111111

Câu hát then giữa rừng đại ngàn

Đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, hàng ngày cụ bà Hoàng Thị Cứ, một nghệ nhân dân gian vẫn lặn lội đi đến các bản nghèo để tìm tòi, sưu tầm những câu hát then của người Tày.

Người dân ở bản Nặm Khạo, xã Vĩnh Yên (Bảo Yên - Lào Cai) vẫn quen gọi bà là “bà già hâm” nhưng cũng rất quý bà vì những câu hát then của bản Tày được khơi lên trong những chuyến đi như thế. Đó là bà Hoàng Thị Cứ, dân tộc Tày, một nghệ nhân của bản Nặm Khạo.

“Tôi rất ham mê câu hát then của người đồng mình, mong muốn tìm tòi và truyền lại lời ăn tiếng nói của người Tày đến thế hệ sau”. Đó là lời tâm sự của bà Cứ khi bà đi nhờ xe tôi ra xã Tân Dương để sưu tầm bài cúng của một thầy mo trong bản Cuông.

Bà Hoàng Thị Cứ cho biết, hát then là câu hát rất gần gũi với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, đồng thời cũng là lời ăn tiếng nói được kết tinh từ cuộc sống lao động của người bản Tày xã Nghĩa Đô và Vĩnh Yên. Một hình thức sinh hoạt truyền thống của các thôn bản Tày nơi đây.

Bản Tày xã Vĩnh Yên

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Vĩnh Yên giữa những cánh rừng đại ngàn - cũng là nơi sản sinh ra câu hát then của người Tày, bà Hoàng Thị Cứ yêu thích câu hát này ngay từ khi còn bé. Vào những buổi hội bản, các buổi sinh hoạt văn hóa lễ tết, ma chay, bà Cứ thường theo bố mẹ đến xem và nghe hát. Bà rất chú ý tới những màn hát then của các chị trong thôn bản rồi chăm chú lắng nghe ý nghĩa của các bài cúng từ các thầy mo. Từ đó, bà luôn có ý thức học tập, tìm tòi và thuộc những câu then đơn giản của người Tày.

Lớn lên, khi là một thiếu nữ mười tám đôi mươi, bà Cứ cùng đám con gái trong bản thường tụ tập để tập hát những điệu hát then của bản mình. Từ việc học nhịp điệu cho đến câu từ và nội dung ý nghĩa của từng làn điệu. Dần dần, bà Cứ và các thiếu nữ trong bản đã tiếp cận dần và thuộc những câu hát then phức tạp hơn. Cũng từ đó, bà mạnh dạn tham gia vào đội hát then của bản Nặm Khạo, thường xuyên tổ chức vào buổi tối tại nhà sàn hay nhà văn hóa bên bờ suối để hát. Trong những buổi hội bản, không thể thiếu được giọng hát của bà.

Nghe một số bài hát Then

Mùa hoa lê

Tốp nữ Đoàn Nghệ thuật CMN Lạng Sơn hòa tấu đàn tính

Nhớ ơn Bác Hồ (Hát then Tày)

NSUT Bích Hồng thể hiện

Giải hạn (Hát then Nùng)

NS Phùng Văn Muộn thể hiện

Bước vào tuổi 60, đúng lúc Đảng và Nhà nước ta phát động phong trào toàn dân giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, lấy văn hóa địa phương làm nòng cốt trong việc bảo vệ di sản của dân tộc, bà Cứ hăng hái nghiên cứu, tập trung vào việc bảo tồn và phát huy làn điệu hát then. Được sự cho phép và khuyến khích của chính quyền xã, bà Cứ đã mạnh dạn thành lập câu lạc bộ hát then của xã do bà làm chủ nhiệm. Khi ấy, noi gương bà, phong trào hát then đã trở thành một phong trào rộng khắp các thôn bản và cả xã Vĩnh Yên. Những buổi tối bên bờ suối Khuổi Vèng, bà Cứ cùng phụ nữ trong thôn bản miệt mài học hát then. Bà rất kiên trì và tận tâm chỉ bảo cho mọi người quy tắc của hát then cùng với cách hát những làn điệu khó. Đặc biệt, bà không ngừng quan tâm đến giới trẻ, động viên, khuyến khích các cháu gái ngoài giờ học cần phải hát then. Theo bà, đã là phụ nữ Tày là phải biết hát đôi ba câu then. Chính vì vậy, các em học sinh từ cấp 1 đến cấp 3, em nào cũng yêu thích và học thuộc vài câu then của quê mình.

Trong câu chuyện với bà, bà Cứ không ngừng trăn trở về sự mai một của câu hát then, vì “nay mai khi bà và người già trong bản đã khuất núi thì liệu rằng những câu ca của người đồng bào mình có còn ai lưu giữ”. Chính vì vậy, tuy tuổi đã già, mặc dù con cháu can ngăn vì sức khỏe đã yếu, nhưng bà Cứ vẫn hàng ngày miệt mài đi hết bản này đến bản kia, hết núi cao lại về nơi bờ suối để sưu tầm những câu hát then Tày, tìm tòi những bài cúng mang ý nghĩa tâm linh của người Tày. Sưu tầm được đến đâu, bà Cứ ghi chép cẩn thận vào quyển vở để lưu giữ. Mặc trời mưa hay trời nắng nóng, bàn chân của bà Cứ kiên trì không biết mỏi. Bà còn đến các xã xa như Tân Tiến, Tân Dương, Xuân Hòa khi nghe tin nơi đó có dấu hiệu của những câu hát then cổ, những bài cúng mang tính nhân văn. Vốn hát then rồi những bài cúng dần phong phú theo bước chân của bà Cứ.

Nghệ nhân Hoàng Thị Cứ và tấm bằng công nhận Nghệ nhân dân gian

Sau nhiều năm miệt mài, lặn lội không mệt mỏi trong hành trình đi tìm câu hát then Tày, đến nay, câu lạc bộ hát then xã Vĩnh Yên đã được Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch tỉnh Lào Cai tặng một dàn nhạc gồm 6 cây đàn tính và nhiều giấy khen khác. Riêng bà Hoàng Thị Cứ đã vinh dự được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là Nghệ nhân Dân gian vào năm 2003, được Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tặng Giấy khen năm 2009 vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong việc đóng góp vào sự phát triển văn hoá thể thao và du lịch của tỉnh Lào Cai.  

Chia tay bà Hoàng Thị Cứ, chúng tôi như được sống trong hành trình không mệt mỏi của bà để tìm lại lời ăn tiếng nói của người Tày. Bà Cứ cầm tay tôi cảm ơn và nói rằng: “Thầy giáo cố gắng dạy cho các cháu của bà giỏi và biết gìn giữ phong tục của bản Tày nhé”. Nói rồi, bà vội đi ngay bởi vì câu hát then vẫn đang chờ đợi bà nơi bản xa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
90ph tv 90 tv mitom link bong da tv soi kèo hôm nay Đại lý bóng đá mitom keo ma cao