Chiến lược sống còn của Ukraine trước làn sóng cắt giảm viện trợ
VOV.VN - Khi xung đột kéo dài sang năm thứ tư, thiệt hại đối với Ukraine ngày càng gia tăng. Kiev đã chi hàng trăm tỷ USD cho cuộc chiến với Nga và mất ít nhất 46.000 binh sỹ, Telegrap dẫn một số nguồn tin cho biết. Để đối phó với tình huống này, Ukraine đã đưa ra chiến lược sống còn.
Ukraine đối mặt làn sóng cắt giảm viện trợ
Các nỗ lực làm trung gian hòa giản của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm xúc tiến các cuộc đàm phán chấm dứt xung đột không gặt hái được nhiều kết quả khả quan. Thay vào đó, sự thay đổi liên tục về lập trường của ông đã khiến nhiều người lo sợ rằng Mỹ có khả năng sẽ bỏ rơi Ukraine.

Đối với quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá này, điều này có nghĩa là dòng viện trợ và vũ khí quan trọng của Mỹ có thể giảm xuống mức nhỏ giọt hoặc ngừng hoàn toàn.
"Đây là một rủi ro lớn. Ukraine đang lo lắng về điều này. Chiến lược của Ukraine là tích trữ đủ vũ khí và đạn dược cho đến thời điểm đó. Không có nhiều hy vọng về các khoản viện trợ của Mỹ", Timothy Ash – nhà phân tích tại Viện Chatham House cho biết.
“Điều đó khiến cuộc chiến trở nên khó khăn hơn với Ukraine, nhưng họ vẫn có thể tiếp tục. Ukraine có khả năng duy trì sức chiến đấu trong ít nhất 6 tháng đến một năm. Cuộc chiến vẫn tiếp diễn mà không có bất kỳ tiến trình hòa bình nào”, ông Timothy Ash đánh giá.
Sự thiếu chắc chắn trong viện trợ của Mỹ khiến Ukraine phải tìm cách tiết kiệm vũ khí và đạn dược một cách tối ưu.
“Nếu phương tiện bay không người lái của đối phương, chẳng hạn như máy bay không người lái quân sự có giá 50.000 USD và họ bắn hạ nó bằng một tên lửa có giá 1 triệu USD, thì điều đó không hiệu quả về mặt chi phí. Họ phải bắn hạ hoặc vô hiệu hóa bằng vũ khí rẻ hơn, chẳng hạn như sử dụng thiết bị gây nhiễu. Chi phí thực sự tạo nên sự khác biệt, bởi vì tất cả các thiết bị đều bị phá hủy hàng ngày. Bạn không thể chi hàng trăm nghìn USD mỗi tháng cho thứ gì đó sẽ bị phá hủy trong một tuần hoặc có thể là trong vài ngày”, ông Oleksandr Barabash, một nhà phát triển phần mềm cho biết.
Công ty mà ông Barabash đồng sáng lập với những tình nguyện viên khác, có tên là Falcons, chuyên về lĩnh vực quốc phòng. Công ty này hiện có thể sản xuất nhiều loại thiết bị quân sự thiết yếu với giá thành thấp hơn nhiều so với các công ty ở châu Âu và Mỹ.
Chiến lược sống còn của Ukraine
Đối với Ukraine, nỗ lực tìm cách giảm phí tổn trong xung đột – cả tổn thất về nhân lực lẫn vật lực, đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
"Chúng tôi có đủ nguồn dự trữ từ nay cho đến cuối năm nay, chủ yếu là từ EU. Nhưng vẫn còn nhiều bất ổn cho năm tới. Vẫn chưa có cam kết nào đảm bảo chúng tôi có thể vượt qua được năm tới", ông Yurii Haidai - nhà kinh tế cấp cao tại Trung tâm Chiến lược Kinh tế ở Kiev cho biết.
Mối đe dọa cắt giảm nguồn tài chính không chỉ đến từ Nhà Trắng. Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã nhiều lần cố gắng chặn hỗ trợ của EU cho Ukraine và có khả năng ông sẽ tiếp tục thực hiện nỗ lực đó trong mùa hè này.
Dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden, Ukraine liên tiếp nhận được các khoản viện trợ mới. Vào những tháng cuối năm 2024, chính quyền ông Biden đã gấp rút chi 22,5 tỷ bảng Anh cho Ukraine. Nhưng Kiev không thể trông chờ gói viện trợ tương tự từ chính quyền ông Trump.
“Tình thế buộc Ukraine phải thắt lưng buộc bụng. Bộ tài chính hiện đang tìm cách phân bổ các nguồn tài chính một cách hợp lý nhất để quân đội có thể tiếp tục chiến đấu trong năm nay, thậm chí sang năm sau”, ông Yurii Haidai nhấn mạnh.
Chính phủ Ukraine sử dụng một nửa ngân sách nhà nước, lấy từ doanh thu của người nộp thuế, phần còn lại đến từ các khoản tài trợ và cho vay nước ngoài. Phần lớn nguồn tài trợ được dùng cho nỗ lực chiến đầu. Nguồn tiền này được chi dưới hình thức sản xuất vũ khí và đạn dược, trả lương cho 1 triệu binh lính và bồi thường cho gia đình những người thiệt mạng trong trận chiến.
“Chính phủ đang thực hiện các biện pháp tăng doanh thu từ nền kinh tế bị ảnh hưởng do giao tranh. Điều này có nghĩa là người lao động và doanh nghiệp tư nhân của Ukraine vẫn phải tiếp tục nộp thuế dù phải sống trong mối đe dọa của các cuộc không kích, tình trạng mất điện hàng ngày và lạm phát cao. Doanh nghiệp và người dân Ukraine đang nỗ lực đóng góp để hỗ trợ việc đảm bảo an ninh, quốc phòng. Chúng tôi rất mong đợi phương Tây sẽ giúp đỡ”, ông Haidai lưu ý.
"Chúng tôi thiếu thốn mọi thứ"
Việc thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng trong nước, vốn có từ thời Liên Xô, là rất quan trọng đối với Ukraine để có thêm kinh phí và viện trợ quân sự.
"Sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine thừa hường phần lớn ngành công nghiệp vũ khí của Liên Xô. Nhưng khi đó, việc duy trì ngành công nghiệp vũ khí không phải là ưu tiên do Chiến tranh Lạnh xảy ra sau đó. Vì vậy, đã có sự suy giảm trong lĩnh vực này", ông Lorenzo Scarazzato, thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, cho biết.
Việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và sau đó là cuộc xung đột vào năm 2022 đã buộc Ukraine phải hồi sinh ngành công nghiệp quốc phòng. Ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine hiện cung cấp khoảng 30% số lượng đạn dược cho quân đội, hầu hết từ các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp tư nhân.
Ông Barabash nói: “Sau khi xung đột nổ ra, chúng tôi đã kết nối với những tình nguyện viên khác và bắt đầu phát triển những thứ mà binh lính cần trên chiến trường”.
Công ty của ông Barabash chuyên chế tạo các cảm biến có thể truyền dữ liệu trên chiến trường, giúp binh sỹ nhanh chóng xác định và loại bỏ các mối đe dọa
“Chúng tôi thiếu mọi thứ. Nhưng chúng tôi đã chế tạo các cảm biến có giá thấp hơn hơn 1.000 lần so với bất kỳ thiết bị nào từ châu Âu”, ông Barabash cho hay.
Hy vọng lớn nhất của Ukraine có thể là thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Âu rằng đầu tư vào quốc gia này không phải là ném tiền vào một cuộc xung đột không hồi kết mà là đầu tư cho tương lai, cho nỗ lực phòng thủ chung của châu Âu.
“Rào cản chính là thiếu kinh phí. Việc vượt qua nỗi lo ngại và đưa ra quyết định chuyển hướng các khoản tiền này cho hoạt động sản xuất vũ khí của Ukraine sẽ cho phép châu Âu có được những lợi ích nhất định, chẳng hạn như có nguồn cung vũ khí giá rẻ và hiệu quả trong tương lai”, ông Kuzan, Chủ tịch Trung tâm An ninh và Hợp tác Ukraine nhấn mạnh.
Đây là một đề xuất hấp dẫn. Nhưng không có gì đảm bảo rằng châu Âu sẽ mua vũ khí của Ukraine. Hiện tại, Kiev vẫn phải tận dụng những thiết bị và vũ khí lỗi thời khi cuộc tấn công của Nga tiếp diễn.