cuộc đua lặng lẽ nhưng rất “nóng” trong mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp./.

Bài 3: Câu chuyện về những suất “ngoại giao”

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
90ph tv 90 tv mitom link bong da tv soi kèo hôm nay Đại lý bóng đá mitom keo ma cao