Căng thẳng xuyên Đại Tây Dương tạm lắng sau quyết định hoãn thuế của ông Trump
VOV.VN - Trong một động thái gây bất ngờ, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 25/5 thông báo hoãn đến ngày 9/7 việc áp thuế 50% đối với hàng hoá nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) thay vì từ 1/6 như tuyên bố trước đó.
Quyết định không chỉ giúp xoa dịu căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn, mà còn mở ra cơ hội đối thoại nhằm tìm kiếm giải pháp bền vững cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Thông báo của Tổng thống Donald Trump đưa ra sau cuộc điện đàm với Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, các cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên sẽ bắt đầu nhanh chóng.

"Chủ tịch Uỷ ban châu Âu vừa gọi cho tôi, yêu cầu gia hạn việc áp thúe vào ngày 1/6. Bà ấy nói rằng Liên minh châu Âu muốn đàm phán nghiêm túc và tôi cũng đã nói rõ rằng Mỹ sẽ thảo luận với bất kỳ ai chịu lắng nghe. Chúng tôi đã có cuộc cuộc điện đàm rất tốt đẹp và tôi đã đồng ý hoãn việc áp thuế đến ngày 9/7. Chủ tịch Uỷ ban châu Âu đã nói rằng, chúng ta sẽ nhanh chóng gặp nhau và xem liệu chúng ta có thể giải quyết được vấn đề gì không".
Trên mạng xã hội X, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen chia sẻ sự lạc quan khi cho biết, EU và Mỹ chia sẻ mối quan hệ thương mại quan trọng và chặt chẽ nhất thế giới. Châu Âu sẵn sàng thúc đẩy các cuộc đàm phán một cách nhanh chóng và quyết đoán.
Động thái hoãn thuế đã phần nào trấn an các thị trường tài chính vốn lo ngại nguy cơ vòng xoáy leo thang căng thẳng giữa hai trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hợp đồng tương lai của Mỹ tăng nhẹ trong phiên giao dịch đầu giờ sáng tại Châu Á. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,72% trong khi chỉ số Topix rộng hơn tăng 0,51%. Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng 0,88% trong khi chỉ số vốn hóa nhỏ Kosdaq tăng 1,08%. Đồng euro và USD Mỹ đều tăng giá so với các đồng tiền trú ẩn an toàn như yen Nhật và franc Thụy Sĩ. Tuy nhiên, tâm lý lạc quan này vẫn còn mong manh khi nguy cơ về một cuộc chiến thương mại toàn diện chưa được loại trừ.
Các quan chức Liên minh châu Âu thời gian gần đây đã cho thấy giọng điệu cứng rắn hơn khi đề cập đến tình hình đàm phán với Mỹ. Theo Uỷ viên thương mại EU Maroš Šefčovič, Thương mại EU-Mỹ là không gì có thể sánh bằng và phải được hướng dẫn bởi sự tôn trọng lẫn nhau, chứ không phải là đe dọa. EU sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình.
“Chúng tôi không cảm thấy mình thế yếu hay cảm thấy phải chịu áp lực không đáng có để chấp nhận thỏa thuận. Điều đó sẽ không công bằng. Liên minh châu Âu hoàn toàn rõ ràng rằng chúng tôi là khối thương mại lớn nhất trên hành tinh này, với nền kinh tế rất mạnh và với mạng lưới các hiệp định thương mại tự do thực sự rất lớn. Chúng tôi sẵn sàng thảo luận, sẵn sàng tìm ra các giải pháp cùng có lợi."
Uỷ ban châu Âu dự kiến sẽ sớm thảo luận về các đề xuất mới nhất đã được gửi tới Mỹ hồi tuần trước và đánh giá triển vọng cuộc họp dự kiến vào đầu tháng 6 tại Paris (Pháp) giữa các đại diện thương mại Mỹ- EU.
Theo số liệu của chính phủ Mỹ, EU là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ khi xuất khẩu hơn 600 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ và mua 370 tỉ USD hàng hóa của nước này vào năm ngoái. Trong kịch bản xấu nhất, nếu hai bên không thể tìm được tiếng nói chung, Mỹ hoàn toàn có thể kích hoạt lại chính sách thuế cao, không chỉ với các mặt hàng truyền thống mà còn có khả năng mở rộng sang các lĩnh vực công nghệ, ô tô và nông sản.
Đồng thời, khả năng EU đưa ra các biện pháp đáp trả cũng không thể loại trừ, làm gia tăng rủi ro cho thương mại toàn cầu. Ở chiều ngược lại, nếu các cuộc đàm phán mang lại kết quả tích cực, đây có thể là tiền đề cho một thỏa thuận thương mại mới giữa hai đối tác thương mại lớn nhất thế giới và rộng hơn là mang lại động lực cho các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra.