111111

Để người trẻ ở lại quê hương

VOV.VN - Việc phải rời quê đi nơi khác mưu sinh là việc chẳng đừng… Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giữ chân người trẻ ở lại phát triển ước vọng, hoài bão ngay trên chính mảnh đất quê hương của họ.

Ở tỉnh miền núi Sơn La - nơi có hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, dòng chảy lao động trẻ đổ về các thành phố lớn với nhiều cơ hội việc làm cũng đang diễn ra. Tuy nhiên, có không ít bạn trẻ đã chọn bỏ phố về quê lập nghiệp, hay bám trụ vùng cao, đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, với khát vọng góp sức thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam phồn thịnh, hùng cường. Vậy, làm thế nào để nuôi dưỡng, phát triển hoài bão trên chính mảnh đất quê hương cho thanh niên vùng khó?

Thanh niên bỏ phố về quê lập nghiệp

Năng động, hoạt bát, thân thiện… là ấn tượng đầu tiên của du khách khi gặp anh Là Văn Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch Quỳnh Nhai Travel.

Là con cả, sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông ở bản Bó Ban, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, chàng trai trẻ Là Văn Phong, sinh năm 1993, dân tộc Thái là một trong những tấm gương thanh niên khởi nghiệp điển hình, được tuyên dương tại Chương trình “Khát vọng khởi nghiệp, bừng sáng bản làng”.

Anh Là Văn Phong chia sẻ: Những ngày học đại học, tôi cũng như bao bạn trẻ mong muốn có công việc nhà nước ổn định. Tuy nhiên, đến khi ra trường, nhận thấy tiềm năng, lợi thế của biển hồ sông Đà, chúng tôi đã quyết định trở về bắt tay vào khởi nghiệp trên lòng hồ.

Thời điểm đó, Công trình Nhà máy Thủy điện Sơn La ngăn đập, nước dâng đầy các đồng ruộng, khe suối, tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình; cùng những nét văn hóa độc đáo vùng ven sông đã thôi thúc ý tưởng khởi nghiệp từ du lịch sinh thái biển hồ của Là Văn Phong. Năm 2014, Phong đã tạo nên nhóm khởi nghiệp từ du lịch đầu tiên trên vùng lòng hồ thủy điện Sơn La.

“Quỳnh Nhai Travel chúng tôi vẫn tự hào là đơn vị đầu tiên khởi nghiệp trên biển hồ Sông Đà. Và đi cùng với đó là rất nhiều khó khăn; đơn cử như nguồn vốn, chúng tôi phải vừa làm vừa tái đầu tư, vì anh em chúng tôi mới khởi nghiệp, chưa phải là chủ hộ, vẫn sinh sống với gia đình, để mà vay vốn thì rất là khó vì chưa có tài sản để thế chấp.” – Là Văn Phong nói.

Vừa khắc phục khó khăn, vừa nỗ lực hoạt động, từ nhóm khởi nghiệp 3 thành viên ban đầu, nay đã trở thành Công ty Cổ phần du lịch Quỳnh Nhai Travel với cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, có 3 du thuyền 2 tầng với sức chứa từ 30 đến 120 du khách; khu nhà hàng nổi trên mặt nước, Vịnh Uy Phong tổng diện tích 3.000 mét vuông; doanh thu năm 2022 đạt trên 4 tỷ đồng...

Chia sẻ về những ngày đầu cùng Là Văn Phong khởi nghiệp, anh Lò Xuân Thủy, Công ty Cổ phần du lịch Quỳnh Nhai Travel nói: “Những ngày đầu mới lập nghiệp, chúng mình rất khó khăn, đi lại và phục vụ từ những con thuyền rất nhỏ. Chúng mình thuê thuyền bé của người dân để làm dịch vụ phục vụ khách hàng. Đến bây giờ đã hoạt động đúng theo định hướng mà ngày đầu lập nghiệp đề ra.”

Anh Lò Mạnh Cường, Bí thư Huyện đoàn Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La cho biết: Địa phương hiện có khoảng 2.300 thanh niên ra ngoài huyện làm thuê. Các cấp bộ Đoàn, Hội ở huyện đang tích cực triển khai các phần việc hỗ trợ thanh niên ở lại, hoặc quay về địa phương sau khi tốt nghiệp để làm kinh tế, khởi sự doanh nghiệp.

“Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 cũng đã xác định rõ mục tiêu, tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 là Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Vì vậy, tổ chức Đoàn, Hội các cấp xác định việc đồng hành với thanh niên trong tìm kiếm việc làm, lập thân, lập nghiệp, khởi nghiệp không chỉ là một nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong các nhiệm kỳ Đại hội, mà sẽ luôn là sứ mệnh, nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của tổ chức Đoàn, Hội đối với quê hương, đất nước và thanh niên.” – anh Cường nói.

Người trẻ bám trụ vùng cao

Con đường cheo leo, khúc khuỷu tới rừng thảo quả ở bản Nậm Lộng, xã Hang Chú, huyện Bắc Yên (Sơn La) không làm chùn bước chân Sồng A Lâu, Bí thư đoàn xã. Bao năm nay, chàng thanh niên người Mông này đã bám trụ tại mảnh đất đặc biệt khó khăn, trăn trở tìm lối thoát nghèo cho chính mình cũng như những người trẻ trên quê hương.

Sồng A Lâu tâm sự: “Từ lúc học xong cấp 3 tôi đã nuôi dê, từ 2006 – 2015 đàn dê của tôi có trên 100 con. Năm 2015, thực hiện chủ trương trồng cây trên đất dốc, tôi trồng cây sơn tra. Trong thời gian chăm sóc táo, tôi trồng thêm thảo quả; đến nay có trên 5 ha thảo quả, thu hoạch 2 năm nay, năm đầu được 100 triệu, năm 2 được 150 triệu… Đặc biệt, năm 2020 tôi đạt giải cuộc thi ý tưởng sáng tạo thanh niên khởi nghiệp Sơn La, là nguồn động lực để tôi nhân rộng và lan tỏa mô hình trong thanh niên của xã.”

Nói về mô hình kinh tế mới của Sồng A Lâu, ông Hờ A Dua – Chủ tịch UBND xã Hang Chú cho biết: Bí thư đoàn xã có mô hình trồng thảo quả với sơn tra tốt, các đoàn viên khác học làm theo và nhân rộng, giúp nhiều thanh niên có thu nhập, đảm bảo cuộc sống ở quê, để không phải đi làm ăn xa.

Những năm gần đây, nếu như đến nhiều bản làng vùng sâu, vùng xa ở Sơn La, chỉ thấy còn lại người già và trẻ em, khi nhiều lao động từ người trẻ đến trung niên bỏ làm nông nghiệp, đi làm ăn xa, thì ở Hang Chú – xã xa nhất, khó khăn và nhiều hộ nghèo nhất của huyện Bắc Yên, sức trẻ luôn hiện hữu. Cả xã chỉ có khoảng 40/190 thanh niên đi làm ăn xa; hầu hết thanh niên ở lại đang tham gia các mô hình kinh tế, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo chủ trương của tỉnh, huyện, xã.

Sau khi học hỏi cách làm từ thủ lĩnh đoàn xã, năm 2018, anh Hờ A Cá, bản Suối Lềnh, xã Hang Chú quyết định đầu tư chăn nuôi dê. Từ 10 con dê ban đầu, đến nay đàn dê của anh đã phát triển hơn 100 con. Thanh niên này còn chăm sóc thêm đàn trâu sinh sản; khai hoang hơn 1 ha lúa nước… thu nhập trên 100 triệu đồng/ năm. Số tiền này là mơ ước của không ít thanh niên ở vùng lõi nghèo như Hang Chú.

