Indonesia chuẩn bị tốt để ứng phó với dịch COVID-19 bùng phát
VOV.VN - Khi một số quốc gia châu Á đang vật lộn với sự tái bùng phát của COVID-19, chính phủ Indonesa đã đảm bảo với người dân rằng ngành y tế Indonesia đã chuẩn bị tốt để ứng phó với bất kỳ đợt bùng phát nào trong tương lai, trong khi các nhà chức trách tăng cường các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn sự gia tăng trong nước.
Người phát ngôn của Bộ Y tế Indonesia Aji Muhawarman cho biết ngành y tế nước này đã chuyển đổi và chuẩn bị tốt hơn cho các cơ sở y tế, nhân viên và phòng thí nghiệm cho cuộc khủng hoảng trong tương lai, nhờ những bài học kinh nghiệm từ đại dịch COVID-19 trước đây. Cho dù đó là COVID-19 hay mối đe dọa nào khác, Indonesia đều sẵn sàng đối mặt.

Tuyên bố được đưa ra khi Thái Lan, Singapore và Hong Kong ( Trung Quốc) ghi nhận sự gia tăng lớn trong các ca lây truyền COVID-19 trong vài tuần qua, làm dấy lên lo ngại về khả năng lây lan trong khu vực. Bất chấp những lo ngại, Bộ Y tế Indonesia nhấn mạnh tình hình ở Indonesia vẫn ổn định, với số ca nhiễm COVID-19 mới hàng ngày liên tục ở mức một chữ số kể từ tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên, chính phủ đang thắt chặt kiểm soát tại các điểm nhập cảnh như sân bay và cảng biển. Du khách nhập cảnh hiện được yêu cầu nộp lịch sử du lịch gần đây và thông tin sức khỏe thông qua SATUSEHAT Health Pass, một biểu mẫu khai báo điện tử được đưa vào sử dụng để tăng cường giám sát biên giới.
Trong nước, Bộ Y tế Indonesia vẫn tiếp tục dựa vào Hệ thống Cảnh báo và Phản ứng Sớm (SKDR), tập hợp các báo cáo từ các cơ sở y tế trên cả nước để theo dõi và ứng phó với các đợt bùng phát tiềm ẩn. Bộ Y tế Indonesia cũng kêu gọi người dân, đặc biệt là người cao tuổi và những người có bệnh đi kèm, hãy tiêm mũi tăng cường COVID-19. Trong khi khoảng 3/4 dân số cả nước đã tiêm hai liều vaccine COVID-19 cơ bản, chỉ có 39 % đã tiêm mũi tăng cường và chỉ 2 % đã tiêm mũi tăng cường thứ hai.
Các chuyên gia y tế cho rằng, COVID-19 được coi là một căn bệnh lưu hành giống như cúm theo mùa ở nhiều quốc gia, chính phủ Indonesia nên liên tục tăng cường các nỗ lực truy vết, bên cạnh việc xây dựng một chiến lược ứng phó với sức khỏe cộng đồng, cho phép triển khai nhanh chóng các nguồn lực trong trường hợp bùng phát. Indonesia không cần phải liên tục trong tình trạng báo động cao, vì điều đó rất tốn kém và không bền vững. Nhưng nước này phải sẵn sàng hành động nhanh chóng và triển khai các nguồn lực cần thiết để đảm bảo khả năng đối phó với virus.