"Chuyển đổi số khu vực công là kiến tạo hệ sinh thái số cho toàn xã hội"
VOV.VN - Theo phân tích từ phương diện kinh tế học, PGS. TS Ngô Trí Long cho rằng, chuyển đổi số khu vực công không chỉ là lựa chọn kỹ thuật mà là quyết định chiến lược, mang tính chất cải cách mô hình quản trị và nâng cao năng lực kiến tạo thị trường của Nhà nước.
Chuyển đổi số khu vực công sẽ khó tạo ra đột phá thực chất nếu chỉ được nhìn nhận như một nhiệm vụ công nghệ đơn thuần. Thực tiễn trong và ngoài nước đã chứng minh: chỉ khi chuyển đổi số được tích hợp vào quá trình cải cách kinh tế - thể chế, được đo lường bằng hiệu quả phân bổ nguồn lực, năng suất khu vực công và tác động lan tỏa tới thị trường, thì mới có thể phát huy vai trò là một "nền tảng tăng trưởng mới". Đây cũng chính là tinh thần cốt lõi mà Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác lập, để chuyển đổi số không chỉ là mục tiêu, mà còn là phương thức để đổi mới mô hình phát triển quốc gia.
Với tinh thần này, sáng 17/7, Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã tổ chức Diễn đàn “Chuyển đổi số khu vực công - Tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội”, với sự tham dự của khoảng 200 đại biểu là đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, cùng đại diện các doanh nghiệp Nhà nước...

Chuyển đổi số khu vực công dưới góc nhìn kinh tế
Tham dự diễn đàn, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long đã có những nhận định cụ thể về chuyển đổi số trong khu vực công. Theo ông Long, việc thúc đẩy số hóa không còn là xu hướng công nghệ đơn thuần, mà trở thành điều kiện tiên quyết để Nhà nước chuyển từ mô hình quản lý hành chính sang mô hình điều hành phát triển. Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 10/6/2024 của Bộ Chính trị được ban hành đúng vào thời điểm chuyển tiếp có tính bản lề của nền kinh tế Việt Nam khi đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ và chuyển đổi số không chỉ là phương tiện hỗ trợ mà đã trở thành động lực chính của tăng trưởng.
Với định hướng đột phá thể chế cho phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Nghị quyết 57 không chỉ đặt ra những mục tiêu dài hạn, mà còn định vị lại vai trò của khu vực công trong hệ sinh thái số quốc gia.
Tuy nhiên, chuyển đổi số khu vực công không đơn thuần là bài toán công nghệ hay kỹ thuật hạ tầng. Thực chất, đây là vấn đề kinh tế - tổ chức ở cấp quốc gia, liên quan trực tiếp đến hiệu quả phân bổ ngân sách, năng suất vận hành của bộ máy hành chính và đặc biệt là năng lực kiến tạo và điều tiết thị trường của Nhà nước.
Theo phân tích từ phương diện kinh tế học, PGS. TS Ngô Trí Long cho rằng, chuyển đổi số khu vực công không chỉ là lựa chọn kỹ thuật mà là quyết định chiến lược, mang tính chất cải cách mô hình quản trị và nâng cao năng lực kiến tạo thị trường của Nhà nước. Với vai trò dẫn dắt về thể chế, hạ tầng và đổi mới, khu vực công chính là động lực chính trong việc kiến tạo hệ sinh thái kinh tế số toàn diện.
"Để thành công, chuyển đổi số khu vực công cần được tiếp cận từ góc nhìn kinh tế - chính sách, lấy hiệu quả phân bổ nguồn lực công và gia tăng năng suất toàn xã hội làm mục tiêu cuối cùng. Đây là một tiến trình không thể đảo ngược và cần tiếp tục được đẩy mạnh trong giai đoạn 2025-2030 như một trụ cột của tăng trưởng bền vững và đổi mới quốc gia", ông Long nói.
Cũng theo chuyên gia kinh tế này, phạm vi chuyển đổi số khu vực công bao trùm 3 cấp độ. Cụ thể, Chính phủ số là trụ cột chính trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia, bao gồm số hóa các dịch vụ công, quản trị dữ liệu mở, hạ tầng số dùng chung và liên thông hệ thống hành chính các cấp; Quản trị số là quá trình thiết kế lại cơ chế, quy trình ra quyết định, phân bổ nguồn lực công dựa trên dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa; Hạ tầng thể chế số bao gồm hành lang pháp lý, khung chính sách số, tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo mật thông tin, định danh số, cơ chế chia sẻ dữ liệu.

