Đổi mới cách tiếp cận và tuyên truyền Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân
VOV.VN - Cần đổi mới cách tiếp cận và tuyên truyền về Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Đó là ý kiến của các đại biểu tại tọa đàm "Vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân".
Tọa đàm do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM tổ chức ngày 9/6.
“Cầu nối” giữa chính sách và cuộc sống
Ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cho rằng, khi triển khai Nghị quyết 68 chắc chắn sẽ nảy sinh những vấn đề mới. Đó là những vướng mắc trong cơ chế, chính sách hoặc trong tổ chức thực hiện ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Báo chí cần mạnh dạn phản ánh những bất cập, đề xuất những sáng kiến, giải pháp để góp phần hoàn thiện chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh. Qua đó, thực hiện rõ chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng Việt Nam là “cầu nối” giữa chính sách với cuộc sống, giữa Nhà nước và người dân, doanh nghiệp.

Tại tọa đàm, ông Lê Thế Chữ- Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ cho rằng, Nghị quyết 68 chính là bước ngoặt trong phát triển kinh tế, không chỉ là cam kết chính trị từ cấp cao nhất, mà còn là lời hiệu triệu cho toàn xã hội, trong đó có báo chí.
Báo chí cần thay đổi cách tiếp cận trong tuyên truyền, không chỉ nói về “cái khó của doanh nghiệp”, mà còn phải nói về điều kiện để doanh nghiệp phát triển bền vững và tử tế.
Báo Tuổi trẻ cũng thay đổi cách tiếp cận tuyên truyền về Nghị quyết 68. Báo tập trung tuyên truyền về môi trường kinh doanh, thể chế, tư duy quản trị doanh nghiệp và tầm nhìn dài hạn của các doanh nhân. Báo hướng tới khơi gợi tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám đi đường lớn” trong đội ngũ doanh nghiệp tư nhân.
"Chúng tôi đi sâu vào từng phân nhóm đối tượng tuyên truyền. Nhóm hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì tập trung phản ánh các nỗ lực chuyển đổi lên doanh nghiệp chính danh, xây dựng năng lực liên kết, tham gia vào hệ sinh thái sản xuất -phân phối. Nhóm doanh nghiệp lớn, tập đoàn, startup công nghệ thì chúng tôi tuyên truyền về các mô hình đột phá như M&A, gọi vốn qua thị trường chứng khoán, đầu tư ra nước ngoài", theo ông Lê Thế Chữ.
Rút ngắn độ “vênh”
Một trong những điểm nhấn của Nghị quyết 68 là sự khẳng định yêu cầu phát triển khu vực tư nhân bằng chính sách thực chất, không hình thức. Tuy nhiên, các đại biểu thừa nhận, khoảng cách giữa chính sách trung ương và triển khai thực tế ở địa phương vẫn còn không nhỏ.
Do đó, báo chí có vai trò giống như một “đài radar xã hội”, giúp hệ thống chính trị nắm bắt những vấn đề như: các bất cập về thủ tục hành chính, doanh nghiệp tiếp cận đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng, xin cấp phép xây dựng, quy hoạch… gặp nhiều rào cản và thiếu cơ chế thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị.
Ông Phạm Tùng Lâm- Trưởng Đại diện Báo Hà Nội Mới tại TP.HCM cho rằng, trong thực tế, đâu đó vẫn còn còn “vênh” giữa nhu cầu của doanh nghiệp và khả năng truyền thông của báo chí.
"Ngoài việc truyền thông chính sách thì việc áp dụng chính sách vào thực tế sẽ có gặp những rào vướng mắc từ thực tiễn phát sinh của doanh nghiệp. Mong rằng qua những hội thảo, tọa đàm như thế này, với ý kiến kiến đa chiều sẽ sớm san bằng khoảng cách này. Báo chí vừa làm tốt truyền thông chính sách mới của Đảng, Nhà nước, nhưng cũng phản ánh góc nhìn từ doanh nghiệp khi thực tế gặp rất nhiều khó khăn trong kinh tế tư nhân", nhà báo Tùng Lâm nói.
TS.Dương Huy Đức- Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng Cơ quan Thường trực miền Nam, Tạp chí Cộng Sản cho rằng, Nghị quyết 68 nhấn mạnh vai trò của báo chí, góp phần định hình và lan tỏa hình ảnh doanh nhân.
Thay vì chỉ phản ánh hoạt động kinh doanh đơn thuần, báo chí nên phản ánh doanh nhân là người dám nghĩ lớn, hành động lớn, dám đổi mới và lãnh đạo bằng tư duy toàn cầu.
Doanh nhân không chỉ làm giàu cho mình, mà còn tạo việc làm, thúc đẩy công nghệ, góp phần phát triển bền vững. Doanh nhân tư nhân là biểu tượng của năng động, sáng tạo, tinh thần dân tộc trong kỷ nguyên hội nhập.

Còn ở góc độ của doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Đức- Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (SaiGon –Co.op) kiến nghị các cơ quan truyền thông và báo chí có một kế hoạch bài bản, cụ thể hóa Nghị quyết 68.
"Làm được chuyện này ở góc độ nào, ở địa phương nào, ở ngành nào, ở những công việc gì cụ thể, để đảm bảo rằng Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống thông qua những chính sách cụ thể được triển khai, thông qua việc hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng người tiêu dùng trong cả nước”, ông Đức nhấn mạnh.
Trong công cuộc hiện thực hóa Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, báo chí không chỉ là “người đưa tin” mà còn là “người đồng hành”, “người dẫn đường” và “người phản biện”.
Theo Đại tá Phan Tùng Sơn, Trưởng Đại diện Báo Quân đội nhân dân tại TP.HCM, khu vực miền Nam- nơi hội tụ rất nhiều doanh nghiệp tư nhân, báo chí càng cần phát huy vai trò là cầu nối vững chắc giữa chính sách và thực tiễn. Vì “chính sách hay mà dân không hiểu, không làm theo, thì cũng như hoa nở nơi không người thưởng thức”.
Do vậy, sự vào cuộc mạnh mẽ, sáng tạo của báo chí sẽ góp phần quyết định việc đưa Nghị quyết 68 đi vào cuộc sống, trở thành động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới.