100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam: “Đài phát thanh thật kỳ diệu”
VOV.VN - Đài là hợp chất gắn kết niềm tin giữa Đảng với Nhân dân như bê tông-cốt thép, là ngọn lửa giữa đêm đông nung sôi bầu nhiệt huyết hằng triệu trái tim yêu nước; là ánh mặt trời chân lý đem lại mùa xuân của hạnh phúc con người và tô thắm màu cờ của nhận thức, lý tưởng với biết bao thế hệ người Việt Nam.
Cách đây 70 năm (1955), khi Mỹ - Ngụy thực hiện chiến dịch Thoại Ngọc Hầu đánh vào U Minh, tỉnh Cà Mau, lần đầu tiên tôi mới thấy chiếc Rađio và mãi đến 4 năm sau, khi còn học sinh ở thị xã Cà Mau, tôi mới được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN), phát thanh từ thủ đô Hà Nội.
Radio đến với tôi
Thiêng liêng lắm! Mỗi lần lén nghe, hai ba anh em phải chung vào mùng, trùm mền kín mít vì sợ bọn mật thám. Mồ hôi ướt đẫm mà cứ ráng nghe. Lời ca êm ái, ngọt ngào cứ tha thiết bên tai khi 2 miền Bắc - Nam còn chia cắt: “Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về. Mắt đượm tình quê, đôi mắt đượm tình quê…”.

Năm 1961, khi vào làng rừng Khánh An công tác, anh Hai Lục, Chánh văn phòng Xã ủy, người duy nhất được phân công giữ chiếc rađio, vào khoảng hơn 17 giờ mỗi ngày, anh mới mở máy để mọi người cùng ngồi chung quanh lắng nghe. Ai nấy đều chăm chú như nuốt từng lời. Muỗi cắn cũng không dám đập mạnh. Quý giá vô cùng!
Suốt thời chống Mỹ, giữa đêm khuya, trên đường công tác được nghe đài là niềm hạnh phúc vô hạn, nhất là lúc chèo xuồng giữa rừng U Minh lạnh lẽo nghe các chị Châu Loan, Trần Thị Tuyết ngâm thơ, nghe ca sĩ Quốc Hương ngân vang khúc hát 307…
Khi đế quốc Mỹ trực tiếp đưa quân xâm lược Việt Nam, ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi nhân dân cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!” Lời kêu gọi vang dội núi sông của Bác như hồi kèn xung trận thúc giục hằng vạn thanh niên lên đường chiến đấu.
Nhờ Đài TNVN, dù ở nơi tận cùng Tổ quốc, nhân dân Cà Mau vẫn biết rằng qua các trận Núi Thành, Vạn Tường, Bầu Bàng,… quân dân niền Nam đã làm cho quân Mỹ thất điên, bát đảo. Cuộc chiến tranh Cục bộ càng ác liệt, quân dân ta càng vững vàng chiến đấu, không sợ hy sinh, gian khổ.
Tháng 9/1969, vừa nghe tin Bác Hồ từ trần mọi người đều khóc! Mấy ngày sau được nghe Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Đài TNVN và Đài phát thanh Giải phóng, mọi người như bừng tĩnh cơn mê.

Trong lúc vận nước như nghìn cân treo sợi tóc, mưa bom, bão đạn của quân thù ngày đêm xối xả, Bác Hồ vẫn khẳng định: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn!” Niềm tin vào thắng lợi cuối cùng thúc giục toàn dân xông lên quyết tiêu diệt thật nhiều giặc để báo đền công ơn trời biển của Bác.
Trên ngực áo mỗi người, bên cạnh băng tang là tấm phù hiệu viết bằng màu máu“Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Chỉ trong mấy tháng, nơi vùng đất cực Nam Tổ quốc đã xây dựng hằng chục ngôi đền để thờ Bác Hồ. Bác đã kêu gọi:“Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi!” Lời kêu gọi ngày 3 tháng 11 năm 1968 của Bác tiếp tục ngân vang trong lời bài hát “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” của nhạc sĩ Huy Thục, trên rađio. Niềm tin chiến thắng của chúng tôi không chỉ được viết tiếp mà còn được củng cố.
Chúng tôi làm phát thanh
Ngày 19/8/1977, tôi được điều về phụ trách biên tập tại Đài Phát thanh Minh Hải, nay là Cà Mau, Bạc Liêu. Còn gì vui sướng hơn! Nhớ ngày nào ôm chiếc radio vào lòng như ôm báu vật, bây giờ được trực tiếp làm công tác này với tất cả sự mới mẻ, ngỡ ngàng. Đội ngũ chúng tôi ngày càng đông, toàn “tân binh”, không biết viết tin, viết bài, ghi âm, phỏng vấn, cấu tạo chương trình, biến chữ viết thành tín hiệu âm thanh là gì… Mọi thứ đều như trên trời rơi xuống! Cũng may là “Trời sanh voi - sanh cỏ”, vừa học, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để nghề dạy nghề nên “khó khăn nào cũng vượt qua”.
Bây giờ tôi vẫn nhớ nhiều anh chị em phóng viên ở đài. Họ rất tận tụy, hăng say, không ngại gian khổ, khó khăn. Đỗ Thanh Xuân Thùy Mai, lúc mới vào đài mới 15 tuổi, gia đình qúa nghèo, không đủ tiền để tiếp tục đến trường. Phụ trách chương trình thiếu nhi không hề đơn giản nhưng đây là một trong những nội dung được nhiều người khen ngợi.