Theo chuyên gia, Nhà nước cần giữ vai trò dẫn dắt kiến tạo - không chỉ là người cung cấp dịch vụ. Khu vực công không chỉ chuyển đổi nội bộ mà còn kiến tạo hệ sinh thái số cho toàn xã hội.
"Chuyển đổi số khu vực công mang lại hiệu quả đo đếm, nâng cao năng suất, cải thiện phản ứng chính sách và môi trường kinh doanh. Việt Nam đang đi đúng hướng, nhưng cần: Duy trì đầu tư bền vững cho dữ liệu và nhân lực; Mở rộng AI vào hành chính để nhân đôi lợi ích từ tiết kiệm nhân lực; Xây dựng kiến trúc mở dữ liệu, tiêu chuẩn quốc tế để hỗ trợ tư nhân và minh bạch hơn. Đây là cuộc cách mạng kinh tế cộng đồng trong nền kinh tế số, từ đó nâng cao chất lượng governance, phục vụ người dân và tạo đà cho tư nhân phát triển bền vững", tham luận của PGS. TS Ngô Trí Long nêu rõ.
Dễ dàng gia nhập các nền tảng toàn cầu và thu hút đầu tư
Tại diễn đàn, các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách đều nhất trí rằng, chuyển đổi số trong khu vực công đang nổi lên như một trụ cột chiến lược trong tiến trình cải cách thể chế quốc gia, nhất là trong bối cảnh yêu cầu nâng cao năng lực quản trị, hiện đại hóa nền hành chính và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực công.
Việc thúc đẩy số hóa không còn là xu hướng công nghệ đơn thuần, mà trở thành điều kiện tiên quyết để Nhà nước chuyển từ mô hình quản lý hành chính sang mô hình điều hành phát triển.
Trong tham tham luận trình bày tại diễn đàn, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa - Phó Viện Trưởng Viện Trí Việt IVM - VUSTA (Bộ Khoa học và Công nghệ), Chủ tịch VDIC, Trung tâm Thông tin Truyền thông số Việt Nam của Hội Truyền Thông Số (VDCA) đã dẫn chứng thành công từ các mô hình tại Estonia, Singapore, và Hàn Quốc, để Việt Nam có thể xây dựng một hệ thống chính phủ số hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm, đồng thời đảm bảo tính minh bạch và an toàn trong quản lý Nhà nước.

“Thực hiện chuyển đổi số để cải thiện được chất lượng dịch vụ công trực tuyến và cung cấp các dịch vụ công ở mức độ 3 và 4 (theo mô hình của Việt Nam), sẽ giúp người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi. Từ đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép xây dựng, đến nộp thuế trực tuyến... Tiến trình tiếp theo của chuyển đổi số sẽ là hướng tới cá nhân hóa dịch vụ, với dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) có thể được sử dụng để phân tích nhu cầu của người dân, từ đó cung cấp dịch vụ phù hợp hơn, như gợi ý chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dựa trên dữ liệu kinh tế”, ông Hòa nói.
Theo các chuyên gia, câu chuyện về lợi ích lâu dài và chặng đường xa hơn của chuyển đổi số chính là việc phân tích dữ liệu lớn từ các cơ quan nhà nước có thể hỗ trợ dự báo và hoạch định chính sách, như dự báo nhu cầu y tế hoặc quy hoạch đô thị. Đồng thời, giúp các cơ quan nhà nước dễ dàng tham gia vào các nền tảng toàn cầu, học hỏi kinh nghiệm và thu hút đầu tư.
Cũng trong tham luận của mình, Phó Viện Trưởng Viện Trí Việt Nguyễn Thái Hòa cũng dẫn chứng thành công từ các mô hình tại nước ngoài để Việt Nam có thể xây dựng một hệ thống chính phủ số hiệu quả. Trong đó, với mô hình chính phủ điện tử tiên tiến, Việt Nam có thể học hỏi cách xây dựng một nền tảng dữ liệu quốc gia liên thông, đảm bảo an ninh mạng và bảo mật thông tin. Và việc triển khai căn cước công dân gắn chip và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là bước đi đúng hướng.
Các nhà tài trợ đồng hành cùng Diễn đàn “Chuyển đổi số khu vực công - Tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội”:
Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng quốc gia Việt Nam (PVN); Tổng công ty Khí Việt Nam – Công ty cổ phần (PV GAS); Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – Công ty Cổ phần (PVFCCo); Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling); Tổng công ty Dầu Việt Nam – Công ty cổ phần (PVOIL); Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank); Công ty Cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex.