Gắn biển Di tích lịch sử Trụ sở Báo Dân Chúng tại TP.HCM
VOV.VN - Trụ sở của Báo Dân Chúng, cơ quan ngôn luận của Đảng đấu tranh công khai với thực dân Pháp năm 1938 tại TP.HCM chính thức được gắn bẳng hiệu di tích lịch sử mới.
Chiều 18/6, tại địa chỉ só 43 Nguyễn Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP.HCM, Sở Văn hoá và Thể thao TP.HCM đã tổ chức Lễ ra mắt biển hiệu Di tích lịch sử cấp Quốc gia Trụ sở Báo Dân Chúng, đây cũng là trụ sở của Báo Le Peuple của Ðảng ta thời điểm đó. Bảng hiệu mới có gắn thêm mã QR đưa thêm thông tin chi tiết về hồ sơ xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia này.

Việc gắn biển hiệu Di tích nhằm gìn giữ giá trị lịch sử và tôn vinh đóng góp của các thế hệ nhà báo, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Báo Dân Chúng ra số đầu tiên vào ngày 22/7/1938, là một trong những tờ báo ra đời trước cách mạng tháng 8/1945 tại số 43 đường Hamelin, nay là số 43 Nguyễn Thị Hồng Gấm. Lúc đó, chủ trương của tờ báo này là lãnh đạo trong phong trào báo chí công khai của Đảng; là vũ khí sắc bén có sức cổ vũ và hỗ trợ đắc lực phong trào quần chúng đấu tranh đòi quyền tự do, dân chủ, cải thiện đời sống, chống phản động thuộc địa, chống Phát xít và chiến tranh, dẫn đến việc ra đời của Mặt trận Dân chủ Đông Dương.
Ngày 7/9/1939, thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa tờ báo, tịch thu toàn bộ tài sản, truy bắt Ban Biên tập.


Qua hơn một năm ra đời và tồn tại (từ tháng 7/1938 đến tháng 8/1939) với 80 số, báo Dân Chúng đã thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử là diễn đàn tuyên truyền Chủ nghĩa Mác-Lê nin, tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng, góp phần làm phong phú ngôn ngữ tiếng Việt, đóng góp những trang rực rỡ trong lịch sử Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Trụ sở Báo Dân Chúng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích Quốc gia ngày 16/11/1988.