Đặc sắc không gian triển lãm Văn hóa Phật giáo Việt Nam
VOV.VN - Không gian triển lãm “Văn hóa Phật giáo Việt Nam” tại Đại lễ Phật đản Liên Hiệp quốc - Vesak 2025 trưng bày 87 bảo vật, phiên bản bảo vật quốc gia của Phật giáo Việt Nam cùng những không gian di sản văn hóa Phật giáo đến họa đồ lịch sử Đức Phật.
Trưa 5/5, tại Học viện Phật giáo Việt Nam (huyện Bình Chánh, TP.HCM), Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khai mạc Không gian triển lãm “Văn hóa Phật giáo Việt Nam”, trong khuôn khổ Đại lễ Phật đản Liên Hiệp quốc - Vesak 2025.

Triển lãm lần đầu tiên trưng bày, giới thiệu 87 bảo vật, phiên bản bảo vật quốc gia của Phật giáo Việt Nam đến với Tăng ni, Phật tử và công chúng trong và ngoài nước. Đây là những bảo vật khắc ghi dấu ấn quan trọng các thời kỳ của Phật giáo Việt Nam trong tiến trình du nhập, hành thành và phát triển qua hơn 2.000 năm.

Bước chân vào khu vực triển lãm, người xem như bước vào một bảo tàng sống động. Đại chúng sẽ được chiêm ngưỡng các khu trưng bày đặc sắc trên các khía cạnh: ngôn ngữ, pháp phục, kiến trúc, di sản văn hóa Phật giáo đến họa đồ lịch sử Đức Phật và các không gian thiền trà, tranh hoạ vàng,…

Phát biểu khai mạc triển lãm, Hòa thượng Thích Hải Ấn - Uỷ viên Thường trực Hội đồng trị sự, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh: “Triển lãm là minh chứng sống động cho tinh thần Phật giáo Việt Nam, một nền văn hóa nhân văn, cởi mở, hòa nhập và đầy sáng tạo. Tất cả như hòa quyện vào nhau, cùng truyền tải một thông điệp đầy cảm hứng, Phật giáo là nhịp thở của văn hóa, là ánh sáng soi đường cho hòa bình, là nền tảng của phát triển và bền vững”.

Tham quan không gian trưng bày các tác phẩm điêu khắc những sự kiện quan trọng trong cuộc đời Đức Phật và hành trình lịch sử trang phục Phật giáo Việt Nam, chị Ngô Khương Diễm (ngụ huyện Đức Hoà, tỉnh Long An) chia sẻ rất tự hào về sự phát triển và lan toả của Phật giáo.

“Tôi rất vinh dự và tự hào khi được nhìn thấy những bảo vật quốc gia trong văn hóa Phật giáo Việt Nam và nước ngoài từ nguyên thủy cho đến hiện đại. Chiêm ngưỡng các hiện vật, tư liệu hình ảnh tại triển lãm, tôi thấy mình được bổ sung rất nhiều kiến thức về nền văn hóa Phật giáo. Ngoài ra, ở đây tôi cũng thấy có rất nhiều tượng Phật cổ được trưng bày để cho mọi người được chiêm bái thì thật tốt”, chị Diễm nói.

Triển lãm trưng bày nhiều hiện vật, cùng hệ thống hình ảnh, tư liệu liên quan đến Phật giáo đang được lưu giữ tại các bảo tàng, tự viện, di tích lớn trên cả nước. Mỗi bức tượng, mỗi tác phẩm thư pháp hay các bảo vật được trưng bày tại triển lãm không gian “Văn hoá Phật giáo Việt Nam” không chỉ là những hiện vật mà còn là câu chuyện, là tiếng vọng của ngàn năm lịch sử đạo Phật.