“Tôi nghĩ là tuổi trẻ có bao nhiêu người chọn đi làm thuê nhưng mà tôi thấy là địa phương có đất đai, trồng rau, cỏ thuận lợi, nên tôi quyết định ở nhà chăn nuôi. Nếu có điều kiện thì tôi muốn nhân giống đàn trâu với đàn dê của tôi lên nhiều hơn nữa. Bây giờ ai có nhu cầu mua trâu với dê của tôi về làm giống thì tôi cũng sẽ chia sẻ cho anh em” – Hờ A Cá nói.

Sức trẻ đã lan tỏa và ươm mầm xanh trên nhiều vạt nương, triền đồi rẻo cao Hang Chú, góp phần đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế vùng đất này. Đến nay, xã Hang Chú có gần 600 ha thảo quả, hơn 1.000 sơn tra, 35 ha sa nhân; duy trì đàn gia súc, gia cầm trên 17.000 con… đem lại giá trị kinh tế cao hơn trồng lúa, ngô trước đây, giúp tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm dần những năm gần đây.

Tuy nhiên, hộ nghèo và cận nghèo của Hang Chú vẫn ở mức gần 70%; số lao động trẻ có kinh tế khá còn khiêm tốn. Bí thư đoàn xã Hang Chú Sồng A Lâu luôn trăn trở, làm sao để có thêm nhiều việc làm cho thanh niên, để có thu nhập cao và ổn định. Bởi ở vùng khó, những chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp còn bộc lộ hạn chế.

“Đã từng trải qua, thử nghiệm một số mô hình thì tôi thấy cần nhất bây giờ là hỗ trợ thanh niên vay vốn nhiều hơn. Hiện nguồn vốn vay giải quyết việc làm tối đa là 100 triệu, nếu muốn đầu tư phát triển kinh tế thì phải nâng vốn vay lên 200 - 300 triệu tùy theo mô hình, điều kiện thực tế; còn vốn sản xuất kinh doanh cho vay 50 triệu nhưng thực sự 50 triệu không đầu tư được, với địa bàn khó khăn này, nguồn vốn của mình ít sẽ không thực hiện được…” – Sồng A Lâu nói.

Ấp ủ dự định thành lập HTX do thanh niên làm chủ để phát huy sức trẻ trong sản xuất, kinh doanh, thu mua nông sản, chế biến, kết nối tiêu thụ cho bà con, thế nhưng Bí thư đoàn xã Hang Chú cũng cho biết ý tưởng này gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

“Khó khăn nhất vẫn là nguồn vốn, vì thành lập được HTX thì muốn HTX hiệu quả phải có vốn đầu tư. Hơn nữa, tham gia HTX phải là người am hiểu thị trường, biết kết nối với các doanh nghiệp, đầu mối tiêu thụ…”

Sau những hành trình ly hương

Cuộc sống bấp bênh, thu nhập thấp là nguyên nhân khiến không ít lao động vùng nông thôn và lao động trẻ miền núi Sơn La nói riêng, các tỉnh Tây Bắc nói chung rời quê, đến làm việc trong các nhà máy, công xưởng, doanh nghiệp ở khu vực có thu nhập cao hơn, điều kiện sinh hoạt tốt hơn.

Và phía sau hành trình ly hương ấy là nhiều nỗi niềm, trăn trở của cấp ủy, chính quyền cũng như gia đình, người thân:

- Đi làm ăn xa mặt lợi là có thu nhập, kinh tế ổn định. Nhưng thanh niên ở quê đi xa hết thì coi như bỏ phí tiềm năng phát triển kinh tế trên địa bàn. Rồi có công việc gì cần sức lao động, hay các phong tục tập quán thì sẽ khó triển khai vì chỉ còn người già có cái làm được cái không.

- Gia đình có thanh niên khỏe khoắn đi làm dưới xuôi hết, còn lại người già ở nhà ốm đau không ai chăm sóc, gia đình có con nhỏ ở nhà không ai đưa đến trường, thiếu sự quan tâm. Cũng mong muốn có chính sách hỗ trợ cho các thanh niên ở lại quê hương yên tâm gắn bó phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

 - Trong dòng chảy lao động, có nhiều người trẻ đã chọn quay lại sau thời gian ly hương. Tuy nhiên, họ cũng gặp không ít khó khăn trong khởi nghiệp, lập nghiệp, tìm kiếm việc làm.

