Ai bảo vệ quyền riêng tư của bệnh nhân?
VOV.VN - Như VOV Giao thông từng đề cập, quyền riêng tư của bệnh nhân đang bị xem nhẹ khi hình ảnh người bệnh vô tư xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.
Thậm chí, thời gian gần đây, nhiều bác sĩ còn thản nhiên đăng ảnh, video, livestream quá trình thăm khám, điều trị, buộc người đứng đầu Sở Y tế TP.HCM phải lên tiếng. Ai bảo vệ người bệnh khi quyền riêng tư trở thành nội dung câu view?

"Chào tất cả các bạn. Đây là bác Bời và bác Dung ở Cà Mau… Bác bị thoái hóa, gai trượt đốt sống và thoát vị đĩa đệm chèn ép, gây đau lưng xuống mông và tê hai chân… Sau một thời gian điều trị đã giảm được 70%…" - Đó là nội dung một đoạn video trên TikTok, bác sĩ chia sẻ cụ thể về quá trình điều trị cho bệnh nhân, mà ở đó, hình ảnh hai người bệnh được hiện lên rõ nét với dáng vẻ gầy gò, mệt mỏi.
Đáng buồn thay, những video gắn mác “y khoa” như vậy xuất hiện nhan nhản trên các nền tảng mạng xã hội, thu hút đông đảo lượt xem và bình luận.
Thậm chí, một tài khoản TikTok giới thiệu là bác sĩ sản phụ khoa với hơn 1 triệu lượt theo dõi, thường xuyên đăng video về quá trình khám sức khỏe sinh sản, dù đã che mặt bệnh nhân nhưng âm thanh vẫn được giữ nguyên.
Nội dung chủ yếu là những phụ nữ khó có con vì bị đa nang, ít trứng hoặc không có trứng, không có kinh,… Với nam giới thì không có tinh trùng hay tinh trùng yếu.

