Tổng thống Trump bất ngờ đổi giọng với ông Putin, quay sang ủng hộ Ukraine
VOV.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 8/7 đã bày tỏ sự thất vọng dồn nén suốt nhiều tuần với Tổng thống Nga Vladimir Putin về những hành động mà ông cho là "vô nghĩa" đối với tiến trình hòa bình, 1 ngày sau khi ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ nối lại việc chuyển giao đạn dược để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Sự thất vọng ngày càng tăng của ông Trump với Nga
Những bình luận của ông Trump được cho là phát biểu gay gắt nhất của ông nhằm vào ông Putin kể từ khi ông đắc cử tổng thống năm 2016, đồng thời đánh dấu sự thay đổi đột ngột trong lập trường công khai của ông với nhà lãnh đạo Nga sau nhiều tháng nỗ lực hòa giải bất thành trong một cuộc xung đột mà ông từng tuyên bố là có thể giải quyết chỉ trong 1 ngày.

"Chúng tôi đã nhận được rất nhiều lời lẽ sáo rỗng từ ông Putin, nếu các vị muốn biết sự thật. Ông ta lúc nào cũng tỏ ra thân thiện, nhưng hóa ra chẳng có ý nghĩa gì cả", ông Trump nói với báo giới trong cuộc họp nội các tại Nhà Trắng.
Sự vỡ mộng của Tổng thống Trump với người đồng cấp Nga, cùng với những trao đổi tích cực gần đây với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, dường như là yếu tố thúc đẩy quyết định nối lại việc chuyển giao một số vũ khí phòng không cũng như bom và tên lửa dẫn đường chính xác cho Ukraine, sau khi việc chuyển giao bị tạm dừng hồi tháng trước.
Khi đó, các quan chức trong chính quyền cho biết việc tạm ngừng là cần thiết để đánh giá xem kho vũ khí của Lầu Năm Góc có đang bị sụt giảm nghiêm trọng hay không. Tuy nhiên, không có thông tin rõ ràng về người đưa ra quyết định tạm dừng này.
Hiện chưa rõ lô vũ khí đầu tiên đang bị giữ lại tại Ba Lan có nhanh chóng được chuyển đến Ukraine hay không. Tuy nhiên, quyết định nối lại viện trợ vũ khí đã được hoan nghênh tại Ukraine, nhất là sau đợt không kích quy mô lớn mà Nga thực hiện nhằm vào Kiev và một số thành phố khác hồi tuần trước, diễn ra ngay sau một cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Putin.
Trong phát biểu hôm 7/7, ông Trump nói: “Ukraine phải có khả năng tự vệ. Họ đang bị tấn công rất dữ dội. Chúng ta sẽ phải cung cấp thêm vũ khí, chủ yếu là vũ khí phòng thủ vì tình hình hiện tại rất tồi tệ. Quá nhiều người đang thiệt mạng trong mớ hỗn loạn đó".
Những bình luận này cho thấy sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận của ông Trump đối với cuộc xung đột, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
Ông Trump từ lâu đã gọi ông Putin là một nhà lãnh đạo cứng rắn, đồng thời thể hiện thái độ không mấy thân thiện với ông Zelensky. Đầu năm nay, trong một cuộc gặp hiếm hoi tại Phòng Bầu dục, ông từng chỉ trích Tổng thống Ukraine vì cho rằng nhà lãnh đạo này không thể hiện đủ lòng biết ơn cho sự hỗ trợ của Mỹ.
Ông Trump cũng nhiều lần bày tỏ hoài nghi về việc viện trợ quân sự cho Ukraine và chỉ trích chính quyền Tổng thống Joe Biden vì đã dốc quá nhiều nguồn lực để hỗ trợ Kiev. Lập trường này của ông phù hợp với quan điểm hoài nghi can thiệp của bộ phận cử tri ủng hộ ông và cả một số người Mỹ không thấy rõ lợi ích của việc ngăn Nga mở rộng ảnh hưởng tại châu Âu.
Sau khi trở lại Nhà Trắng, chính quyền ông Trump từng gây sức ép buộc ông Zelensky chấp thuận thành lập một quỹ chung với Mỹ nhằm khai thác tài nguyên đất hiếm tại Ukraine, song lại không đưa ra cam kết an ninh rõ ràng.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng, khi để Ukraine ở thế phòng thủ yếu hơn, ông Trump cũng đánh mất đòn bẩy để gây sức ép buộc ông Putin phải ngồi vào bàn đàm phán.