Chị Hà Thị Thái, ở xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu sau hơn 3 năm làm thuê ở nhiều thành phố lớn đã quyết định trở về quê, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được công việc phù hợp và gắn bó lâu dài.

“Tôi đã làm nhiều việc từ các xưởng may, các nhà hàng, siêu thị.... Thu nhập ổn định nhưng mà chi phí sinh hoạt ở các thành phố lớn đắt đỏ, chi tiêu nhiều, cũng không để được bao nhiêu. Hơn nữa phải xa gia đình, vất vả lắm. Giờ về nhà cũng không có đất sản xuất, không có bằng cấp nên cũng không xin được việc làm ổn định, ai thuê gì làm nấy thôi.” – Chị Thái nói.

Còn anh Giàng Xuân Tùng, xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, dù tốt nghiệp Đại học Tây Bắc, nhưng không có việc làm đúng chuyên ngành, nên phải đi làm ăn xa kiếm tiền. Công việc, cuộc sống nơi đất khách không như mong đợi, nên anh Tùng chỉ làm được khoảng 4 tháng, sau đó quyết định trở về quê hương khởi nghiệp bằng cách trồng cây trên đất dốc.

“Bây giờ tôi đang trồng thảo quả, mới thu hoạch cũng chưa được nhiều nhưng cũng có thu nhập trang trải sinh hoạt, ổn định cuộc sống. Giờ tôi rất mong các cấp, các ngành hỗ trợ nguồn lực, có vốn để lấy thêm giống, mở rộng sản xuất; cũng mong đường xá được đầu tư để đi lại, giao thương bớt khó khăn.”

Để người trẻ ở lại quê hương

Để giữ chân người trẻ ở lại quê hương, những năm qua, phong trào đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp được Tỉnh đoàn Sơn La nỗ lực triển khai với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo.

- 5 năm qua, tỉnh đoàn Sơn La đã thành lập 75 mô hình giúp đỡ, hỗ trợ thanh, thiếu niên; hỗ trợ 130 dự án khởi nghiệp sáng tạo, hơn 200 dự án thanh niên phát triển kinh tế.

- Các cấp bộ đoàn phối hợp tổ chức 300 buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, mô hình mới vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp cho hơn 3.500 ĐVTN và người dân. Tư vấn hướng nghiệp trên 140 nghìn lượt thanh thiếu niên; giới thiệu việc làm gần 22.800 thanh niên.

- Duy trì 18 tổ hợp tác, 68 hợp tác xã thanh niên, 190 CLB khởi nghiệp, 240 CLB thanh niên làm kinh tế giỏi, hơn 200 đội trí thức trẻ tình nguyện hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.

- Các cơ sở đoàn hiện đang quản lý gần 950 tổ vốn vay, với tổng số dư nợ hơn 1.300 tỷ đồng, hơn 29.000 ĐVTN vay vốn đầu tư phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn của Trung ương Đoàn, gần 100 ĐVTN vay 880 triệu đồng để khởi nghiệp, lập nghiệp.

Anh Nguyễn Duy Dũng, Phó Bí thư Thường trực tỉnh đoàn Sơn La cho biết: Những phương án hỗ trợ thanh niên đều bám sát chủ trương, định hướng của tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp. Như thành lập các đội xung kích, tri thức trẻ, tập hợp các thanh niên có chuyên môn, kỹ năng của Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng nông nghiệp các huyện, thành phố để chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thanh niên. Đồng thời, phối hợp triển khai sàn giao dịch thương mại điện tử đến với thanh niên, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số có cơ hội tiếp cận, đưa sản phẩm nông nghiệp của mình lên sàn giao dịch…

Việc làm và thu nhập ổn định ngay tại quê hương là điều kiện để giúp người lao động vừa không ly nông vừa không phải ly hương. Nhất là với thanh niên - nguồn nhân lực có thể đáp ứng yêu cầu của quá trình đổi mới sản xuất nông nghiệp, thì việc giữ chân họ không phải từ những lời kêu gọi chung chung mà phải cho họ thấy tương lai khi ở lại bản làng.

