Slovakia đề nghị hoãn bỏ phiếu về gói trừng phạt thứ 18 của EU đối với Nga
VOV.VN - Ngày 15/7, Slovakia đề nghị hoãn bỏ phiếu về gói trừng phạt thứ 18 của Liên minh Châu Âu (EU) đối với Nga do lo ngại về an ninh năng lượng. Động thái này đã gây ra nhiều tranh luận trong EU và vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ các quốc gia thành viên trong Liên minh.
Quyết định của Slovakia đề nghị hoãn bỏ phiếu về gói trừng phạt thứ 18 đối với Nga được đưa ra trong cuộc họp của Hội đồng Đối ngoại EU tại Brussels ngày 15/7. Đề nghị này xuất phát từ những lo ngại sâu sắc của Slovakia về an ninh năng lượng, đặc biệt là liên quan đến nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga.

Theo Thủ tướng Slovakia Fico, đề xuất của EU bao gồm kế hoạch ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga vào đầu năm 2028 có thể phá vỡ sự ổn định năng lượng của Slovakia bởi nước này phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga.
Trong một tuyên bố được đưa ra sau khi đề nghị hoãn bỏ phiếu, Thủ tướng Fico nhấn mạnh, Slovakia cần sự đảm bảo từ Ủy ban Châu Âu (EC) về nguồn cung cấp khí đốt sau năm 2028. Theo ông Fico, giải pháp tốt nhất cho tình hình hiện tại là cho phép Slovakia thực hiện hợp đồng với Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cho đến khi kết thúc vào năm 2034. Tuy nhiên, EC đã bác bỏ đề xuất này với lý do hoạt động này sẽ làm suy yếu cách tiếp cận của khối đối với cuộc xung đột và bản chất của các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Thủ tướng Fico cũng lưu ý, mặc dù Ủy ban Châu Âu (EC) đã gửi thư phản hồi về những lo ngại của Slovakia, đồng thời đưa ra một số đảm bảo, tuy nhiên cả chính phủ và các đảng đối lập của Slovakia đều cho rằng, những đảm bảo này là chưa đủ.
Cách tiếp cận này của Slovakia đã gây thất vọng từ các quốc gia thành viên EU khác, đặc biệt là Đức và Pháp, những nước đang nỗ lực thúc đẩy một lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga. Thủ tướng Đức Friedrich Merz cảnh báo, Slovakia có thể phải đối mặt với hậu quả bao gồm cả việc cắt giảm ngân sách của EU nếu tiếp tục cản trở các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Theo giới phân tích, đề nghị của Slovakia hoãn bỏ phiếu về gói trừng phạt thứ 18 của EU đối với Nga phản ánh sự phụ thuộc lớn của Slovakia vào khí đốt của Nga, đồng thời cho thấy những thách thức trong việc cân bằng lợi ích quốc gia với chính sách chung của EU. Lập trường của Slovakia có thể tạo tiền lệ cho các quốc gia thành viên EU khác, vốn phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga, ưu tiên lợi ích quốc gia hơn là hành động tập thể.
Điều này có thể làm suy yếu sự thống nhất của EU và khả năng ứng phó hiệu quả của khối này trong việc đảm bảo an ninh năng lượng trên toàn châu Âu.