Trong vài tuần gần đây, ông Trump ngày càng thất vọng với ông Putin. Các cố vấn cho biết ông cảm thấy mình đang bị nhà lãnh đạo Nga “dắt mũi”. Cuối tháng 5, ông Trump từng gợi ý có thể áp đặt thêm trừng phạt lên Nga, nhưng sau đó đã rút lại, dường như vẫn tin vào khả năng đạt được thỏa thuận.
Cùng lúc đó, ông Zelensky dường như đã đạt được tiến triển trong các cuộc trao đổi với ông Trump, bao gồm một cuộc gặp tại The Hague - nơi các nhà lãnh đạo NATO họp mặt tháng trước.
Trước cuộc gặp, Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã dành lời khen ngợi ông Trump vì đã thúc đẩy các quốc gia khác tăng chi tiêu quốc phòng. Những phát biểu của ông được cho là giúp tạo nên bầu không khí ít đối đầu hơn giữa hai nhà lãnh đạo so với cuộc gặp ở Washington trước đó.
Sau cuộc gặp tại The Hague, ông Trump tỏ ra cởi mở hơn với việc hỗ trợ thêm vũ khí cho Ukraine, dù chưa rõ là dưới hình thức bán hay viện trợ.
Ngày 3/7, ông Trump có cuộc điện đàm với ông Putin và tuyên bố với báo giới cuộc trao đổi “không mang lại tiến triển nào”.
“Tôi hoàn toàn không hài lòng với Tổng thống Putin", ông Trump nói hôm 7/7.
Mỹ lo ngại kho vũ khí cạn kiệt và tương lai hỗ trợ Ukraine
Trong khi sự vỡ mộng của ông Trump với ông Putin ngày càng lớn, các quan chức Lầu Năm Góc cũng gia tang lo ngại về nguy cơ kho vũ khí của Mỹ bị cạn kiệt, đặc biệt sau khi Israel tiến hành cuộc tấn công nhằm vào Iran.
Các quan chức tại Washington cho rằng, căn cứ quân sự Mỹ trong khu vực có thể trở thành mục tiêu tấn công, đặc biệt nếu Mỹ cùng Israel tiến hành các cuộc không kích vào cơ sở hạt nhân của Iran. Kịch bản này sẽ đòi hỏi nhiều vũ khí hơn để bảo vệ binh lính Mỹ.
Lầu Năm Góc đã gấp rút điều thêm các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot từ Hàn Quốc tới vùng Vịnh, trong bối cảnh các nhà hoạch định quân sự đang tính toán số lượng tên lửa cho Patriot và các loại đạn dược khác mà lực lượng Mỹ có thể cần trong một cuộc xung đột kéo dài.
Theo hai nguồn tin giấu tên am hiểu vấn đề, vào thời điểm Mỹ tiến hành không kích ba cơ sở hạt nhân của Iran, ông Trump đã yêu cầu quân đội báo cáo về số lượng đạn dược hiện có.
Sau đó, các lãnh đạo cấp cao của Bộ Quốc phòng đã quyết định tạm dừng việc chuyển giao một số tên lửa phòng không cùng bom và tên lửa dẫn đường chính xác cho Ukraine, đồng thời dẫn ra mối lo ngại kho vũ khí của Mỹ đang cạn kiệt.
Tuy nhiên, theo hai nguồn tin trên, việc tạm hoãn gửi vũ khí cho Ukraine chỉ là hệ quả phụ chứ không phải mục đích chính của cuộc rà soát.
Hiện vẫn chưa rõ ai trong Bộ Quốc phòng hay Nhà Trắng đã đưa ra quyết định tạm dừng này. Trong cuộc họp hôm 8/7, ông Trump từ chối trả lời câu hỏi liên quan. Khi được hỏi nhiều lần về người đã ra lệnh tạm dừng, trong lúc Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth ngồi cạnh, ông Trump nói: “Tôi không biết. Sao các vị không nói cho tôi biết?”
