Phát huy truyền thống văn hóa xứ Quảng xây dựng TP.Đà Nẵng mới
VOV.VN - TP. Đà Nẵng (mới) có nhiều dư địa, lợi thế để phát triển. Đảng bộ thành phố mới phát huy truyền thống văn hóa xứ Quảng, tinh thần đoàn kết để xây dựng phát triển thành phố trong kỷ nguyên mới.
Sáng nay (28/6), tại tỉnh Quảng Nam, Ban Chỉ đạo sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên cán bộ lãnh đạo chủ chốt thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đối với dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội lần thứ XXIII Đảng bộ thành phố Đà Nẵng (mới), nhiệm kỳ 2025-2030. Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định, thành phố Đà Nẵng (mới) có nhiều dư địa, lợi thế để phát triển. Đảng bộ thành phố mới phát huy truyền thống văn hóa xứ Quảng, tinh thần đoàn kết để xây dựng phát triển thành phố trong kỷ nguyên mới.

Thực hiện Chỉ thị số 45 ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và các chủ trương, hướng dẫn của Trung ương, Ban Chỉ đạo sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo triển khai xây dựng các văn kiện trình Đại hội lần thứ XXIII Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2025-2030. Đến nay, cơ bản đã hoàn thành dự thảo Báo cáo chính trị (lần 3). Trong quá trình thực hiện, dự thảo Báo cáo chính trị đã được thảo luận, thông qua trong Ban Chỉ đạo, Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Đảng bộ 2 địa phương.
Để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng Báo cáo chính trị trình Đại hội, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Tỉnh ủy Quảng Nam, Ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến sâu rộng, nhất là những định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của thành phố Đà Nẵng (mới) trong nhiệm kỳ đến.

Hội nghị nhận được nhiều ý kiến góp ý tâm huyết, thiết thực của các đồng chí nguyên lãnh đạo chủ chốt thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, nhất là các nhiệm vụ đột phá chiến lược về xây dựng thể chế, phát triển nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng. Các ý kiến cho rằng, Dự thảo thể hiện được tầm nhìn chiến lược, tính kế thừa, đổi mới và tinh thần hội nhập, liên kết vùng, nhằm khai thác tối đa cơ hội do mở rộng không gian phát triển và các chính sách mà Trung ương đã cho Đà Nẵng. Trong đó, định hướng không gian phát triển theo 2 vùng (Vùng Đông và Vùng Tây); về 6 lĩnh vực mũi nhọn gắn với các động lực tăng trưởng thành phố mới. Tại hội nghị, các ý kiến đóng góp cụ thể về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và 3 đột phá phát triển đảm bảo cụ thể hóa và vận dụng sáng tạo các Nghị quyết chuyên đề quan trọng của Bộ Chính trị.

