Đắk Lắk đẩy mạnh phổ cập kỹ năng số trong cộng đồng
VOV.VN - Xác định “công dân số” là yếu tố nền tảng đối với sự phát triển xã hội số, đồng thời quyết định sự thành công của chuyển đổi số ở cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, tỉnh Đắk Lắk đang đẩy mạnh quá trình này.
Chuyển đổi số không còn là câu chuyện của riêng ngành công nghệ, mà đã và đang len lỏi vào từng ngõ ngách đời sống. Ở Đắk Lắk, một tỉnh miền núi khu vực Tây Nguyên chuyển đổi này đang diễn ra ở chính những người dân bình dị và bắt đầu chỉ bằng những chiếc điện thoại thông minh và… những nhóm Zalo xóm, của tổ dân phố. Xác định “công dân số” là yếu tố nền tảng đối với sự phát triển xã hội số, đồng thời quyết định sự thành công của chuyển đổi số ở cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, tỉnh Đắk Lắk đang đẩy mạnh quá trình này.
Từ ngày được tập huấn sử dụng công nghệ, ông Phùng Ngọc Quát, xóm trưởng xóm 6, thôn Cao Thành, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, không còn phải cuốc bộ từng nhà để báo tin. Nhóm Zalo của xóm được lập ra đã giúp ông thông báo tường tận từng nội dung để mọi cùng biết, thực hiện và phản hồi ý kiến.
“Các app VNelD hoặc các nhóm Zalo ở trong xóm rất tiện cho người dân các thông tin ở trên xã, ở xóm gửi về xóm mình có thể liên hệ trực tiếp qua app để dễ hiểu nhau, hoặc có công việc họp hành gì của xóm của địa phương cũng nhanh hơn, đỡ phải đi thông báo cho từng người, từng nhà một", ông Quát chia sẻ.

Công nghệ số tăng tính tiện lợi, tiết kiệm thời gian cho cả người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả công việc... Nhưng ở Đắk Lắk với không ít người, hiệu quả của công nghệ này trong thực hiện các dịch vụ công, là chưa đạt như mong đợi.
Bà Đào Thị Mai ở phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: "Tôi chưa sử dụng được công nghệ số áp dụng thủ tục về đất đai cho nên tôi cũng mong cơ quan nhà nước và bên công nghệ giúp tôi về vấn đề đó như tuyên truyền và phổ biến rộng cho nhân dân sử dụng công nghệ số trong giao dịch cho đỡ mất thời gian, công sức, người dân đỡ đi lại”.
Để rút ngắn khoảng cách về năng lực ứng dụng công nghệ số giữa các bộ phận dân cư, tỉnh Đắk Lắk đã thành lập hơn 2.000 tổ công nghệ số cộng đồng với gần 12.000 thành viên. Phần lớn trong số họ là những người trẻ, nhiệt huyết, mang công nghệ đến từng hộ dân.
Anh Nguyễn Văn Mạnh, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng xã Ea Ninh, huyện Cư Kuin, cho biết: "Đối với hoạt động xây dựng xã hội số, chúng tôi còn triển khai hoạt động tuyên truyền trực quan sinh động bằng mô hình lốp xe tuyên truyền, đẩy mạnh hoạt động thanh toán điện tử cũng như các khẩu hiệu về chung tay chuyển đổi số, hoạt động thanh toán điện tử lợi ích liền tay cùng một số nội dung chúng tôi đang triển khai mang tính tương đối hiệu quả”.

Song hành cùng người dân còn có các doanh nghiệp viễn thông. Ông Nguyễn Văn Thản, Phó Giám đốc VNPT Đắk Lắk cho biết, cùng với các doanh nghiệp trong ngành, VNPT Đắk Lắk đã hoàn thành phủ sóng 4G toàn tỉnh, hệ thống cáp quang cũng đã được triển khai đến tận hộ gia đình. Đồng thời, đơn vị cũng tham gia đào tạo cho cán bộ cấp huyện và các tổ công nghệ số cộng đồng để họ nắm bắt các nền tảng công nghệ số, phục vụ truyền thông và hướng dẫn người dân.
“Hiện nay, VNPT đã tham gia đào tạo cho cán bộ tại cấp huyện, cán bộ tổ công nghệ số cộng đồng để nắm bắt các nền tảng công nghệ số phục vụ cho công tác truyền thông đến người dân và hướng dẫn người dân sử dụng. Trong lĩnh vực dịch vụ công, chúng tôi đang đảm bảo công tác liên thông giữa các sở ban ngành như thuế, các văn phòng công chứng trong lĩnh vực đất đai để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính một cách liên thông, thuận lợi trong thời gian tới”, ông Thản nói.
Đắk Lắk đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, có 80% cán bộ, công chức có kỹ năng số thành thạo; 70% người dân trưởng thành được phổ cập kiến thức số; 80% lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã biết dùng thiết bị thông minh phục vụ sản xuất.
Ông Ra Lan Trương Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk cho biết, để thúc đẩy chuyển đổi, bên cạnh ưu tiên đầu tư hạ tầng viễn thông, mạng 4G/5G tại các vùng lõm, tỉnh sẽ tập trung nâng cao năng lực cán bộ cơ sở, đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường phổ cập công nghệ số đến từng người dân.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh các giải pháp và phương pháp để khai thác hiệu quả hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng, những ‘cánh tay nối dài’ của chính quyền và ngành, giúp người dân tiếp cận và tham gia vào công cuộc chuyển đổi số", ông Thanh Hà chia sẻ.
Nhờ những bước đi kiên trì, bền bỉ, công nghệ số đang thực sự trở thành một phần của đời sống người dân, từ buôn làng vùng sâu đến đô thị trung tâm. Và sau mỗi ngày, ở Đắk Lắk lại có thêm nhiều người trở thành công dân số, kiến tạo nên một xã hội số toàn diện, nhân văn và hiệu quả. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh hình thành chính quyền số, xã hội số, kinh tế số.