Các nhà khoa học hiến kế chiến lược phát triển Bình Dương
VOV.VN - Ngày 23/2, Bình Dương tổ chức “Hội thảo khoa học định hướng chiến lược quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Hội thảo có sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học đến từ các trường đại học trên cả nước.
Năm 2021, Bình Dương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nhưng tăng trưởng tổng sản phẩm của tỉnh vẫn đạt mức dương 2,62%. Đây là mức tăng trưởng tích cực nhất trong tứ giác kinh tế phía Nam; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đạt kết quả khả quan, năm 2021 đạt 2,7 tỷ USD. Như vậy, lũy kế đến nay đã thu hút được 37,7 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước sau TP.HCM. Tuy nhiên, Bình Dương cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có “bẫy” thu nhập trung bình để chuyển mình trở thành địa phương có thu nhập cao.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Phạm Tuấn Anh – Giám đốc phát triển công nghệ Tổng Công ty Becamex IDC cho biết, trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương phải vượt qua được bẫy thu nhập trung bình theo chiến lược 6 trụ cột gồm: tránh bẫy phát triển gián đoạn thông qua phát triển có tính kế thừa; tránh bẫy năng suất thông qua phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo; tránh bẫy đô thị hóa thông qua phát triển tích hợp; tránh bẫy môi trường sinh thái thông qua phát triển bền vững; tránh bẫy phụ thuộc thông qua Phát triển đa phương; tránh bẫy bất bình đẳng thông qua phát triển đồng đều.
Đề xuất phương pháp cho quy hoạch tỉnh Bình Dương, PGS.TS. Nguyễn Hồng Thục - Viện Nghiên cứu Định cư, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, tỉnh cần lồng ghép các quy hoạch chuyên ngành để thực hiện quy hoạch được linh hoạt hơn. Bình Dương có nhiều lợi thế để phát triển hạ tầng giao thông, công nghiệp, trong đó, vị trí địa lý đóng vai trò vô cùng quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Theo TS Thục, có 6 trụ cột và mục tiêu phát triển mà quy hoạch tỉnh Bình Dương cần quan tâm là phát triển kế thừa; phát triển đổi mới sáng tạo; phát triển tích hợp; phát triển xanh; phát triển mở và phát triển tổng thể…
Còn TS. Nguyễn Ngọc Hiếu - Đại học Việt Đức thì cho rằng, Bình Dương cần sáng tạo giá trị mới; xây dựng hệ sinh thái sản phẩm công nghiệp, hệ sinh thái nhóm ngành dịch vụ chủ lực. Đồng thời tiếp cận chuyển đổi không gian vùng, chuyển đổi đi lại trong cấu trúc không gian mới, công nghệ mới, nhu cầu mới; chuyển đổi sản xuất, dịch vụ sáng tạo...
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh Ủy đánh giá cao sự đóng góp của các Nhà khoa học, qua đó nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của việc lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để đảm bảo phát huy được vai trò, vị thế của Bình Dương luôn là một trong những địa phương phát triển năng động nhất của khu vực phía Nam và cả nước. Xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển thịnh vượng; đô thị văn minh, giàu đẹp, thông minh. Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành tiếp tục thảo luận, nghiên cứu, cùng các chuyên gia tích cực tham gia hoàn thiện Bản quy hoạch và phải đảm bảo sự tương thích, tính thống nhất, liên kết, đồng bộ với quy hoạch cấp vùng, đồng thời, phải đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực; các địa phương trong tỉnh; vừa đáp ứng các nhu cầu trong hiện tại, vừa tạo nền tảng phát triển cho các thời kỳ tiếp theo./.