Cú "lội ngược dòng" thành thủ khoa đầu ra của nam sinh Đại học Sư phạm TP.HCM
VOV.VN - Nam sinh vừa tốt nghiệp thủ khoa toàn trường với điểm trung bình 3,95/4 ngành giáo dục tiểu học, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM cảm thấy xúc động khi biết mình là thủ khoa toàn khoá ngay trong buổi lễ tốt nghiệp.
Từ quyết định thi lại
Lâm Tiến, sinh viên quê ở Tiền Giang (nay là Đồng Tháp) vừa tốt nghiệp thủ khoa toàn trường Đại học Sư phạm TP.HCM cho hay: khá bất ngờ khi biết mình đạt được kết quả ngoài mong đợi.
Tiến kể, mọi người trước đó có nhắn hỏi, nhưng cho tới ngày cuối cùng trước buổi lễ tốt nghiệp, Tiến cũng chỉ biết mình là thủ khoa toàn ngành. "Khoảnh khắc thầy MC đọc tên các bạn ở dưới tung hô rồi vỗ tay, mọi thứ với mình lúc đó rất xúc động và nhiều cảm xúc".

Lâm Tiến có ước mơ được làm giáo viên từ khi còn bé, bắt đầu từ việc được mọi người nhờ giảng lại bài và ấn tượng với cách dạy của một số thầy cô. Từ đó, nam sinh này quyết tâm đậu vào Đại học Sư phạm TP.HCM.
Sau khi tốt nghiệp THPT năm 2020, Tiến đậu vào học sư phạm Toán của Đại học Sư phạm TP.HCM nhưng sau 1 học kỳ, Tiến cảm thấy mình không theo kịp với kiến thức Toán chuyên ngành dù trước đó theo học khối A. Dần dần, điểm số không mấy khả quan, việc tự học cũng gặp khó khăn. Sau thời gian suy nghĩ, Tiến quyết định thi lại vào ngành giáo dục tiểu học của trường.
Lâm Tiến giấu gia đình, tiếp tục học kỳ 2 năm nhất nhưng chỉ đăng ký một số môn chung và dành thời gian 3 tháng để ôn thi lại. Khi có kết quả, Tiến mới báo với gia đình.
"Mình còn nhớ rõ năm của mình, trường công bố điểm chuẩn là nửa đêm, lúc đó mình mừng lắm. Người đầu tiên mà mình gọi điện báo tin mừng là một người bạn đồng hành cùng với mình trong đợt thi lại đó", Tiến kể.
Nam sinh này chia sẻ bí quyết để đạt được điểm cao ở các môn, đó là nhờ một người bạn cùng lớp truyền cảm hứng học tập chuyên cần, ghi chú cẩn thận. Tiến quyết tâm học hành nghiêm túc, chú ý nghe giảng, ghi chép đầy đủ. Đối với các bài tập, Tiến luôn hoàn thành trước thời hạn để có thời gian chỉnh sửa, xem lại, không để "sát nút" mới bắt đầu làm. Mỗi môn học, Tiến và bạn thường đến lớp sớm, chọn ngồi bàn đầu, hăng hái phát biểu để đạt điểm cao.
Ngoài ra, với đặc thù của giáo dục tiểu học là tiếp xúc với học sinh từ sớm, nam sinh này cũng tham gia các hoạt động Đoàn - Hội khi có thể để làm quen, rèn luyện thêm kỹ năng.
Bắt đầu hành trình làm nghề
Kỷ niệm đáng nhớ nhất với Tiến chính là kỳ thực tập cuối cùng trước khi ra trường. Tại trường Tiểu học Lam Sơn (Quận 6 cũ), ngày đầu đến trường, Tiến và các bạn được giao chuẩn bị bài giảng cho ngày hôm sau. Tiến đã mất cả buổi để chuẩn bị, hôm sau đứng lớp, giáo viên hướng dẫn dự giờ. Hôm đó, Tiến vừa giảng bài vừa lo nên nói vấp liên tục.
Những ngày sau đó, áp lực càng tăng khi số lượng bài giảng được yêu cầu chuẩn bị nhiều hơn so với những bạn thực tập ở nơi khác. Ngoài ra, các bạn còn tham gia tổ chức các hoạt động phong trào cho học sinh tại trường, Tiến và các bạn vẫn cố gắng hoàn thành đúng yêu cầu.
Những tuần đầu, Tiến cảm thấy rất áp lực, mỗi ngày đều ghi vào tờ giấy đếm ngược đến ngày kết thúc kỳ thực tập. Nhưng đến những tuần cuối, khi cô trò nói chuyện thoải mái hơn, công việc quen hơn thì Tiến không còn cảm giác đó nữa. Từ cảm giác nản ban đầu, càng ngày việc soạn bài, đứng lớp trở thành thói quen, Tiến dần đã quen và làm nhanh hơn.
"Từ người đứng lớp lúc đầu không ổn, đến những tuần cuối mình nghĩ mình đã làm tốt hơn, thậm chí được cô khen. Lúc đó mình nghĩ mình đã thực sự thay đổi so với ban đầu", Tiến cho biết thêm.

Thậm chí sau này, cô hướng dẫn còn chụp hình gửi lại những thành tích của học sinh, trong đó có sự đóng góp của các bạn trong quá trình thực tập.
Thầy Lê Chân Đức, giảng viên trường Đại học Sư phạm TP.HCM, từng giảng dạy Tiến một số học phần và hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho nhóm của bạn cho biết, Tiến là người cầu tiến, cầu thị, có khả năng tự học rất tốt. Đồng thời trong nghiên cứu khoa học, Tiến cũng rất chủ động so với các bạn trong nhóm. Thầy Đức cũng động viên để Tiến tiếp tục học lên cao học.
"Có lần sau khi sửa bài cho tất cả các bạn trong lớp, bạn tự nguyện nói sẽ đánh máy lại cho cả lớp để làm tài liệu tham khảo cho dễ. Bạn có khả năng công nghệ rất tốt, làm nghiên cứu cũng tốt", thầy Đức kể.
Lâm Tiến cho biết có dự định học lên cao học, nhưng hiện tại sẽ tập trung đi dạy để có thêm kinh nghiệm, nhất là với một giáo viên tiểu học, ngoài việc hướng dẫn, giảng dạy cho học sinh, còn phải trao đổi, làm việc với phụ huynh. Điều này cần nhiều trải nghiệm thực tế để tích lũy kinh nghiệm.
Tiến chia sẻ thêm, sắp tới sẽ nhận công tác tại một trường tư thục trên địa bàn TP.HCM. "Kim chỉ nam đối với mình chính là phải làm như thế nào để học sinh vừa có kiến thức vừa rèn luyện nhân cách, giúp các em trở thành người có ích cho xã hội", Tiến nói.