Tổng thống Trump công bố mức thuế quan mới với nhiều nước lên tới 40%
VOV.VN - Hàng loạt các quốc gia, đặc biệt là các nước châu Á sẽ phải đối mặt với mức thuế quan mới mà Mỹ sẽ áp dụng từ 1/8 lên tới 40%.
Tổng thống Donald Trump đã tăng áp lực lên các đối tác thương mại của Mỹ khi gửi thư cho người đứng đầu một số quốc gia, thông báo cho họ về mức thuế quan mới của họ.
Nhưng đồng thời, ông Trump cũng giảm bớt căng thẳng bằng cách ký một hành động hành pháp cùng ngày để gia hạn ngày áp dụng cho tất cả các mức thuế quan "có đi có lại" (thuế đối ứng), ngoại trừ Trung Quốc, đến 1/8.
Những mức thuế quan "có đi có lại" này dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 9/7 tới. Trong một số trường hợp, các lá thư ông Trump gửi nêu rõ mức thuế quan "có đi có lại" mới cao hơn hoặc thấp hơn so với mức công bố hồi tháng 4.
Mặc dù đặt ra mục tiêu đạt được thỏa thuận với 90 nước trong vòng 90 ngày, tới nay Mỹ mới chỉ đạt được khung thỏa thuận sơ bộ với 3 nước là Anh, Trung Quốc và Việt Nam.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba và Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae-myung là những người đầu tiên nhận được thư của Trump.
Cả hai nước châu Á này sẽ phải đối mặt với mức thuế 25% vào ngày 1/8, Ông Trump cho biết trong các bài đăng trên Truth Social kèm với các lá thư. Khoảng hai giờ sau, ông tuyên bố các lá thư tương tự đã được gửi đến Malaysia, Kazakhstan, Nam Phi, Myanmar và Lào, thông báo cho các nhà lãnh đạo của họ về mức thuế mới lên tới 40%.
Sau đó trong ngày, ông đã đăng 7 lá thư tiếp theo gửi tới các nhà lãnh đạo của Tunisia, Bosnia và Herzegovina (nơi sắp áp dụng mức thuế 30%), Indonesia, Bangladesh, Serbia, Campuchia và Thái Lan, nâng tổng số lá thư được gửi vào ngày 7/7 lên 14.
Trong các lá thư, ông Trump cho biết ông đặc biệt quan tâm đến thâm hụt thương mại mà Mỹ phải chịu, nghĩa là Mỹ mua nhiều hàng hóa hơn so với số lượng mà các doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu sang các quốc gia đó. Tổng thống Trump cũng cho biết mức thuế quan sẽ được áp dụng để đáp trả các chính sách khác mà ông cho là đang cản trở hàng hóa của Mỹ.
Các nước châu Á chịu thuế nặng
Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, năm ngoái, Mỹ đã mua tổng cộng 465 tỷ USD hàng hóa từ 14 quốc gia nhận được thư thông báo vào ngày 7/7.
Nhật Bản và Hàn Quốc, đối tác thương mại lớn thứ 6 và thứ 7 của Washington, chiếm 60% trong số đó. Hai đồng minh châu Á đã xuất khẩu sang Mỹ 280 tỷ USD.

Mức thuế quan cao hơn đối với hàng hóa có thể dẫn đến giá cả cao hơn cho người tiêu dùng Mỹ. Ví dụ, trong số những mặt hàng chủ chốt mà Mỹ nhập khẩu từ Hàn Quốc và Nhật Bản là ô tô, phụ tùng ô tô, chất bán dẫn, dược phẩm và máy móc. Ông Trump dự kiến sẽ áp thuế quan cụ thể cho từng ngành đối với nhiều mặt hàng này.
Vào tháng 4, Nhật Bản đối mặt với mức thuế 24%, trong khi Hàn Quốc là mức thuế 25%.
Malaysia, quốc gia sẽ phải chịu mức thuế 24% so với mức 25% mà ông Trump công bố vào tháng 4, là nước xuất khẩu chất bán dẫn lớn thứ hai vào Mỹ vào trong năm 2024, với tổng giá trị 18 tỷ USD.
Trong khi đó, Bangladesh, Indonesia và Campuchia là những trung tâm sản xuất hàng đầu về hàng may mặc và phụ kiện.
Bức thư của ông Trump gửi thủ tướng Campuchia đe dọa áp mức thuế quan 36%, thấp hơn 13% so với mức công bố vào tháng 4. Một quốc gia Đông Nam Á khác là Thái Lan cũng bị áp mức thuế lên tới 36%.
Cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của các hãng ô tô lớn của Nhật Bản là Toyota, Nissan và Honda lần lượt giảm 4%, 7,16% và 3,86%. Chỉ số Dow Jones đóng cửa giảm 422 điểm, tương đương 0,94%. Chỉ số S&P 500 giảm 0,79% và chỉ số Nasdaq Composite thiên về công nghệ giảm 0,92%. Ba chỉ số chính đã có ngày tồi tệ nhất trong khoảng ba tuần qua.