Chấm dứt hàng giả, hàng nhái: Cần mạnh tay xử lý hình sự
VOV.VN - Hàng giả, hàng nhái hoành hành từ chợ truyền thống đến chợ mạng, thách thức pháp luật và coi thường người tiêu dùng. Điển hình như mới đây, chợ Ninh Hiệp đồng loạt đóng cửa khi đoàn kiểm tra đến, thể hiện sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng và né tránh của tiểu thương.
Hàng giả, hàng nhái “bủa vây” chợ truyền thống
Nhiều năm qua, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn diễn ra trên diện rộng và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Từ các chợ truyền thống đến các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội nơi bán hàng trực tuyến, người tiêu dùng đang phải đối mặt với "ma trận" hàng thật - giả lẫn lộn.
Dạo qua một số chợ dân sinh lớn tại Hà Nội như Đồng Xuân, Ngã Tư Sở, Nhà Xanh không khó để bắt gặp các sản phẩm được gắn mác những thương hiệu nổi tiếng nhưng có giá rẻ một cách bất thường. Hàng loạt các sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như Gucci, Chanel, Nike, Adidas, LV... được bày bán công khai. Một áo khoác gắn mác North Face có giá chỉ 350.000 đồng, một đôi giày "Nike Air" được quảng cáo là hàng "auth like" với giá chưa đến 500.000 đồng. Trong khi hàng thật có giá gấp 10 - 20 lần.

Một trong những điểm nóng là chợ Nhà Xanh (quận Cầu Giấy), nơi từ lâu đã trở thành thiên đường mua sắm của sinh viên và giới trẻ nhờ các mặt hàng thời trang giá rẻ. Tháng 4/2025, đoàn kiểm tra Quản lý thị trường Hà Nội đã đột xuất kiểm tra 14 điểm kinh doanh tại chợ Nhà Xanh và thu giữ gần 500 sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu như Gucci, Dior, Adidas, Nike, Hermes...
Không chỉ chợ Nhà Xanh, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái cũng xảy ra tại nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội. Chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội), nơi được xem là “đại công xưởng” cung cấp quần áo giá rẻ cho thị trường miền Bắc. Trong một đợt kiểm tra gần đây, khi đoàn kiểm tra đến nơi, nhiều ki-ốt bất ngờ đóng cửa, tắt đèn, ngừng hoạt động.

Theo đại diện một Ban quản lý chợ Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội, tình trạng kiểm soát hàng giả, hàng nhái tại các chợ còn gặp nhiều khó khăn vì hiện nay chợ chỉ có vai trò phối hợp, không có chức năng hay chế tài xử lý vi phạm. Hàng năm, các chợ có tổ chức tuyên truyền định kỳ và yêu cầu tiểu thương ký cam kết không buôn bán hàng giả, hàng nhái. Chợ cũng phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra theo kế hoạch định kỳ hàng năm song chưa thực sự ngăn chặn được vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Phần lớn tiểu thương đã ý thức được vấn đề, nhưng do nhu cầu mua sắm bình dân cao và có cầu ắt có cung nên hàng giả, hàng nhái vẫn tồn tại.
Xử lý hình sự để tạo sức răn đe
Bên cạnh các khu chợ truyền thống, không gian mạng cũng trở thành điểm nóng của việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Chỉ cần vài cú click chuột trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Zalo, người tiêu dùng có thể dễ dàng bắt gặp vô số quảng cáo rao bán mỹ phẩm, thời trang, phụ kiện gắn mác hàng hiệu với giá “siêu rẻ”.
Phần lớn những sản phẩm này đều không rõ nguồn gốc, không có tem nhãn kiểm định chất lượng. Một số trường hợp còn sử dụng hình ảnh sản phẩm thật để đánh lừa người tiêu dùng, nhưng khi nhận hàng thì chất lượng lại kém xa mong đợi.
Mới đây, nhiều gian hàng trên trang thương mại điện tử Shopee ngừng bán hàng, thông báo hết hàng khi Sàn cũng như cơ quan chức năng bắt đầu siết chặt quản lý chất lượng sản phẩm. Điều này cho thấy, một bộ phận không nhỏ người kinh doanh biết rõ hành vi vi phạm của mình và luôn lén lút hoạt động, né tránh kiểm tra.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tình trạng hàng giả không chỉ làm tổn hại đến quyền lợi người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng tới uy tín, doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất chân chính. Hàng loạt thương hiệu lớn trong và ngoài nước nhiều lần lên tiếng phản ánh việc bị làm nhái, xâm phạm nhãn hiệu, nhưng việc xử lý vẫn chưa đủ mạnh để ngăn chặn triệt để.
Theo luật sư Hoàng Văn Hà, Công ty luật ARC Hà Nội (HNLAW), nếu không sớm siết chặt kiểm tra và có chế tài mạnh tay với các đối tượng vi phạm, môi trường kinh doanh trong nước sẽ ngày càng méo mó, thiếu công bằng. Điều này không chỉ cản trở các doanh nghiệp trong nước phát triển mà còn làm giảm niềm tin của người tiêu dùng.
Để giải quyết vấn nạn hàng giả, hàng nhái, cần đẩy mạnh tuyên truyền, không chỉ với tiểu thương mà cả người tiêu dùng, đồng thời tăng cường trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng. Có chế tài nghiêm khắc, đặc biệt là xử lý hình sự để tạo sức răn đe. Cuộc chiến này đòi hỏi sự kiên quyết và thái độ không khoan nhượng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp chân chính.