Ông Trần Thọ, Nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng mới cần khớp nối 2 đồ án quy hoạch của 2 địa phương trước đây. Sau khi hợp nhất, khu vực miền núi thành phố Đà Nẵng (mới) rất lớn, đời sống còn khó khăn. Hiện nay, nguồn lực đầu tư dành cho miền núi 34% thì rất khó vực dậy khu vực miền núi để đảm bảo mục tiêu cân bằng giữa miền núi và đồng bằng. Trong giai đoạn tới, cần tăng mức đầu tư cho khu vực miền núi lên gần 40%. Với lợi thế của thành phố Đà Nẵng mới hiện nay, thành phố cần đầu tư hình thành các loại đô thị như đô thị cảng biển, đô thị di sản, đô thị giáo dục, đô thị công nghiệp…
Ông Trần Thọ, Nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng rất quan tâm về đội ngũ cán bộ trong tình hình mới: “Cần tập trung công tác cán bộ. Đây là khâu cực kỳ quan trọng. Hiện nay, qua 2 lần tách nhập, lần tách ra thì dễ bố hơn, đa số cán bộ được đề bạt bố trí vào những vị trí mới. Lần này nhập vào, không ít cán bộ phải xin nghỉ trước tuổi. Theo quy định, sau 5 năm, số cán bộ tại cơ quan đơn vị phải trở về vị trí ổn định theo quy định của Chính phủ. Vậy trong 5 năm của nhiệm kỳ này, lớp cán bộ kế cận đang hăng hái phấn đấu để vào vị trí, cho nên công tác cán bộ hết sức chú ý, cần phải bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ. Đi đôi với cập nhật, bổ dưỡng kiến thức thì phải ưu tiên đầu tư nguồn lực để nâng cấp công nghệ thông tin thì mới đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính hiện nay”.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, Bộ Chính trị đã có các quyết định về thành lập Đảng bộ thành phố Đà Nẵng (mới) trên cơ sở hợp nhất 2 Đảng bộ thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam; Chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng (mới) gồm 74 người, Ban Thường vụ Thành ủy 23 người và 4 Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020-2025. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có Quyết định chỉ định lãnh đạo và các Ban của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng (mới). Chính phủ đã chỉ định Chủ tịch và các Phó chủ tịch UBND thành phố (mới). Theo đó, lãnh đạo chủ chốt của thành phố Đà Nẵng (mới) có Bí thư và 4 Phó Bí thư, định hướng sau đại hội sẽ bổ sung 01 Phó Bí thư là nguồn từ nhân sự cán bộ tỉnh Quảng Nam (cũ); Hội đồng nhân dân thành phố có Chủ tịch và 4 Phó chủ tịch; Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng có Chủ tịch và 8 Phó chủ tịch.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng (mới) sẽ có điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển, không gian được mở rộng gấp 10 lần. Đà Nẵng có diện tích lớn nhất trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương với hơn 3 triệu người. Đà Nẵng là thành phố duy nhất có 2 sân bay, 3 cảng biển và có hệ sinh thái về hạ tầng và phát triển du lịch và văn hóa hết sức đặc sắc.

Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng khẳng định, Đà Nẵng có điểm thuận lợi vì Trung ương ban hành cho Đà Nẵng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội. Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về việc thành lập Trung tâm Tài chính Quốc tế tại Việt Nam đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng. Mới đây, thành phố cũng công bố quyết định thành lập Khu Thương mại tự do. Trung ương cũng cho phép Đà Nẵng áp dụng cơ chế về tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc kéo dài nhiều năm thông qua Kết luận 77 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 170 của Quốc hội. Mới đây, Nghị quyết của Quốc hội cũng đã thống nhất cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố Đà Nẵng trước đây để áp dụng cho thành phố Đà Nẵng (mới) sau khi hợp nhất với tỉnh Quảng Nam. Đây là những điều kiện rất thuận lợi để Đà Nẵng mới tháo gỡ các tồn tại của các dự án và khơi thông các nguồn lực. Đây là một trong những yếu tố và điều kiện để thành phố phát triển, đặc biệt là phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới.

Sau khi hợp nhất với Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng (mới) đứng trước một thách thức lớn là tỷ lệ đô thị hóa thấp, diện tích vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa khá lớn. Ông Nguyễn Văn Quảng cho rằng, hiện nay, Trung ương đặt ra yêu cầu đối với Đà Nẵng là phải tăng trưởng 2 con số và phải đảm bảo các điều kiện về an sinh xã hội. Tổng Bí thư Tô Lâm khi làm việc với Ban Thường vụ 2 địa phương đã yêu cầu Đà Nẵng (mới) không chỉ là thành phố đáng sống mà phải có chất lượng sống cao. Đây là một thách thức rất lớn đối với thành phố Đà Nẵng (mới) và những yêu cầu của Trung ương đặt ra đối với thành phố phải được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2025-2030 và các nhiệm kỳ tiếp theo.
Ông Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh lợi thế mạnh nhất hiện nay khi 2 địa phương nhập lại là tinh thần đoàn kết. Thành phố Đà Nẵng (mới) có nhiều dư địa, lợi thế để phát triển. Đảng bộ thành phố mới phát huy truyền thống văn hóa xứ Quảng, tinh thần đoàn kết để xây dựng phát triển thành phố trong kỷ nguyên mới: “Chúng ta đã thấy rất nhiều các cơ hội mới, không gian mới, cơ chế mới nhưng vấn đề là chúng ta phải xây dựng được hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và đáp ứng được yêu cầu thực hiện trong tình hình mới. Một trong những yêu cầu đặt ra đó chính là xây dựng đội ngũ cán bộ và giữ gìn truyền thống đoàn kết để phát huy và thực hiện tốt các mục tiêu đề ra”.