Theo Phó Bí thư thường trực Tỉnh đoàn Sơn La Nguyễn Duy Dũng, các cấp, các ngành cần có những chính sách đặc thù để thu hút, phát triển nguồn nhân lực trẻ trong phát triển nông nghiệp. Nhất là cơ chế thu hút lao động có chất lượng cao, các đoàn viên thanh niên ở các trường đại học; các nhân tài liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp đã được đào tạo chuyên sâu về địa phương, với những cơ chế ưu đãi về tiền lương, nhà ở...

Phát triển nông nghiệp bền vững, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo cho người dân là chủ trương lớn của Sơn La. Để hiện thực hóa, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La đã triển khai Nghị quyết phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến 2030; Nghị quyết về phát triển công nghiệp chế biến nông sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết về phát triển công nghiệp chế biến nông sản giai đoạn 2021 – 2025, Sơn La đặt mục tiêu thu hút 9 dự án, đến nay, đã cấp chủ trương đầu tư cho 5 dự án. Đây là cơ hội để những lao động trẻ có việc làm ổn định tại quê hương.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: Sơn La đã mời gọi, thu hút đầu tư lĩnh vực nông nghiệp; tạo cơ chế chính sách, tạo điều kiện tốt nhất để thu hút đầu tư. Từ đó góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh công nghiệp chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp, hướng tới xây dựng tỉnh Sơn La thành trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc. Từ thu hút đầu tư tạo công ăn việc làm, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội của tỉnh.     

Cùng với mở rộng phát triển nông nghiệp, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này để tạo việc làm cho lao động địa phương, Sơn La cũng cần đổi mới về phương pháp cũng như nội dung, hình thức đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ cao và chất lượng cao cho lĩnh vực nông nghiệp; tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình tổ chức học tập kinh nghiệm và hướng dẫn trực quan đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: Tới đây trong chương trình mục tiêu chúng tôi sẽ đặt ra vấn đề này, để cùng bàn với các địa phương là sẽ tăng cường việc trao đổi học tập kinh nghiệm và các vùng. Vì đây là một kinh nghiệm rất quan trọng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi vì mỗi một dân tộc có nhận thức, có trình độ khác nhau; bà con dân tộc thiểu số chúng ta đã có rất nhiều mô hình hay, hiệu quả. Tôi nghĩ thanh niên người dân tộc thiểu số cũng nên cần phải có nghiên cứu và tự hào về điều này trở lại khu vực của mình để phát huy tiềm năng, thế mạnh này.

Để thực hiện mục tiêu, khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam phồn thịnh, hùng cường theo định hướng Đại hội Đảng lần thứ XIII, đoàn viên, thanh niên nói chung và thanh niên dân tộc thiểu số ở bản làng vùng cao xa xôi, khó khăn phải ý thức được trách nhiệm của bản thân với chính mình, với gia đình, cộng đồng và với đất nước, dân tộc mình.

Theo đó không ngừng học hỏi, mạnh dạn áp dụng mô hình kinh tế mới; tạo sức lan tỏa tới bà con để xóa nghèo, tiến tới làm giàu tại mảnh đất quê hương. Đồng thời tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và kết nối thị trường, kéo gần khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi…

Ông Hầu A Lềnh cho biết thêm: Tới đây Ủy ban Dân tộc sẽ cùng phối hợp với Bộ Khoa học công nghệ, các bộ, ngành liên quan và các địa phương cụ thể hóa tất cả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các tài liệu, nội dung đưa lên môi trường mạng. Trên môi trường mạng thì khả năng tiếp cận của thanh niên sẽ nhanh hơn và kịp thời hơn, qua đó việc thực hiện trên thực tiễn gắn với các dự án mà đã được Đảng, Nhà nước và các địa phương phê duyệt. Và tôi tin rằng việc tiếp cận khoa học công nghệ của thanh niên sẽ có nhiều cơ hội hơn.

