Triển vọng mới về thỏa thuận hạt nhân của Iran
VOV.VN - Thỏa thuận Geneva về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran có thể được thực thi ngay từ ngày 20/1 tới.
Hãng thông tấn IRNA của Iran dẫn lời một quan chức nước này ngày 1/1 cho biết, thỏa thuận Geneva về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran có thể được thực thi ngay từ ngày 20/1 tới nếu được các quan chức chính trị thông qua.
Việc thực thi chương trình hạt nhân là một trong những đề xuất quan trọng mà các chuyên gia kỹ thuật Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) đạt được tại cuộc gặp cấp chuyên gia đầu tuần này.
Lò phản ứng của Nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran (Ảnh: AP) |
Cuộc gặp nhằm xác định những thể thức thực thi thỏa thuận đạt được tại Geneva ngày 24/11 vừa qua nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hoạt nhân Iran.
Theo ông Baidinejad, người đứng đầu nhóm chuyên gia Iran tham gia các cuộc đàm phán, vẫn còn 2 hoặc 3 vấn đề cơ bản cần phải được giải quyết. Các quan chức về hạt nhân của Iran ngày 1/1 cũng khẳng định, các cuộc đàm phán kỹ thật đã kết thúc với một số bước tiến.
Dự kiến, tuần tới, trưởng đoàn đám phán hạt nhân của Iran Abbas Araghchi có cuộc gặp với ông Olga Schmitt - trợ lý của Đại diện cấp cao phụ trách các chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu Catherine Ashton.
Bà Ashton được giao trọng trách thay mặt nhóm P5+1 tiến hành các cuộc tiếp xúc với Iran. Tại cuộc gặp, các bên sẽ thảo luận về những vấn đề chính trị tới nay vẫn chưa được giải quyết.
Theo thỏa thuận Geneva, các nước phương Tây sẽ tạm ngừng thông qua mọi lệnh trừng phạt mới đối với Iran trong thời gian 6 tháng.
Đổi lại, Iran chấp nhận đóng băng chương trình làm giàu urani cấp độ trên 5%. Mục tiêu là tạo thời gian để các bên đạt được một thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân Iran, mà phương Tây nghi ngờ là nhằm sản xuất vũ khí hạt nhân./.