Đồng bào các dân tộc Sơn La hướng về ngày hội thống nhất non sông
VOV.VN - Trên miền Tây Bắc của Tổ quốc, đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La hướng về ngày hội thống nhất non sông với những tình cảm đặc biệt, thể hiện lòng yêu nước và tự hào dân tộc từ những việc làm giản dị mà đầy ý nghĩa...
Hoà chung không khí những ngày tháng 4 lịch sử, trên khắp các tuyến đường, từ trung tâm phố thị đến những nếp nhà sàn người Thái hay bên những mái pơ mu truyền thống của đồng bào Mông vùng cao Sơn La đều đỏ rực màu cờ cách mạng.

Có những địa phương đã huy động cả nghìn người để xếp thành dải đất hình chữ S thân thương của Tổ quốc; còn tại “địa chỉ đỏ” như Bảo tàng tỉnh Sơn La thì có trưng bày triển lãm với chủ đề “Bài ca thống nhất”, tái hiện bức tranh từ ngày Sơn La là hậu phương vững chắc cho chiến trường miền Nam, cho đến khoảnh khắc đất nước trọn niềm vui…

Đó cũng là ký ức đặc biệt với nhiều người dân miền núi từng sống trong thời khắc ấy…
Ông Tòng Văn Xôm, xã Hua La, TP Sơn La kể lại: “Lúc nghe tin giải phóng, bản thân tôi cũng như mọi người trong gia đình, trong bản làng đều vui sướng, không thể tả nổi. Lúc đó tôi là thanh niên 17-18 tuổi đang rực cháy khát khao cống hiến, tiếp bước cha ông... Dù rằng ở rất xa, tận miền núi Tây Bắc, ở Sơn La, nhưng đều hình dung ra được niềm vui trong đó thế nào và toàn quốc ra sao”.

Cũng như 50 năm về trước, nay dù cách xa gần 2.000km, nhưng từ miền núi Sơn La, Tây Bắc, chúng tôi cũng cảm nhận được khí thế hào hùng của đoàn quân diễu binh, diễu hành, cùng dàn máy bay, trực thăng với lá cờ tổ quốc phấp phới trên bầu trời TP.HCM.

Dẫu không thể có mặt trực tiếp để hòa chung bầu không khí ấy, nhưng đồng bào nơi đây luôn hướng về ngày hội thống nhất non sông bằng những tình cảm rất đặc biệt.

Chị Lò Lưu Ly, TP Sơn La, chia sẻ: “Tôi ở Sơn La và những ngày này không có điều kiện để vào TP.HCM, tuy nhiên, khi theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội và truyền thông của quốc gia thì thực sự cảm thấy rất tự hào, nhất là hình ảnh của các đồng chí cựu chiến binh trở về chiến trường xưa, đã gợi cho chúng tôi nhiều cảm xúc. Trong những ngày này, ngoài việc thay ảnh đại diện, trang trí nhà ở, nơi làm việc bằng rất nhiều cờ quốc kỳ, cờ Đảng, chúng mình còn thể hiện tình yêu nước qua việc chia sẻ các tin bài, lan toả đến bạn bè, gia đình để mọi người cùng hướng về ngày hội thống nhất non sông”.
Những hình ảnh ấy chắc hẳn cũng là nguồn động lực to lớn với cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng đang ngày đêm góp sức giữ gìn cuộc sống bình yên và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên vùng cao biên giới Sơn La.
Thượng úy Đặng Hữu Tú, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Sơn La cho biết: “Tôi cũng như tất cả các bộ, chiến sĩ BĐBP đang công tác tại các tuyến biên giới của tỉnh Sơn La vô cùng tự hào và xúc động. Chúng tôi rất vinh dự khi được sống, làm việc và cống hiến trong hoà bình, độc lập và tự do như hôm nay. Chúng tôi nguyện sẽ tiếp bước truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh để bảo vệ thành quả cách mạng, giữ hoà bình, ổn định cho đất nước, xứng đáng với niềm tin yêu của đảng, của nhà nước và nhân dân”.
50 năm Bắc - Nam liền một dải, cũng là từng ấy thời gian quân và dân tỉnh Sơn La nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung - hậu phương vững chắc một thời của chiến trường miền Nam tiếp tục đoàn kết, vươn lên, phát huy truyền thống, cống hiến sức mình, làm sao xứng đáng với những người đã ngã xuống để lá cờ đỏ sao vàng mãi tung bay.