Dư luận Nhật Bản về đề xuất bỏ giới hạn nhiệm kỳ của ông Tập Cận Bình
VOV.VN - Truyền thông Nhật Bản đồng loạt đưa tin và nhận định về việc Trung Quốc đề xuất bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với chức Chủ tịch nước.
Truyền thông Nhật Bản ngày hôm nay (26/2) đồng loạt đăng tải thông tin về nội dung sửa đổi Hiến pháp nước Trung Quốc, trong đó đáng chú ý là việc đề xuất bãi bỏ quy định giới hạn nhiệm kỳ đối với chức danh Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước.
Sáng nay (26/2), Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga trong buổi họp báo đã nhấn mạnh rằng: “Đây là vấn đề liên quan tới nội chính của nước khác, nên chúng tôi hoàn toàn không có bình luận gì, mà chỉ quan tâm tới những vấn đề được thảo luận tại Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc của nước này mà thôi”.
Trong khi đó, Báo Asahi cho rằng đây là một “chính sách cải cách chế độ hướng tới một chính quyền Tập Cận Bình lâu dài”.
Trung Quốc “mở đường” để ông Tập Cận Bình nắm quyền lâu dài?
Báo cũng nêu rõ ông Tập Cận Bình tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào mùa thu năm 2017 đã đưa ra một mục tiêu lâu dài là “Hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa” đến năm 2035. Do đó, một chính quyền lâu dài và ổn định là mục tiêu tất yếu.
Trong nội dung sửa đổi Hiến Pháp có đưa ra nhiệm vụ tăng cường sức mạnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng: “Sự chỉ đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc là đặc trưng mang tính bản chất nhất của Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc, của thời đại mới Tập Cận Bình”, đồng thời đưa ra khẩu hiệu “Phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa” do ông Tập Cận Bình đề xướng.
NHK cho rằng nội dung sửa đổi bản Hiến pháp nếu được thông qua thì điều này sẽ mở ra một con đường cho chức vụ Chủ tịch nước tiếp tục lâu dài sau khi ông Tập Cận Bình kết thúc nhiệm kỳ thứ hai của mình vào năm 2023.
Chân dung 7 ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng CS Trung Quốc khóa 19
Báo Tokyo Shimbun phân tích: Như vậy sau 5 năm nữa ông Tập Cận Bình sẽ có khả năng tại nhiệm với tư cách là người có quyền lực tối cao. Báo cũng đăng tải rõ đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc thì tuổi giới hạn là 68 đối với các chức vụ. Tại thời điểm của Đại hội Đảng diễn ra nếu ai trên 68 tuổi thì sẽ phải rút khỏi chức vụ. Hiện tại ông Tập đã 64 tuổi, do vậy tại Đại hội Đảng khai mạc vào năm 2020 ông Tập sẽ phải nghỉ hưu. Nhưng nếu Hiến pháp được sửa đổi thì chức vụ Chủ tịch nước sẽ được thay đổi về thời gian nhiệm kỳ dựa trên pháp luật.
Hãng truyền hình Nihon bình luận rằng đề xuất bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ của Trung Quốc sẽ mở đường cho việc lâu dài hóa chính quyền Tập Cận Bình.
Hiện tại, Trung Quốc chỉ giới hạn nhiệm kỳ của Chủ tịch nước là 10 năm (liên tiếp hai nhiệm kỳ).
Hãng tin Jiji cho rằng đây là bước chuẩn bị để đảm nhiệm một chính quyền lâu dài./.