Để vơi bớt nỗi lo đuối nước trên vùng cao Sơn La
VOV.VN - Tai nạn thương tích, đuối nước... luôn là nỗi bất an của nhiều gia đình, nhất là với những gia đình có trẻ nhỏ. Việc trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước cho thanh thiếu nhi, học sinh được các địa phương, trường học đặc biệt quan tâm.
Tuy nhiên, tại tỉnh miền núi Sơn La, công tác này còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng, điều kiện học tập hạn chế.

Những giờ ngoại khóa trang bị kiến thức cơ bản về bơi lội đã khiến bộ môn này tới gần hơn với các em học sinh, thiếu nhi ở vùng biên giới Chiềng Sơn, thị xã Mộc Châu, Sơn La. Mỗi tư thế, động tác bơi được mô phỏng và hướng dẫn trực tiếp từ giáo viên thể dục đã trở thành hành trang kiến thức đầu tiên với nhiều học sinh Trường Tiểu học Chiềng Sơn.
Em Bùi Xuân Chiến, học sinh lớp 5A2 cho biết, ở trên lớp thầy cô đã dạy em học bơi, về nhà em xin bố mẹ mua kính bơi và nhờ bố giúp mình học bơi, để có thể tự bảo vệ bản thân khi xuống nước…

Các em cũng được thực hành kỹ năng xử lí tình huống khi bị đuối nước và cách phòng tránh tai nạn, đảm bảo an toàn ở khu vực sông, suối, ao hồ…. Trực tiếp truyền đạt kiến thức, thiếu tá Nguyễn Quang Hướng, nhân viên quân y Đồn Biên phòng Chiềng Sơn cho biết: Địa bàn còn khó khăn, nên hằng năm cứ gần đến dịp nghỉ hè của các cháu, đơn vị phối hợp với các nhà trường, xã tổ chức hướng dẫn các cháu, với mong muốn góp phần giảm tình trạng các cháu bị đuối nước hay trường hợp xấu xảy ra.
Việc trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích cho học sinh đã nhận được sự quan tâm, chung tay của các cấp, các ngành; tuy nhiên việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn.
Thầy giáo Quách Công Cường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chiềng Sơn thông tin, đối với việc dạy bơi, nhà trường cũng chưa có đủ điều kiện cơ sở vật chất, chủ yếu các thầy cô hướng dẫn qua lý thuyết là chính. Trên địa bàn cũng không có cơ sở nào để giúp em có thể học bơi được. Chính vì vậy, nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương và các bậc phụ huynh tăng cường tuyên truyền cho con để phòng tránh tai nạn.
Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các trường học trên địa bàn thị xã Mộc Châu, Sơn La. Ngoài việc phổ cập kiến thức bơi, phòng chống tai nạn đuối nước lồng ghép với môn thể dục, các tiết ngoại khóa; các nhà trường đã phối hợp và tạo điều kiện để học sinh tham gia các chương trình phổ cập bơi, phòng chống tai nạn đuối nước do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tổ chức; chủ động hỗ trợ học sinh và phụ huynh lựa chọn cơ sở đào tạo, hướng dẫn bơi đủ điều kiện, uy tín cho trẻ tham gia học tập, nâng cao thể lực, kỹ năng…

Tuy nhiên, theo ông Ngô Ngọc Toàn, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Mộc Châu, những cơ sở dạy bơi đảm bảo điều kiện, đủ tiêu chuẩn trên địa bàn còn ít, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa thì gần như không có. Việc học bơi chủ yếu là do cha mẹ, anh chị em trong gia đình tự hướng dẫn nhau. Trong điều kiện kinh tế ở các địa phương còn khó khăn, cha mẹ trẻ thường đi làm ăn xa, ít có thời gian quản lý, hướng dẫn con mình... cũng gây khó khăn trong việc tuyên truyền, hướng dẫn trẻ học bơi cũng như phòng, chống tai nạn đuối nước.
"Chúng tôi mong sau này sẽ được Nhà nước quan tâm đầu tư những hệ thống bể bơi di động để đưa vào các đơn vị trường học, đặc biệt là các trường vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn để giáo viên có đủ điều kiện về cơ sở vật chất triển khai việc hướng dẫn trẻ học bơi ngay trong nhà trường… Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị các địa phương, các thôn, bản, tiểu khu có cảnh báo về những địa điểm có nguy cơ xảy ra đuối nước để cha mẹ học sinh, học sinh nắm được và chủ động phòng tránh", ông Toàn cho biết.

Bước vào mùa nắng nóng khô hanh, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã ghi nhận những ca đuối nước thương tâm ở trẻ em, học sinh. Do đặc thù miền núi còn nhiều khó khăn, thiếu những sân chơi công cộng cho trẻ nhỏ vùng cao, nên các em thường tìm chỗ vui chơi trong tự nhiên, như tắm, bơi ở ao hồ, sông suối... tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Các địa phương đang huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự phối hợp của các bậc phụ huynh trong việc quan tâm quản lý con em mình, tránh những tình huống tai nạn, rủi ro có thể xảy ra.