111111

Đảo chính quân sự ở Mali: Châu Phi thêm “điểm nóng”

Cuộc đảo chính quân sự diễn ra tại quốc gia được coi là nghèo và bất ổn nhất ở châu Phi, khiến dư luận quốc tế thêm quan ngại cho an ninh tại khu vực.

Ngày 22/3, nhóm binh sĩ do Đại tá Amadou Sanogo cầm đầu đã tiến hành đảo chính quân sự, chiếm giữ dinh Tổng thống ở thủ đô Bamako (Mali), bắt giữ Ngoại trưởng Soumeylou Boubeye Maiga và Bộ trưởng Nội vụ Kafouhouna Kone cùng các nhân viên trong dinh Tổng thống.

Quân đảo chính chiếm trụ sở Đài phát thanh - truyền hình Mali ở Bamako ngày 22/3 (Ảnh: Reuters)
Đâu là nguyên nhân

Nhóm đảo chính đã tự xưng là “Ủy ban Khôi phục dân chủ quốc gia” (CNRDR) đã xuất hiện trên truyền hình, tuyên bố nắm quyền điều hành đất nước và sẽ hướng tới chuyển giao quyền lực cho chính phủ mới được bầu một cách dân chủ. CNRDR tuyên bố giải tán các thể chế nhà nước, đình chỉ hiến pháp hiện hành và áp đặt lệnh giới nghiêm cho đến khi có thông báo mới.

Vụ binh biến xảy ra chỉ một tháng trước khi Tổng thống Toure dự kiến sẽ rút lui sau hai nhiệm kỳ giữ chức. Ông Toure vốn là một cựu binh, từng dẫn dắt một cuộc lật đổ chế độ năm 1991 trước khi bàn giao lại quyền lực cho phe dân sự.

Theo đánh giá của phương Tây, Mali dưới chế độ của Tổng thống Toure, được xem là một trong những mô hình phát triển dân chủ khá thành công trong khu vực. Tuy nhiên, vấn đề xử lý phong trào đòi độc lập của cộng đồng Tuareg lại rất phức tạp.

Sự giận dữ trong quân đội đã gia tăng vài tuần gần đây khi các cuộc tấn công của người Tuareg với quân Chính phủ và chiếm giữ nhiều khu vực quan trọng ở phía Bắc, khiến nhiều binh sĩ thiệt mạng và hơn 200.000 người di tản khỏi khu vực này. Lực lượng nổi dậy Tuareg có khoảng 1,5 triệu thành viên đóng quân rải rác tại Algeria, Burkina Faso, Libya, Niger và Mali.

Vụ việc xảy ra ngay sau khi tân Bộ trưởng Quốc phòng Sadio Gassama bắt đầu chuyến công du tới các căn cứ quân sự ở phía Bắc Mali, vì nhiều binh sĩ trẻ tiến hành nhiều cuộc bạo động trong các khu căn cứ quân sự tại đây. AFP trích dẫn một nguồn tin quân sự cho hay, Bộ Quốc phòng đã tiến hành thương lượng với nhóm binh sĩ bạo động nhưng bất thành.

Ngày 23/3, theo một tuyên bố đăng tải trên trang web, tổ chức có tên gọi Phong trào Giải phóng quốc gia Azawad (MNLA) của người Tuareg cho biết, ngày 22/3 họ đã chiếm được thị trấn Anefis nằm trên tuyến đường quốc lộ nối Gao và Kidal - hai thành phố chính ở khu vực sa mạc phía Bắc rộng lớn.

Lực lượng này khẳng định sẽ đấu súng với quân chính phủ tại vùng Azawad - tên miền quê tự trị của họ ở vùng tam giác phía Bắc của Mali. Theo người phát ngôn MNLA, ông Bakaye Ag Hamed Ahamed, vụ đảo chính của quân đội Mali không tạo ra thay đổi gì cho MNLA. Ông này cho rằng sự thất bại nặng nề của quân đội Mali ở miền Bắc là nguyên nhân dẫn tới vụ đảo chính ở miền Nam.

Nguồn tin vệ sỹ của Tổng thống Toure cho biết, ông Toure vẫn chưa rời thủ đô Bamako sau khi di tản khỏi dinh Tổng thống. Trong khi đó, báo Liberation của Pháp dẫn nguồn tin thân cận với Tổng thống Toure cho biết, ông đã được bảo vệ an toàn tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Bamako.

Lực lượng quân đội được điều động đến bảo vệ dinh Tổng thống (Ảnh: AFP)

Phản ứng mạnh của quốc tế

Ngay sau khi có tin đảo chính, Mỹ, Pháp, Liên minh châu Âu, Liên minh châu Phi, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo đã lập tức lên án cuộc đảo chính và cảnh báo CNRDR phải khôi phục Chính phủ được bầu của Tổng thống Toure.

Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe ngày 22/3 cho biết, Paris sẽ ngừng hợp tác với Mali sau vụ đảo chính quân sự của các binh sỹ nổi dậy, đồng thời hối thúc khôi phục trật tự hiến pháp tại quốc gia Tây Phi nghèo khó này.

Ông Juppe nói: “Pháp sẽ ngừng mọi hợp tác an ninh với Mali. Chúng tôi vẫn duy trì viện trợ cho người dân, đặc biệt là viện trợ lương thực và chúng tôi sẽ tiếp tục các nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố”.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thông báo sẽ xem lại khoản viện trợ hàng năm cho Mali trị giá gần 140 triệu USD sau vụ binh biến. Trong khi đó, Nhà Trắng ra tuyên bố kêu gọi Mali lập tức lập lại trật tự hiến pháp và chính quyền dân chủ.

Trong khi đó, Trung Quốc hối thúc giới chức Mali thực thi các biện pháp đảm bảo an ninh và các quyền hợp pháp của các cơ quan và công dân Trung Quốc ở quốc gia Tây Phi này.

Trong ngày 22/3, Hội đồng Bảo an tuyên bố: “Các thành viên Hội đồng Bảo an kịch liệt lên án cuộc đảo chính bằng vũ lực của một số binh sỹ thuộc lực lượng vũ trang tại Mali nhằm lật đổ một chính phủ do dân bầu ra. Hội đồng Bảo an kêu gọi các binh sỹ này đảm bảo an toàn và an ninh cho Tổng thống Amadou Toumani Toure và nhanh chóng trở lại doanh trại của mình”.

Tuyên bố cũng kêu gọi Mali lập tức lập lại hiến pháp và chính phủ dân bầu, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế tối đa, tránh bạo lực và đảm bảo tiến trình bầu cử diễn ra đúng như dự định vào tháng Tư tới.

Hội đồng Bảo an cũng hoan nghênh các nỗ lực của Văn phòng Tây Phi của Liên hợp quốc (UNOWA) và các đối tác quốc tế, đặc biệt là Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) và các chuyên gia, đồng thời cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến tình hình tại Mali.

Tối cùng ngày (22/3), Ủy ban của ECOWAS đã tổ chức họp và ra tuyên bố kêu gọi các binh sỹ tham gia đảo chính ở Mali nhanh chóng chuyển giao quyền lực cho chính phủ hợp pháp.

Tuyên bố của ủy ban này khẳng định, hành động của các binh sỹ tại Mali hoàn toàn đi ngược lại nội dung nghị định thư bổ sung về dân chủ và điều hành, đồng thời phá hoại nghiêm trọng các thành quả mà ECOWAS rất khó mới đạt được trong hai thập kỷ qua.

Ủy ban hy vọng, quân đội Mali sẽ có trách nhiệm bảo vệ tính mạng, sự an toàn và an ninh cho tổng thống, các thành viên chính phủ và nhân dân, cũng như tôn trọng các quy định của nhà nước. ECOWAS cũng kêu gọi các tay súng vũ trang ở miền Bắc Mali tuân thủ lệnh ngừng bắn và hạ vũ khí.

Ngày 23/3, Liên minh châu Phi (AU) đã tuyên bố đình chỉ tư cách thành viên của Mali sau khi các binh sỹ nổi loạn tiến hành cuộc đảo chính quân sự chống chính phủ và làm cho đất nước rơi vào hoảng loạn.

Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Phi (AFDB) cũng đã thông báo “đóng băng” khoản viện trợ phát triển cho Mali sau vụ binh biến, đồng thời kêu gọi Mali nhanh chóng tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng này để lập lại chính phủ hợp hiến nhằm bảo vệ các thành quả phát triển của đất nước và người dân Mali.

Theo người phát ngôn WB, ngừng viện trợ phát triển đồng nghĩa với việc ngân hàng này sẽ không thông qua bất cứ dự án hoặc chương trình phát triển mới nào cho đến khi cuộc khủng hoảng ở Mali được giải quyết. WB cũng cho biết thêm rằng, trong những năm gần đây, Mali đã đạt những tiến bộ vững chắc về kinh tế và xã hội, cũng như củng cố vai trò lãnh đạo dân chủ.

Vì thế, dư luận quốc tế càng quan ngại sâu sắc hơn khi lại xuất hiện thêm “điểm nóng” về an ninh ở châu lục đen đầy bất ổn này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
90ph tv 90 tv mitom link bong da tv soi kèo hôm nay Đại lý bóng đá mitom keo ma cao