Câu chuyện “bỏ phố” về quê vượt khó lập nghiệp của đoàn viên thanh niên Là Văn Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch Quỳnh Nhai Travel và Sồng A Lâu, Bí thư đoàn xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La vừa nói đến ở trên chỉ là những ví dụ cụ thể. Trong các phong trào được triển khai, ở đâu cũng có những đoàn viên thanh niên sẵn sàng dấn thân vào các khâu yếu, việc khó, thắp sáng khát vọng, truyền cảm hứng xóa nghèo và làm giàu cho nhân dân ở các bản làng xa xôi, cùng thực hiện khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam phồn thịnh, hùng cường./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tự tạo áp lực - liều vaccine giúp người trẻ mạnh mẽ hơn?
Tự tạo áp lực - liều vaccine giúp người trẻ mạnh mẽ hơn?

VOV.VN - Trong cuộc sống, chúng ta không tránh khỏi những áp lực đè nặng khiến nhiều người bị trầm cảm, gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần nhưng đôi khi đây lại là động lực, là cú hích để mỗi người vượt qua những thách thức, khó khăn.

Tự tạo áp lực - liều vaccine giúp người trẻ mạnh mẽ hơn?

Tự tạo áp lực - liều vaccine giúp người trẻ mạnh mẽ hơn?

VOV.VN - Trong cuộc sống, chúng ta không tránh khỏi những áp lực đè nặng khiến nhiều người bị trầm cảm, gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần nhưng đôi khi đây lại là động lực, là cú hích để mỗi người vượt qua những thách thức, khó khăn.

Những người trẻ ngâm mình vớt rác dưới dòng nước đen ở Hà Nội
Những người trẻ ngâm mình vớt rác dưới dòng nước đen ở Hà Nội

VOV.VN - Khởi đầu từ 2 thành viên, hiện nhóm Hà Nội xanh có khoảng 160 thành viên. Hầu hết là các bạn trẻ GenZ, tuy nhiên việc họ đang làm lại đóng góp không nhỏ cho môi trường các dòng kênh tại Hà Nội.

Những người trẻ ngâm mình vớt rác dưới dòng nước đen ở Hà Nội

Những người trẻ ngâm mình vớt rác dưới dòng nước đen ở Hà Nội

VOV.VN - Khởi đầu từ 2 thành viên, hiện nhóm Hà Nội xanh có khoảng 160 thành viên. Hầu hết là các bạn trẻ GenZ, tuy nhiên việc họ đang làm lại đóng góp không nhỏ cho môi trường các dòng kênh tại Hà Nội.

Người trẻ thích nhảy việc: Đừng để mất định hướng tương lai
Người trẻ thích nhảy việc: Đừng để mất định hướng tương lai

VOV.VN - Tự tin ở khả năng của bản thân, cảm thấy mức lương không tương xứng, môi trường làm việc không phù hợp hay tâm lý ‘đứng núi này trông núi nọ’… là những lý do khiến không ít thanh niên trẻ hiện nay chỉ làm việc một năm, thậm chí vài tháng ở một công ty rồi quyết định chuyển qua nơi khác.

Người trẻ thích nhảy việc: Đừng để mất định hướng tương lai

Người trẻ thích nhảy việc: Đừng để mất định hướng tương lai

VOV.VN - Tự tin ở khả năng của bản thân, cảm thấy mức lương không tương xứng, môi trường làm việc không phù hợp hay tâm lý ‘đứng núi này trông núi nọ’… là những lý do khiến không ít thanh niên trẻ hiện nay chỉ làm việc một năm, thậm chí vài tháng ở một công ty rồi quyết định chuyển qua nơi khác.

90ph tv 90 tv mitom link bong da tv soi kèo hôm nay Đại lý bóng đá mitom keo ma cao