111111

Điện ảnh “ốc bươu vàng”

Trào lưu Việt hóa phim Hàn đang triệt tiêu sự sáng tạo của đội ngũ đạo diễn, biên kịch vì với cách làm dễ dãi này, họ không cần đầu tư quá nhiều tâm huyết, tư duy mà vẫn có tác phẩm

Hàng chục bộ phim truyền hình Hàn Quốc đã và đang được Việt hóa để phát sóng đang tạo ra một trào lưu “ăn sẵn” của các nhà làm phim truyền hình Việt Nam. Một hiện tượng đáng xấu hổ đối với các nhà sản xuất phim truyền hình, song nguy hiểm hơn, sự “ăn sẵn” này sẽ giết chết những động lực sáng tạo của các nghệ sĩ Việt Nam.

Công bằng mà nói, những bộ phim truyền hình Hàn Quốc được Việt hóa và đã phát sóng trong thời gian qua không quá tệ! Những bộ phim như Cô nàng bướng bỉnh, hay Ngôi nhà hạnh phúc, dù khá đơn giản, song dễ xem, và trên hết là chất lượng vẫn còn khá hơn so với nhiều bộ phim truyền hình thuần Việt. Dưới góc độ so sánh ấy, phim truyền hình Hàn Quốc không có lỗi khi có sức ảnh hưởng tới thị hiếu giải trí của khán giả Việt Nam.

Khi mà sự giao lưu văn hóa giữa các quốc gia ngày càng cởi mở hơn, chẳng có gì để ngăn cản công chúng tiếp cận với những sản phẩm văn hóa nhập khẩu. Điện ảnh, và văn hóa nói chung cũng chịu sự điều tiết của thị trường như bất cứ loại sản phẩm hàng hóa nào khác. Đó là sự công bằng. Tuy nhiên, ngoài yếu tố lợi nhuận, có một khuôn mặt khác của sự công bằng. Đó là sự công bằng trong việc thực hiện trách nhiệm cộng đồng.

Nếu như hàng loạt đài truyền hình đang phát sóng các bộ phim “lai Hàn” đều là đài truyền hình thương mại thuần túy, mà mục tiêu lợi nhuận là ưu tiên hàng đầu, thì sẽ chẳng có điều gì để phàn nàn về sự lựa chọn đó. Việc Việt hóa phim ngoại khiến nhà đài không phải đầu tư quá nhiều về nguồn phim, từ kinh phí, đến nhân lực sản xuất, trong khi vẫn đảm bảo tỷ lệ phim nội để phát sóng. Tuy nhiên, những bộ phim “lai Hàn” đều phát sóng trên các kênh truyền hình cộng đồng, do các cơ quan Nhà nước quản lý. Chức năng của các kênh truyền hình này là phục vụ nhu cầu giải trí lành mạnh của người dân, là cầu nối tuyên truyền giữa đảng, nhà nước và nhân dân, là phương tiện để phổ biến chuyển tải, giáo dục, định hướng thẩm mỹ, văn hóa của cộng đồng. Do đó, việc chạy theo trào lưu Việt hóa phim Hàn cần phải xem xét những yếu tố ngoài lợi nhuận.

Về mặt nội dung, có thể các bộ phim “lai Hàn” không phải là không tốt, song đó không phải cách tốt nhất để phản ánh hiện thực đời sống của người dân Việt Nam, không chuyển tải được một cách thực tiễn các thông điệp xã hội, và quan trọng hơn là tạo ra những giá trị văn hóa thẩm mỹ ngoại lai, không phù hợp.

Đối với cộng đồng thì phim “lai Hàn” không có giá trị cao, còn đối với chính các nhà sản xuất phim truyền hình Việt Nam, trào lưu Việt hóa phim Hàn đang triệt tiêu sự sáng tạo của đội ngũ đạo diễn, biên kịch vì với cách làm dễ dãi này, họ không cần đầu tư quá nhiều tâm huyết, tư duy mà vẫn có tác phẩm. Thậm chí, nếu bỏ công tạo ra những tác phẩm của riêng mình, họ cũng khó có thể cạnh tranh phát sóng khi mà nhà đài có thể mua được những bộ phim Việt, dù có nguồn gốc Hàn quốc với giá cả rẻ hơn.

Trở lại với yếu tố thị trường, sự giao lưu, hoặc nói thẳng là sự lai tạp trong quá trình giao lưu văn hóa là điều tất yếu xảy ra trong thời toàn cầu hóa. Điều đó cũng giống như con ốc bươu vàng, con rùa tai đỏ, hay con cá hổ Nam Mỹ... những loài động vật được nhập về do nhu cầu cá nhân của người dân. Những động vật ngoại lai đó nhanh chóng phổ biến trong môi trường Việt Nam bởi nhận thức hạn chế của cộng đồng, và sự kiểm soát lỏng lẻo của các cơ quan chức năng để trở thành thảm họa về môi trường. Những bộ phim “lai Hàn” cũng như vậy, được nuôi dưỡng tốt trong môi trường truyền hình ăn xổi đã nhanh chóng phát triển thành một trào lưu và di hại tới môi trường văn hóa.

Cũng giống như việc các loài động, thực vật ngoại lai như ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, hay cây trinh nữ gai… hủy hoại môi trường sống của các loài động thực vật bản địa, sự xâm lăng của văn hóa ngoại lai chắc chắn sẽ triệt tiêu sức sống của văn hóa bản địa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
90ph tv 90 tv mitom link bong da tv soi kèo hôm nay Đại lý bóng đá mitom keo ma cao