Về phía người dùng mạng xã hội, dù có hiếu kỳ hay không nhưng phần đông đều không ủng hộ việc lấy bệnh nhân làm “content” (sáng tạo nội dung):
"Video bác sĩ đăng lên thực ra mục đích là để quảng bá hình ảnh. Cái đấy nên hỏi ý kiến của bệnh nhân trước. Có thể bước đầu là nhắc nhở, cố tình vi phạm thì xử lý kỷ luật".
"Bác sĩ nên tập trung vào khám, chữa bệnh. Việc bác sĩ quay phim hay livestream, thứ nhất là làm xao nhãng quá trình làm việc, thứ hai là mất quyền riêng tư. Bệnh thì cũng có nhiều loại bệnh, có những bệnh tế nhị mà bị công khai thì sẽ không hay".
"Mọi người đang tập trung chăm sóc người nhà mà lan truyền những hình ảnh không được đẹp trong hoàn cảnh như thếcàng gây ra tâm lý nặng nề cho người thân và cả bệnh nhân. Thứ nhất là ra quy định, thứ hai tăng cường camera trong phòng bệnh, giám sát việc quay chụp lén".
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Công ty luật Hồng Bách và Cộng sự cho biết, quyền bí mật đời tư cá nhân được pháp luật bảo vệ với nhiều quy định từ Hiến pháp, Bộ luật Dân sự đến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, như Nghị định 13 năm 2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Đặc biệt là trong lĩnh vực y tế với các quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, Nghị định 117 năm 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó, người hành nghề có nghĩa vụ giữ bí mật tình trạng của người bệnh, những thông tin người bệnh cung cấp và hồ sơ bệnh án, trừ trường hợp người bệnh đồng ý chia sẻ thông tin.
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Bách, những trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự tùy theo mức độ nghiêm trọng:
"Các trường đại học cũng đã giảng dạy cho các bác sĩ về nguyên lý và quy tắc đạo đức ứng xử khi hành nghề. Nếu người bệnh không hiểu biết, mà bác sĩ lại “lách” vào sự không hiểu biết đó để cho rằng “đã xin phép” thì tôi cho rằng không nên.
Bởi vì rất có thể gia đình họ, công việc cơ quan họ sẽ bị ảnh hưởng. Họ không lường trước được và sau này sẽ xảy ra tranh cãi. Các cơ quan quản lý, từ Sở Y tế đến UBND các cấp cần phải tăng cường công tác hậu kiểm tra khi cấp phép hành nghề.
Và đặc biệt là vai trò ngành dọc của Bộ Y tế, phải có những chỉ đạo xuống địa phương, xuống các bệnh viện, xuống các đơn vị quản lý cấp phép để ngăn chặn các hành vi vi phạm, tránh trường hợp vi phạm nhiều đến mức độ nghiêm trọng".
Đồng tình quan điểm này, Bác sĩ, Luật gia Trịnh Thị Lê Trâm, Nguyên Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, hệ thống pháp luật khám bệnh, chữa bệnh đã rất đầy đủ, vấn đề là quản lý và thực thi sao cho hiệu quả:
"Bộ Y tế quản lý hành nghề khám, chữa bệnh chung cả nước, còn sở y tế các tỉnh thì giúp UBND các tỉnh thực hiện chức năng này trong phạm vi địa phương. Thứ nhất là vấn đề về giáo dục truyền thông, làm sao để cho người hành nghề biết được quyền của mình.
Nhưng cái chính là người bệnh cũng phải biết của họ được quyền đến đâu. Còn đối với Thanh tra Bộ, Thanh tra y tế của các sở y tế, nếu thấy có hiện tượng vi phạm quyền của người bệnh thì phải xử lý vi phạm, vi phạm về Luật khám bệnh, chữa bệnh hay vi phạm về vấn đề quảng cáo…"
Về giải pháp truyền thông, Nhà báo Nguyễn Trường Uy, Phó tổng Thư ký tòa soạn, Báo Tuổi Trẻ TP.HCM cho rằng, các phương tiện thông tin đại chúng cần đẩy mạnh tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của từng chủ thể trong việc bảo vệ quyền riêng tư của người bệnh, bao gồm: người hành nghề khám, chữa bệnh, bệnh nhân và cả những người đăng tải thông tin về người bệnh:
"Vấn đề ở đây không chỉ là câu chuyện thực thi luật, mà còn là vấn đề đạo đức. Nghề y luôn được xem là một nghề y đức. Sức khỏe của bệnh nhân đang nằm trong tay bác sĩ, khiến bệnh nhân khó từ chối các yêu cầu hay gợi ý của bác sĩ. Việc nói suông rằng đã xin phép bệnh nhân là không đủ, việc người bệnh đồng ý chia sẻ hình ảnh riêng tư của họ phải được thể hiện rõ bằng văn bản.
Không thể để một tình trạng dễ dãi và không có luật lệ như thời gian qua tiếp diễn. Đã có cơ quan chức năng cảnh báo, giải quyết và yêu cầu xử lý các trường hợp vi phạm. Các bác sĩ, nhân viên y tế nên nhìn vào đó để thấy rõ điều này và điều chỉnh cho đúng".

Câu chuyện quyền riêng tư của bệnh nhân bị xâm phạm không còn xa lạ. Khi điện thoại trở thành công cụ ghi hình dễ dàng, khi phần đông người dùng mạng xã hội thích tin tức giật gân thì ranh giới giữa chia sẻ chuyên môn và xâm phạm đời tư càng trở nên mờ nhạt.
Dưới góc nhìn của VOV Giao thông, trong một xã hội văn minh, tôn trọng quyền riêng tư không phải là lựa chọn mà là nguyên tắc đạo đức tối thiểu. Và trong môi trường y tế, nơi con người tìm đến để được chữa lành, thì sự tôn trọng đó càng phải được đặt lên hàng đầu.