Ngay sau cơn bão số 5 (có tên Linda, 2/11/1997, đã có gần 3.000 người chết và mất tích), Thùy Mai một mình ra bãi biển Khánh Hội, huyện U Minh chứng kiến hằng nghìn chị em tìm chồng, tìm con mất tích! Còn sống hay đã chết? Thi thể từ biển đưa về rất nhiều nhưng tất cả đều dị dạng vì nắng mưa. Mai không nỡ rời, khi các chị còn đứng ngóng biển khơi mỗi ngày mà không hề thấy bóng người thân! Tâm trạng đó, nỗi đau đó cũng là của tất cả anh chị em đang công tác ở Đài PT-TH Minh Hải. Cùng với Mai còn có Nghĩa, Sấy, Chói và nhiều anh chị em ở Báo Đất Mũi. “Đau thương trên đất Cà Mau” được báo chí trong tỉnh nói chung, những người làm phát thanh như chúng tôi nói riêng lan tỏa.
Ngay sau đó, rất nhiều đoàn cứu trợ đến với Cà Mau. Một bà cụ dù tay chống gậy vẫn theo đoàn cứu trợ đến Đất Mũi, nơi có nhiều nạn nhân đau khổ nhất! Một đoàn Bác sĩ người Việt từ Mỹ về, mang thuốc men đến khám và trị bệnh cho đồng bào tại Khánh Hội, huyện U Minh… Vui hay buồn, hạnh phúc hay đau thương của đồng bào, của quê hương, những người làm phát thanh chúng tôi chưa bao giờ đứng ngoài cuộc và cũng không bao giờ phai mờ trong ký ức, dù đã trải qua nhiều năm tháng.
Quá trình tìm hiểu và nghiên cứu thực tế, tôi nhận thức rằng, nhờ Báo - Đài tác động mà con người, ngày càng lớn lên “như chàng Phù Đổng”. Nhân loại từ thời đại này sang thời đại khác đều tập trung đầu tư không nhỏ cho lĩnh vực này. Đầu tư để khai sáng trí tuệ là loại đầu tư “một lãi một trăm”. Loài người nhờ vậy đã cất cánh vào vũ trụ, bỏ lại phía sau lạc hậu, thắp kém, không còn cúi đầu trước thế lực thần quyền, không còn khom lưng trước tự nhiên, trước những đấng vô biên muôn đời, muôn kiếp.
Vận hội mới - làm báo kiểu mới
Hiện nay cả nước đang băng mình trước vận hội mới. Báo - Đài phải tự lột xác thành những đàn bướm đa sắc màu dưới ánh bình minh rực rỡ. Ngày xưa mỗi chương trình lên sóng, mỗi tin, bài đăng, phát đều phải được “duyệt”, ngày nay một chút chậm chạp dù dưới bất cứ trường hợp nào cũng đều bị bỏ lại phía sau.
Thời đại 4.0, kỹ thuật số, AI… đang thách thức chúng ta; đang cố tình đẩy lùi chúng ta về phía sau, biến chúng ta thành những kẻ tụt hậu mà không phải ai cũng kịp nhận ra. Mỗi phóng viên bây giờ phải là một biên tập, một giám đốc, một tổng biên tập. Phải tự mình kiểm duyệt cho riêng mình và cho tập thể. Phải tự chịu trách nhiệm trước công chúng. Mọi dễ dãi, sơ lược đều không còn chỗ đứng.

Mỗi phóng viên, nhà báo là một chiếc rễ, âm thầm chui sâu vào lòng đất dù đầy dưỡng chất hay thiếu phì nhiêu cũng có thể là vũng bùn hôi… thì hãy làm sao cho cây đời đơm hoa, kết trái. Hoa thơm, trái ngọt dâng tặng cho non sông, đất nước là công lao thầm lặng của đội ngũ phóng viên, nhà báo.
Sức mạnh vô hình của phát thanh, trung ương cũng như địa phương như sức mạnh của “tiếng tơ đồng”, bởi vì, nếu không có sức mạnh kỳ diệu ấy trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, nhân dân ta không thể chiến đấu và chiến thắng; cuộc sống trong độc lập, tự do không thể phát triển, không thể vươn lên, không thể tiến xa trên con đường chinh phục thiên nhiên, chinh phục vũ trụ hôm nay và mai sau!
Hiện nay chúng ta đang trong “Kỷ nguyên vươn mình”, đó là sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, đạt được những thành tựu vĩ đại.
Sau 30/4/2025 đến nay, cả nước háo hức bước vào trang sử mới. Mọi người nhộn nhịp, luận bàn, chuẩn bị cho những ngày vui mà chưa thể lường hết thuận lợi, khó khăn ra sao.
Đài phát thanh Cà Mau trải qua quá khứ có thể cho chúng ta nhiều bài học giá trị về sứ mệnh lịch sử của mình, về những gì còn chưa làm được, về những thách thức phải tiếp tục trải qua. Đã là một binh chủng có tác dụng mạnh mẽ trong sự nghiệp phát triển quê hương, đất nước, chúng ta càng ý thức nhiều hơn trách nhiệm của mình.
Hào khí 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước lại quay về! Không phải chỉ có những người làm báo, làm đài, tất cả dân tộc ta đang chào đón những ngày mới, chào đón niềm vui mới. Quá khứ đã khẳng định vai trò, vị trí của báo chí nói chung, ngành phát thanh nói riêng đối với sự phát triển của đất nước và hiện tại đang vẫy gọi chúng ta, hãy nỗ lực nhiều hơn, cùng tiến tới những ngày hân hoan, vui sướng bằng sự quyết liệt nhất!