Mỹ tiết lộ số máy bay mà Ukraine thực sự phá hủy trong chiến dịch Mạng nhện
VOV.VN - Theo 2 quan chức Mỹ tiết lộ với Reuters, trong cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine vào cuối tuần qua, khoảng 20 máy bay chiến đấu của Nga đã bị nhắm trúng, trong đó khoảng 10 chiếc bị phá hủy hoàn toàn, chỉ bằng một nửa so với con số mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky công bố.
Ukraine phá hủy ít máy bay Nga hơn con số ước tính ban đầu
Tuy vậy, các quan chức Mỹ vẫn đánh giá đây là một đòn tấn công có ý nghĩa lớn. Một trong số các quan chức cảnh báo sự kiện này có thể khiến Moscow đưa ra lập trường cứng rắn hơn trong các cuộc đàm phán hòa bình do Mỹ làm trung gian, nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài hơn 3 năm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói với Tổng thống Mỹ Donald Trump qua điện thoại hôm 4/6 rằng Moscow sẽ đáp trả cuộc tấn công này, theo bài đăng của ông Trump trên mạng xã hội. Ông Trump cho biết cuộc trò chuyện "rất tốt", nhưng "không phải là một cuộc đối thoại sẽ dẫn đến hòa bình ngay lập tức".
Ukraine cho biết họ đã tấn công 4 căn cứ không quân trên lãnh thổ Nga bằng 117 UAV, được phóng từ các container gần mục tiêu trong chiến dịch mang mật danh “Mạng nhện”. Ngày 4/6, Ukraine công bố đoạn video cho thấy UAV tấn công các máy bay ném bom chiến lược của Nga và hạ cánh lên ăng-ten hình vòm của hai máy bay do thám A-50 - dòng máy bay rất hiếm trong kho vũ khí của Nga.
Hai quan chức Mỹ giấu tên ước tính, đợt không kích này đã phá hủy khoảng 10 máy bay và khiến tối đa 20 máy bay bị ảnh hưởng. Con số này thấp hơn nhiều so với tuyên bố của ông Zelensky trước báo giới tại Kiev vào cùng ngày, trong đó ông nói rằng một nửa trong tổng số 41 máy bay Nga bị nhắm trúng đã hư hỏng không thể sửa chữa.
Reuters chưa thể xác minh độc lập số liệu do Ukraine và Mỹ đưa ra.
Nga - nước luôn coi lực lượng hạt nhân là công cụ răn đe chủ chốt đối với Mỹ và NATO đã kêu gọi Mỹ và Anh kiềm chế Kiev sau vụ tấn công. Hiện Nga và Mỹ đang nắm giữ khoảng 88% kho vũ khí hạt nhân toàn cầu. Washington cho biết Kiev không hề thông báo trước về cuộc tấn công này.
Giao tranh ở Ukraine đang leo thang, bất chấp gần 4 tháng nỗ lực của ông Trump nhằm đạt được hòa bình cho cuộc xung đột này. Nhà Trắng chưa đưa ra phản hồi chính thức. Đại sứ quán Nga và Ukraine cũng không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Nguy cơ leo thang xung đột
Cơ quan an ninh nội địa Ukraine (SBU) cho biết thiệt hại mà Nga phải gánh chịu từ chiến dịch này lên đến 7 tỷ USD và khoảng 34% số máy bay mang tên lửa hành trình chiến lược tại các sân bay chính của Nga đã bị tấn công.
Ảnh vệ tinh thương mại chụp sau cuộc tấn công cho thấy nhiều máy bay ném bom chiến lược của Nga, bao gồm Tu-95 và Tu-22 Backfire, vốn được dùng để phóng tên lửa tấn công Ukraine đã bị hư hỏng.
Bộ Quốc phòng Nga xác nhận Ukraine đã nhắm vào các căn cứ không quân ở các vùng Murmansk, Irkutsk, Ivanovo, Ryazan và Amur, đồng thời tuyên bố đã đẩy lùi được các cuộc tấn công ở 3 khu vực. Nga cũng thừa nhận có một số máy bay bốc cháy tại các khu vực Murmansk và Irkutsk.
Cuộc tấn công này đã khích lệ tinh thần cho Ukraine sau nhiều tháng phải chịu áp lực liên tục từ Nga với các đợt pháo kích và tấn công quy mô lớn bằng UAV cùng với tên lửa. Một số nhà quan sát nhận định, sự kiện cũng cho thấy dù đang phải vật lộn để cản bước các lực lượng của Moscow nhưng Kiev vẫn có khả năng tung ra các cuộc tấn công bất ngờ sâu trong lãnh thổ Nga ở khoảng cách lên tới 4.300 km tính từ tiền tuyến.
Đặc phái viên của ông Trump về Ukraine cảnh báo rằng nguy cơ leo thang từ cuộc xung đột này “đang tăng vọt”, nhất là khi Ukraine đã tấn công vào một phần trong "bộ ba hạt nhân" của Nga, gồm năng lực tấn công hạt nhân từ đất liền, trên không và trên biển.
“Trong lĩnh vực an ninh quốc gia, khi tấn công vào một phần trong hệ thống sống còn của đối thủ, tức bộ ba hạt nhân thì rủi ro leo thang tăng lên rất nhiều vì ta không biết phía bên kia sẽ phản ứng như thế nào", ông Keith Kellogg, đặc phái viên của ông Trump, nói với kênh Fox News ngày 3/6.