Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 13/4
VOV.VN - Dưới đây là một số diễn biến quan trọng liên quan đến tình hình chiến sự ở Ukraine ngày 13/4/2025.
Đặc phái viên của Mỹ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đặc phái viên của Mỹ Steve Witkoff ngày 11/4 đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở thành phố St Petersburg. Cuộc gặp diễn ra trong vòng hơn 4 tiếng đồng hồ và đây là cuộc gặp thứ 3 của Đặc phái viên của Mỹ Steve Witkoff với Tổng thống Nga Putin trong năm nay trong bối cảnh Mỹ vẫn chưa thuyết phục được Nga đồng ý với một thỏa thuận ngừng bắn.
Trước cuộc gặp, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết khả năng sẽ không có đột phá trong bối cảnh hai nước vẫn đang trong quá trình bình thường hóa quan hệ. Khi được hỏi liệu cuộc thảo luận có bao gồm việc chuẩn bị cho một cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Trump, ông Peskov cho biết điều đó còn phụ thuộc vào đề xuất của Mỹ mà ông Witkoff mang đến.

Nga tiết lộ nội dung cuộc gặp 4 tiếng giữa ông Putin và Đặc phái viên Mỹ. Điện Kremlin thông báo rằng các cuộc thảo luận giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và đặc phái viên Nhà Trắng Steve Witkoff vào ngày 11/4 liên quan đến "nhiều khía cạnh trong việc giải quyết xung đột Ukraine", nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Theo các nguồn tin thân cận của Reuters, ông Witkoff đã đề xuất một kế hoạch ngừng bắn bao gồm việc công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với bốn vùng lãnh thổ đang tranh chấp là Lugansk, Donetsk, Zaporozhye và Kherson. Đề xuất này ngay lập tức vấp phải phản đối từ Tướng Keith Kellogg, Đặc phái viên của ông Trump về vấn đề Nga-Ukraine. Ông Kellogg nhấn mạnh rằng Kiev sẽ không chấp nhận bất kỳ nhượng bộ lãnh thổ toàn phần nào.
Cuộc họp được cho là đã kết thúc mà không có quyết định nào được đưa ra từ phía ông chủ Nhà Trắng. Sau đó, ông Witkoff đã đến Nga vào ngày 11/4 để đàm phán trực tiếp với ông Putin.
Đặc phái viên Mỹ bác bỏ đề xuất chia cắt Ukraine như Berlin thời hậu chiến. Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Nga-Ukraine, Tướng Keith Kellogg, đã bác bỏ ý kiến cho rằng ông đề xuất phân chia Ukraine giống như nước Đức sau Thế chiến thứ II, đồng thời cáo buộc The Times đã xuyên tạc phát biểu của ông về một thỏa thuận an ninh hậu ngừng bắn theo kiểu Chiến tranh Lạnh.
Tờ báo Anh đăng tải bài viết với tiêu đề "Sứ giả của ông Trump: Chúng ta có thể chia cắt Ukraine như Berlin hậu xung đột", khiến ông Kellogg lập tức lên tiếng cáo buộc tờ này đã trích dẫn sai lời ông.
“Bài viết của The Times đã xuyên tạc phát ngôn của tôi", ông Kellogg viết trên nền tảng X vào tối 11/4. “Tôi đang đề cập đến một lực lượng gìn giữ hòa bình sau khi có được một lệnh ngừng bắn nhằm bảo vệ chủ quyền Ukraine. Trong bối cảnh nói về việc chia vùng trách nhiệm, tôi nhắc đến mô hình lực lượng đồng minh, trong đó không bao gồm quân đội Mỹ. Tôi không hề nói đến chuyện chia cắt Ukraine".
Mỹ - Ukraine căng thẳng vì chưa đạt được thỏa thuận khoáng sản. Các quan chức Mỹ và Ukraine đã họp về một đề xuất của Washington nhằm tiếp cận nguồn tài nguyên khoáng sản của Ukraine. Tuy nhiên triển vọng đạt được đột phá là rất mong manh do sự khác biệt về quan điểm của hai bên. Căng thẳng trong các cuộc đàm phán ở Washington bắt nguồn từ dự thảo đề xuất mới nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump, với nội dung mở rộng hơn so với phiên bản gốc.
“Có nhiều bất đồng trong cuộc đàm phán”, nguồn tin nói, viện dẫn dự thảo do chính quyền Tổng thống Trump đưa ra vào tháng trước.
Một phát ngôn viên của Bộ Tài chính Mỹ xác nhận việc hai bên tham gia thảo luận, nói rằng đây là những cuộc trao đổi về mặt kỹ thuật.
Ukraine thuê hãng luật Mỹ tư vấn về thỏa thuận khoáng sản . Theo một hồ sơ, Bộ Tư pháp Ukraine đã thuê hãng luật của Mỹ và Anh là Hogan Lovells để hỗ trợ đàm phán thỏa thuận khoáng sản quan trọng mà Tổng thống Trump đề xuất. Thông tin trên được công bố khi Ukraine và Mỹ bắt đầu tham vấn kỹ thuật về thỏa thuận khoáng sản vào ngày 11/4.
Theo hồ sơ đăng trên cổng thông tin của Bộ Tư pháp Mỹ, Bộ Tư pháp Ukraine đã ký hợp đồng với Hogan Lovells chi nhánh tại Mỹ từ ngày 9/4. Một nguồn tin xác nhận ngày 11/4 rằng chính phủ Ukraine đã thuê hãng luật này. Hogan Lovells là hãng luật Mỹ - Anh có trụ sở tại cả Washington, D.C. và London. Hồ sơ đăng ký không cung cấp thêm chi tiết nào.
Ukraine tăng sản lượng tên lửa hành trình gấp 8 lần vào năm 2024. Suspilne đưa tin, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Chiến lược German Smetanin cho biết, trong năm 2024, sản lượng tên lửa hành trình tại Ukraine đã tăng gấp 8 lần so với năm trước. Sản lượng UAV tầm xa và tổng khối lượng vũ khí được sản xuất trong nước cũng tăng đáng kể.
Ông Smetanin lưu ý, vào năm 2024, ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đã chứng minh được sự tăng trưởng chưa từng có. Nếu như vài năm trước, Ukraine chỉ sản xuất một mẫu tên lửa hành trình duy nhất - Neptune - thì giờ đây đã có "rất nhiều sản phẩm mới, đảm bảo sản lượng tăng gấp 8 lần so với năm 2023". Ông cũng lưu ý đến sự gia tăng trong sản xuất UAV tầm xa: "Sản lượng của chúng đã tăng gấp đôi so với năm 2023 và gấp 22 lần so với năm 2022".
Tổng cộng, 324 loại vũ khí mới đã được tạo ra tại Ukraine vào năm 2024. Theo bộ này, năm ngoái Ukraine đã sản xuất vũ khí trị giá tổng cộng 9 tỷ USD.