Ngăn chặn hàng giả, gian lận thương mại: Phải cả “3 nhà” cùng vào cuộc!
VOV.VN - Để ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng buôn bán thuốc chữa bệnh giả và thực phẩm giả, vai trò của công tác tuyên truyền và sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp là rất quan trọng.
Hơn 10.437 vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (trong đó có 1.936 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 6.870 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; 1.631 vụ hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ) đã bị các lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý chỉ trong một tháng cao điểm phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo tinh thần Công điện 65 và Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ (từ 15/5-15/6), tăng hơn 80% so với tháng trước đó.

Những con số này chắc chắn sẽ còn cao hơn nhiều - nếu như hơn 5.500 cửa hàng không “đóng cửa” trong thời gian này - theo thống kê chưa đầy đủ của 36/63 Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố. Chưa kể, nhiều tiểu thương tại các “thủ phủ”, chợ đầu mối bán buôn, kinh doanh chủ yếu các mặt hàng thực phẩm, bánh kẹo, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, quần áo, giày dép… cũng đóng cửa nghỉ bán, hoặc chỉ “mở hé cửa để giao dịch”, treo băng rôn “trả mặt bằng”, “cho thuê cửa hàng”… nhằm đối phó, tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.
Đáng buồn là không chỉ buôn lậu, gian lận thương mại, làm giả, làm nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ những mặt hàng tiêu dùng như đồ điện tử, hay sản phẩm thời trang (quần áo, giày dép, túi xách, đồng hồ, nước hoa…); Không chỉ thực phẩm, gia vị (như hạt nêm, bột ngọt, dầu ăn…) không rõ nguồn gốc “xuất xứ” đội lốt hàng Việt, giả nhãn hiệu nổi tiếng; Không chỉ thực phẩm chức năng giả, thực phẩm bẩn… mà ngay cả thuốc chữa bệnh hiểm nghèo, sữa cho người bệnh nặng, trẻ em suy dinh dưỡng… cũng bị làm giả, lên tới hàng trăm loại, công khai bày bán ở các Trung tâm siêu thị lớn, thậm chí được kê đơn tại các cơ sở y tế, bệnh viện… khiến không ít người tiêu dùng bị lừa, “tiền mất, tật mang”, lại thêm hoang mang, lo sợ.
Mặc dù công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian qua được ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực. Song, vì sao vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng ở cả chợ truyền thống và lẫn mạng xã hội, sàn thương mại điện tử?

Công điện 65 và Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra ít nhất 5 nguyên nhân lớn. Bên cạnh những tồn tại về thể chế, các quy định pháp luật về xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn chưa đầy đủ, lạc hậu… phải kể đến những bất cập, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước được nêu, như “công tác tổ chức, phân định chức năng, nhiệm vụ trong quản lý nhà nước còn chồng chéo, bỏ sót, có khoảng trống, có sự buông lỏng, nhất là trong hoạt động cấp phép và kiểm nghiệm và sản xuất thực phẩm; nhận thức, trách nhiệm của một số người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị, lực lượng chức năng chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, triệt để, toàn diện, thậm chí có tình trạng tiếp tay, bảo kê cho các đối tượng vi phạm pháp luật…”
Từ thực tế của tình trạng hàng giả, gian lận thương mại thời gian qua còncho thấy có phần trách nhiệm thuộc về người tiêu dùng. Một bộ phận không nhỏ trong chúng ta có tâm lý ham đồ rẻ, sính hàng ngoại, tâm lý đám đông mua theo lời đồn chứ không phải qua thông tin xác thực. Đây chính là môi trường “nuôi dưỡng” hàng nhái, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ sinh sôi, bám rễ.
Cũng một phần không nhỏ còn do doanh nghiệp chưa quan tâm, chú trọng tới việc sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, có giá cạnh tranh. Thiếu quan tâm tới thị trường nội địa đã tạo cơ hội cho hàng giả, gian lận thương mại “lên ngôi”.
Những con số về hàng chục nghìn vụ việc vi phạm bị xử lý, hay hàng nghìn đối tượng bị xử lý hình sự chắc chắn sẽ không dừng lại, nếu không xử lý tận gốc những vấn đề đã được chỉ ra. Việc siết chặt quản lý, minh bạch thị trường trong tháng cao điểm bước đầu tạo dựng niềm tin cho nhà sản xuất, kinh doanh chân chính, cũng như “khai sáng” cho không ít người tiêu dùng trong việc bảo vệ chính mình.
Những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hành động mạnh mẽ của các lực lượng như công an, hải quan, quản lý thị trường… thời gian qua đang góp phần quan trọng, tiến tới một thị trường lành mạnh, bảo vệ sức khoẻ và an toàn cho nhân dân.
Tất cả cho thấy, chỉ khi Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng - cả “3 nhà” cùng vào cuộc, mới có thể ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại!