Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 12/11
VOV.VN - Dưới đây là một số diễn biến nổi bật liên quan đến tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 12/11/2024.
Nga dự định mở cuộc tấn công mới, quyết đẩy lùi quân đội Ukraine khỏi Kursk. CNN dẫn nguồn tin thân cận từ Nhà Trắng cho biết, Nga đã tập hợp một lực lượng lớn lên tới hàng chục nghìn quân, bao gồm các binh sĩ Triều Tiên để tiến hành một cuộc tấn công vào các vị trí của Ukraine ở khu vực Kursk, dự kiến diễn ra trong những ngày tới. Tổng thống Vladimir Putin trước đó xác nhận có khoảng 11.000 binh lính Triều Tiên đang tập trung tại Kursk - nơi cuộc tấn công bất ngờ của Ukraine vào Nga đang có dấu hiệu đình trệ, đồng thời tuyên bố quân đội Nga sẽ nhanh chóng "quét sạch" lực lượng Kiev ra khỏi vùng biên giới này.
Một chỉ huy người Ukraine có mật danh Fedorenko chia sẻ với CNN ngày 10/11 rằng quân đội Triều Tiên đang tham gia vào các hoạt động chiến đấu trực tiếp ở Kursk cũng như các hoạt động phòng thủ ở khu vực Belgorod lân cận của Nga và ở các vùng lãnh thổ Ukraine do Moscow giành quyền kiểm soát. Vị chỉ huy này cũng cho biết quân đội Triều Tiên là "nguồn lực quan trọng" cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Nhờ có sự giúp đỡ của Triều Tiên ở vị trí phòng thủ trên tiền tuyến, các lực lượng Nga sẽ "rảnh tay" để tập trung đối phó với các đợt tấn công mới của Ukraine.

Ông Trump điện đàm với Tổng thống Nga Putin. Tờ Washington Post ngày 10/11 dẫn các nguồn tin cho biết, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã có cuộc thảo luận qua điện thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, cả Nga và Mỹ đều chưa chính thức xác nhận thông tin.
Theo Washington Post, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thảo luận về tình hình ở Ukraine và mục tiêu hoà bình tại châu Âu. Ông Donald Trump đã bày tỏ mong muốn tiếp tục các cuộc đối thoại để thảo luận về giải pháp sớm cho cuộc xung đột tại Ukraine.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ứng cử viên đảng Cộng hoà đã cam kết sẽ giải quyết ngay lập tức cuộc xung đột Ukraine nhưng không nói ông thực hiện mục tiêu này như thế nào. Theo Washington Post, trong cuộc điện đàm, ông Donald Trump đã đề cập ngắn gọn đến vấn đề lãnh thổ. Ngoài ra nguồn tin cũng cho biết, chính phủ Ukraine đã được thông báo về cuộc gọi.
Tướng NATO nêu lý do binh lính liên minh quân sự không được điều tới Ukraine. Đô đốc Rob Bauer, người đứng đầu Ủy ban quân sự NATO, cho hay binh sĩ NATO sẽ có mặt ở Ukraine để chiến đấu chống lại Nga, nếu như Moscow không có vũ khí hạt nhân.
“Tôi hoàn toàn chắc chắn rằng nếu Nga không có vũ khí hạt nhân, chúng tôi sẽ có mặt ở Ukraine để chống lại họ. Nếu bạn chiến đấu ở Afghanistan, điều đó không giống như chiến đấu với người Nga ở Ukraine, do Taliban không có vũ khí hạt nhân. Có một sự khác biệt lớn giữa Afghanistan và Ukraine”, Newsweek dẫn lời ông Bauer phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh quốc phòng IISS Prague ở Séc hôm 10/11.
Nga hiện sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, và theo sau là Mỹ. Tổng cộng, Moscow và Washington đang kiểm soát khoảng 90% vũ khí hạt nhân trên toàn cầu.
Hồi tháng 3, Tổng thống Vladimir Putin cho hay Nga được trang bị quân sự, và "sẵn sàng" cho khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Nga phá âm mưu đánh cắp trực thăng quân sự của tình báo Ukraine. Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết, các nhân viên của họ gần đây đã đập tan âm mưu đánh cắp trực thăng Mi-8MTPR-1 của tình báo Ukraine.
“Chúng tôi đã ngăn chặn chiến dịch của Cơ quan tình báo quân sự Ukraine (HUR) nhằm chiếm lấy trực thăng tác chiến điện tử Mi-8MTPR-1 thuộc Lực lượng hàng không vũ trụ Nga. Các sĩ quan tình báo quân sự đối phương đã cố tuyển dụng phi công Nga để đánh cắp chiếc trực thăng, và bay tới vùng lãnh thổ do quân Ukraine kiểm soát”, hãng tin TASS dẫn thông cáo từ Trung tâm quan hệ công chúng của FSB, viết.
Cũng theo nội dung bản thông cáo trên, các sĩ quan phản gián Nga thông qua việc thực hiện nhiệm vụ lần này “đã phát hiện nhiều vị trí phòng không và nơi tập trung các đơn vị Ukraine, sau đó thực hiện đòn tấn công vào những nơi đó”.
Hiện phía Ukraine chưa bình luận về thông tin được TASS đăng tải.
Pháp tuyên bố gửi thêm tên lửa tầm xa cho Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu cho biết, Paris sẽ tiếp tục chuyển khoảng 10 tên lửa hành trình tầm xa SCALP mới cho Ukraine.
Ông Lecornu dự đoán các cuộc tấn công của Nga vào sâu trong lãnh thổ Ukraine có thể sẽ được tăng cường vào mùa đông, vì vậy, ngoài tên lửa SCALP, Pháp sẽ cung cấp cho Ukraine hệ thống tên lửa phòng không Mistral. Ông cho biết thêm, hơn 2.000 binh sĩ Ukraine đang được các chuyên gia quân sự hàng đầu Pháp huấn luyện sử dụng vũ khí.
Nga có thể tiến vào Dnipropetrovsk cuối năm nay. Giới phân tích cho biết, với tốc độ hiện tại, quân đội Nga có thể sẽ tiến vào khu vực Dnipropetrovsk cuối năm nay.
Tờ The Economist dẫn lời các nhà phân tích chỉ ra áp lực ngày càng tăng đối với lực lượng Ukraine, đặc biệt là ở các cao điểm chiến lược tại khu vực Kurakhovo (tây nam Donetsk). Theo dự đoán, sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi lực lượng vũ trang Ukraine rút khỏi các vị trí này.
Nếu quân đội Nga tiếp tục tiến lên với tốc độ hiện tại, thì khả năng họ tiến vào khu vực Dnipropetrovsk (giáp Donetsk về phía tây) sẽ tăng lên đáng kể. Đây sẽ là một đòn tâm lý mạnh mẽ đối với phía Ukraine.
Tổng thống Ukraine nói về cách đạt được hòa bình. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết cần phối hợp sức mạnh và ngoại giao để chấm dứt xung đột, và đảm bảo rằng những cuộc đối đầu như vậy sẽ không xảy ra trong tương lai.
“Chúng tôi hiểu rất rõ rằng ngoại giao sẽ không có triển vọng nếu không có sức mạnh”, ông Zelensky nói trong bài phát biểu tối 10/11. “Nếu không hiểu rõ các mục tiêu ngoại giao, thì chỉ sức mạnh sẽ không có tác dụng. Đó là lý do vì sao sức mạnh và ngoại giao phải song hành. Đây là cách duy nhất để đảm bảo hòa bình lâu dài và ngăn chặn các cuộc xung đột tái diễn”.