Trong 2 năm qua, Lầu Năm Góc đã viện trợ hơn 66 tỷ USD vũ khí, đạn dược và trang thiết bị cho Ukraine. Viện trợ này đến từ hai nguồn chính, đều được khởi động dưới thời chính quyền ông Biden và trong một thời gian dài nhận được sự ủng hộ từ các nghị sĩ đảng Cộng hòa.
Một phần vũ khí được rút trực tiếp từ kho dự trữ của Lầu Năm Góc, sau đó Quốc hội hoàn tiền để nhanh chóng bổ sung lại, thường là bằng các loại vũ khí được nâng cấp. Phần còn lại được cung cấp thông qua Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, theo đó Lầu Năm Góc mua vũ khí từ các nhà thầu quân sự Mỹ để chuyển giao cho Ukraine trong nhiều tháng hoặc nhiều năm sau đó.
Phần lớn vũ khí lấy từ kho dự trữ đã được giao xong và đợt cuối dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối mùa hè này. Trong khi đó, các hợp đồng mua sắm mới vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện tới năm sau.
Cho đến tháng 6, giới chức Lầu Năm Góc vẫn tin rằng họ có thể tiếp tục gửi vũ khí cho Ukraine theo lịch trình, bao gồm cả tên lửa Patriot, mà vẫn đáp ứng được yêu cầu trong trường hợp Mỹ phải tham chiến.
Tên lửa Patriot được đặc biệt coi trọng vì đây là một trong số ít hệ thống Ukraine có thể dùng để đánh chặn các loại tên lửa tối tân nhất của Nga. Chúng đóng vai trò then chốt trong nỗ lực phòng thủ của Kiev giữa những đợt tấn công ngày càng dữ dội từ Nga, ở thời điểm đặc biệt nguy hiểm sau hơn 3 năm xung đột.
Theo 2 quan chức quân sự, lô vũ khí đầu tiên bị tạm hoãn, bao gồm vũ khí từ kho dự trữ và vũ khí mới sản xuất, đã bị giữ lại tại Ba Lan vào tháng trước, ngay trước khi được chất lên xe tải để chuyển sang Ukraine. Đến chiều 7/7, lô hàng này vẫn đang bị trì hoãn.
Dù đây là số lượng tương đối nhỏ nhưng lô hàng vẫn có ý nghĩa đáng kể khi bao gồm 30 tên lửa Patriot, 142 tên lửa Hellfire dùng cho các máy bay F-16 do Mỹ sản xuất mà Ukraine đang sở hữu và gần 8.500 quả đạn pháo cỡ nòng 155 mm - tương đương lượng đạn mà Ukraine bắn ra trong khoảng 2 ngày trên chiến tuyến.
“Ngay cả 30 quả tên lửa Patriot cũng là chuyện quan trọng trong tình hình an ninh hiện nay", một cựu quan chức Ukraine nhận định. Giới chức Kiev lo ngại rằng các lô vũ khí tiếp theo có thể tiếp tục bị hoãn hoặc bị hủy hoàn toàn.
Hiện chính quyền ông Trump chưa yêu cầu viện trợ quân sự bổ sung nào cho Ukraine. Việc tạm hoãn chuyển giao vũ khí lần đầu tiên được Politico đưa tin và sau đó Nhà Trắng xác nhận trước cả khi Lầu Năm Góc lên tiếng công khai.
Tuy nhiên, quyết định đó khiến nhiều cơ quan khác trong chính phủ, bao gồm Bộ Ngoại giao và Quốc hội, bất ngờ cũng như vấp phải phản ứng gay gắt từ những người ủng hộ Ukraine.
“Lầu Năm Góc đang làm suy yếu nghiêm trọng khả năng phòng không của Ukraine đúng vào lúc Nga ném bom xuống các thành phố của họ đêm này qua đêm khác” Thượng nghị sĩ bang New Hampshire Jeanne Shaheen, thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện cho hay. Tới ngày 7/7, bà Shaheen và các nghị sĩ ủng hộ viện trợ quân sự cho Ukraine đã hoan nghênh quyết định đảo ngược của chính quyền Tổng thống Trump.
“Tôi vui mừng khi thấy Tổng thống Trump dường như đã thay đổi quan điểm trước một quyết định nguy hiểm và thiển cận. Việc tiếp tục hỗ trợ an ninh cho Ukraine là vô cùng quan trọng để buộc ông Putin phải ngồi vào bàn đàm phán", bà Shaheen nói.